Người say mê vẽ tranh Bác Hồ
(Cadn.com.vn) - Những ngày tháng 5, Thượng tá CCB Trần Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu 5 đi tặng cho những người thân thiết cuốn sách ông lưu lại những năm tháng sáng tác mỹ thuật, âm nhạc và thơ, trong đó in lại nhiều bức tranh vẽ về Bác Hồ. Vẫn biết sức làm việc phi thường của ông khi còn tại ngũ, nhưng quả thật không nghĩ Thượng tá Trần Ngọc đa tài đến vậy.
Năm 1966, tuổi 20, đam mê âm nhạc, mỹ thuật và được "lận lưng" vốn kiến thức sơ đẳng về lĩnh vực này, chàng trai tỉnh Thanh Hóa Trần Ngọc xung phong nhập ngũ vào chiến trường. Hành trình công tác từ Khu 4 vào đến Khu 5, cũng là lúc tin Bác Hồ mất được thông báo trên ra-đi-ô. Trong nỗi đau cùng dân tộc, anh bộ đội bật lên những lời ca viết về Bác bằng giai điệu của riêng mình. Rồi cũng từ đây, Trần Ngọc bắt đầu chuyên vẽ tranh Bác Hồ. Ai cũng bảo tranh không những giống mà đẹp, đó là nhờ người vẽ nắm được thần thái của Bác. Được biên chế trong Ban Tuyên huấn Cục Hậu cần Quân khu 5, Trần Ngọc thỏa sức thực hiện những dự định lớn lao.
CCB Trần Ngọc vẽ tranh về Bác Hồ. |
Thời chiến tranh, việc có bức chân dung Bác Hồ to bằng tờ báo là hiếm, vậy mà Trần Ngọc vẽ Bác trên mọi chất liệu và đủ mọi kích cỡ. Tranh vẽ đến đâu, các đơn vị đón nhận đến đó. Có những ngày căn cứ liên tục bị máy bay Mỹ ném bom, giữa phút giây thanh bình hiếm hoi, người họa sĩ chiến trường lại miệt mài đem bút và sơn ra vẽ. Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, một người bạn của ông kể lại kỷ niệm: "Năm 1975, quân ta ào ạt tiến vào giải phóng Quảng Nam. Về đến Thăng Bình, anh Trần Ngọc tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ trên một tấm ván ép chiến lợi phẩm rộng 1,2 m, cao 2,4 m. Ngưỡng mộ anh, người dân vây kín nhìn và trầm trồ, thán phục".
Được thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị Quân khu 5 trực tiếp giao nhiệm vụ trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ các lễ hội và sự kiện lớn của Quân khu, ông và các nhân viên vô cùng vất vả. Đặc biệt là những ngày sau giải phóng, doanh trại bộ đội ở Đà Nẵng còn sơ sài thì pa-nô, áp phích băng rôn chính là sắc màu rực rỡ làm thành phố thêm tươi tắn, sống động. Có nhiều lần vừa căng treo khẩu hiệu, tranh cổ động lên buổi sáng thì buổi chiều trời mưa gió ập đến làm hư hỏng hàng loạt, phải vẽ lại từ đầu. Ngày ấy tranh cổ động là "linh hồn" của sự kiện. Trong một ngày, ông và 3 chiến sĩ phục vụ có thể vẽ hàng chục tấm tranh rộng từ 5-10 m2. Sau này làm Phó Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, sức làm việc của ông cũng không hề giảm bớt. Đầu tháng 3-1997, khi đang làm việc thì ông bệnh nặng, cắt 3/4 dạ dày và truyền hóa chất. Cuộc đấu tranh để sinh tồn bằng cách rèn luyện diễn ra bền bỉ suốt 20 năm và ông vẫn sống khỏe mạnh trước sự ngạc nhiên của thầy thuốc. Trong tập sách của mình, Thượng tá Trần Ngọc đặt tên là "Lưu niệm tâm tình người lính Khu 5 viết lời ca và vẽ Bác Hồ Chí Minh". Ngoài những tác phẩm về Bác được anh dành vị trí trang trọng, còn có nhiều sáng tác âm nhạc các đề tài khác bằng ca từ dung dị, mềm mại, dễ đi vào lòng người. Một số bài hát dạng "đơn vị ca", "địa phương ca" của anh có sức sống bền lâu và đoạt giải cao khi tham gia hội diễn NTQC các cấp, ngành ở Trung ương.
Đi từ chiến tranh ra hòa bình, tài năng và cần mẫn, có nhiều đóng góp cho quân đội, nhưng ở Trần Ngọc lúc nào cũng khiêm nhường. Chính vì nhân cách ấy mà khi nói về ông, đồng đội trong đó có nhiều người là tướng lĩnh đều hết mực kính trọng. Ở tuổi 70, trong căn nhà nhỏ ở đường Duy Tân, Đà Nẵng, ông luôn giữ cho mình trái tim tràn đầy nhiệt huyết, kiên định một niềm tin với Đảng. Bất cứ lúc nào, ông cũng có thể "truyền lửa", miệt mài vẽ tranh Bác Hồ hay ôm đàn hát say sưa về người lính và tình yêu cuộc sống.
Bài, ảnh: Hồng Vân