Báo Công An Đà Nẵng

Người sống qua 3 thế kỷ

Thứ hai, 04/11/2013 12:17

(Cadn.com.vn) - Khi đã bước qua cái tuổi được xem là thượng thượng thọ, nhiều người vẫn nghĩ rằng cuộc sống ở cái tuổi đó chỉ là chuỗi ngày làm bạn với cái giường, và nhờ đến sự chăm sóc ở “chế độ đặc biệt” của con cháu. Thế nhưng, cụ bà Trần Thị Nguyệt, 123 tuổi hiện sống tại thôn Diên Thủy (xã Phú Xuân, H. Phú Vang, TT- Huế) thì lại khác. Cụ vẫn khỏe mạnh, vẫn đi lại bình thường và mọi việc sinh hoạt cá nhân cụ vẫn tự tay làm lấy.

Dừng xe ở đầu thôn Diên Thủy (xã Phú Xuân, H. Phú Vang), hỏi thăm đường về nhà cụ Nguyệt, một bà chừng 70 tuổi hóm hỉnh nói: “Chú chạy tới dăm mét nữa có một cái quán tạp hóa, cụ hay ra trông hàng cho người cháu lắm. Mà chú hỏi cụ làm gì đó? Đừng bắt cụ đi nhé! Cụ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và cũng là “của quý” của làng, của xã tui đó nghe”.

Y như lời người chỉ đường, cụ đang cùng đứa cháu (cháu gọi cố) trông quán cho con dâu. Thấy có khách đến, cụ bảo đứa cháu vào tiếp để cụ trông hàng. Song khi nghe chúng tôi trình bày ý muốn hỏi cụ đôi điều, thì người cháu dặn chúng tôi, “cố vẫn còn khỏe, nhưng nghe điều được điều mất, do hơi lãng tai nên mấy anh cứ hỏi em, trả lời được thì em trả lời cho”.

Theo như người cháu cho biết thì hiện tại cụ vẫn rất khỏe, vẫn đi chơi quanh xóm mà không cần gậy, không cần ai dìu đỡ. Và, đặc biệt hơn là mọi việc sinh hoạt cá nhân từ thay áo quần, tắm rửa, ăn uống cụ vẫn tự làm, không cần ai giúp đỡ.

Đang trò chuyện thì người con dâu út Nguyễn Thị Hồng (69 tuổi) của cụ vừa về. Bà Hồng cho biết: “Cụ nhà tôi có 5 người con (4 trai, 1 gái), nhưng cả 4 người con trai của cụ đều đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hiện cụ chỉ còn 1 người con gái đã ngoài 90 và 4 người con dâu cũng đều sắp  70 - 80 tuổi”.

Cụ Nguyệt bên di ảnh người chồng.

Bản thân cụ Nguyệt sinh năm 1890, trong một gia đình nghèo tại vùng quê bên phá Tam Giang. Gia đình có 8 miệng ăn trong một mái ấm nên bố mẹ cụ Nguyệt phải làm việc ngày đêm mới lo đủ cho các con. Vì thế mà ngay từ thuở bé, cụ đã gồng mình mưu sinh trên những vũng nước mênh mông của đầm phá. Bao nhiêu nghề mà có tiền cụ đều trải qua từ buôn cá, khoai sắn, và thậm chí đan lưới, đánh cá.

Theo bà Hồng, hiện nay sức khỏe của cụ Nguyệt vẫn bình thường, nhưng nhiều lúc có mắc bệnh tuổi già, đôi khi ăn rồi nói chưa ăn, và cũng nhớ lại chuyện xưa rồi nói một mình. “Và đặc biệt là cụ rất thích ăn món cá, nhưng phải là cá ngoài đầm chú ạ. Chứ cá biển hay cá nuôi cụ không thích ăn đâu, với lại cụ ăn rau cũng nhiều, nếu với hai món đó thì một bữa cụ ăn cũng tới 3, 4 chén cơm”.

  Sống qua ba thế kỷ, cụ đã hai lần chết đi sống lại nên thấu hiểu gian truân của kiếp người. Lần đầu thoát chết trong nạn đói năm 1945. Lần thoát chết khác vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ Nguyệt giả vờ đi buôn dưa, khoai để đưa cơm, thức ăn cho bộ đội. Một lần bị địch phát hiện, cụ một mực không khai. Mấy tên lính đánh đập cụ rất dã man. Thấy cụ bất tỉnh, chúng tưởng chết rồi nên bỏ đi.

Cụ Nguyệt có biệt tài đỡ đẻ, tiếng tăm nổi khắp vùng. Trước đây, khi cụ còn khỏe, tất cả các con dâu, cháu và những thai phụ trong ngoài làng, thậm chí các xã khác, khi lâm bồn đều đến nhờ cụ Nguyệt. Khi đã đến cái tuổi xưa nay hiếm, cụ nhớ điều được điều mất và con cháu của cụ cũng không thể nhớ hết cụ đã đỡ đẻ cho bao nhiêu người, nhưng con số phải trên vài ngàn. Nhưng bây giờ do tuổi cao nên trong gia đình không cho cụ đỡ đẻ nữa, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm đến người khác.

Đắc Thành-Thanh Tuyền