Báo Công An Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2021)

Người suốt đời gắn bó với phụ nữ và trẻ em

Thứ tư, 20/10/2021 16:21

Có thể nói như vậy về bà Lê Thị Tám - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Tám trao học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn.

Người phụ nữ ham học   

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, 12 tuổi, bà Lê Thị Tám (1952), quê thôn Viêm Tây, xã Điện Thắng (H.Điện Bàn, Quảng Nam) đã là Phân đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong ở địa phương, làm giao liên, nắm tình hình địch để báo về cho các chú, các bác nằm vùng ở cơ sở. Hết tuổi thiếu niên, bà tham gia công tác Xã Đoàn, phụ trách thanh niên tổ chức đấu tranh chính trị, làm công tác binh địch vận tại địa phương; nhiều lần bị địch bắt nhốt, tra tấn nhưng bà kiên định một lòng theo cách mạng, quyết không khai báo một lời. Không có chứng cứ, nên địch đành thả bà ra.

Năm 1971, bà được rút về H. Điện Bàn, làm cán bộ tổ chức đứng cánh vùng C- vùng trắng, nơi người dân bị địch dồn vào ấp chiến lược để phát động phong trào nơi đây. Đến năm 1973, bà được rút lên căn cứ ở Hòn Tàu, làm cán bộ Phụ nữ Quảng Đà. Sau ngày đất nước giải phóng, bà về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng với nhiều cương vị khác nhau, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh từ năm 1987-1997. Khi QN-ĐN chia tách bà trở thành Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng đến năm 2007 nghỉ hưu và về làm Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP đến nay.

Do gia đình nghèo khó, thời bé, bà phải đi ở trông em nên chỉ học được đến lớp 4 là nghỉ học. Vì vậy, bà luôn khát khao được đi học. Sau này khi đất nước giải phóng, hễ có cơ hội là bà xin lãnh đạo cho đi học. Để học xong bằng Trung cấp chính trị tại Trung tâm Tuyên huấn ở Thủ Đức, bà phải nén lòng gửi con đầu mới 14 tháng cho mẹ chăm. Học xong, lại trở về tham gia công tác hội, lặn lội xuống cơ sở ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vừa sinh con thứ hai được 3 tháng, bà lại bồng con vào ở tập thể để học bổ túc kiến thức cấp hai, rồi tiếp tục học bổ túc cấp ba. Đến khi đã làm lãnh đạo Hội LHPN TP, bà lại xin TP cho đi học Cử nhân chính trị, tham gia học ĐH tại chức kinh tế tổng hợp... Bởi theo bà, phải học thì mới có kiến thức để làm tốt công việc mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho. Bà chia sẻ, khi làm lãnh đạo, bà luôn khuyến khích, động viên chị em trong Hội học cao hơn có thể.

Người phụ nữ của công việc

Những người cùng thời bà Lê Thị Tám đều ghi nhận bà là người nhiệt huyết, hết lòng vì  phong trào phụ nữ, chịu khó lăn lộn dưới cơ sở. Trong những năm tháng tham gia công tác Hội phụ nữ, dấu ấn bà để lại cho phong trào phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời chưa chia tách và TP Đà Nẵng khá đậm nét. Trong đó, ấn tượng nhất là phong trào xóa mù chữ - nhất là xóa mù cho trẻ em xóm nhà Chồ, phong trào bảo vệ môi trường với công trình làm nhà vệ sinh, công trình phụ từ nguồn vốn do Hội LHPNTP vay từ Ngân hàng Thế giới (sau đó là tài trợ hẳn) cho hơn 10.000 hộ phụ nữ; hay phong trào Ngày Chủ nhật sạch... “Tôi nhớ, hồi đó anh Hoàng Tuấn Anh làm Phó Chủ tịch TP, khi đọc kế hoạch của Hội LHPN TP, ảnh ưng ý lắm, xách cặp qua Hội nói với tôi, ảnh rất ủng hộ kế hoạch của Hội LHPN TP”- bà Tám nhớ lại…

Thời còn làm phóng viên Báo Đà Nẵng, nhà báo, nhà thơ P.H.P được phân công phụ trách lĩnh vực phụ nữ gần 10 năm. Chia sẻ ấn tượng của mình về bà Lê Thị Tám, nhà báo, nhà thơ P.H.P bộc bạch: “Đó là một phụ nữ nhiệt huyết, gần gũi, giản dị, hết lòng với chị em phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nông thôn, miền núi. Điều tôi phục nhất ở chị Tám đó là, sau khi hưu, đa phần phụ nữ khác tìm sự yên ổn, nghỉ ngơi, còn chị thì tiếp tục xông pha, cống hiến và làm được rất nhiều việc để giúp đỡ cho trẻ em và phụ nữ nghèo bất hạnh. Số tiền hàng chục tỷ đồng mà Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP vận động được để làm công tác từ thiện, có đóng góp không nhỏ nhờ uy tín chị ấy xây dựng được từ thời còn công tác ở các cương vị tại Hội LHPN tỉnh QN-ĐN cũ và Hội LHPN TP Đà Nẵng sau này. Phải có uy tín lắm mới huy động, kêu gọi được sự tài trợ từ các mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm. Trong đời làm phóng viên của mình, chị ấy là người để lại ấn tượng đẹp”.

Đọc bài thơ “Dáng chị” do nhà báo, nhà thơ P.H.P sáng tác về hình ảnh cán bộ phụ nữ thời còn là Hội LHPN tỉnh QN-ĐN và Hội LHPN TP ĐN những năm đầu sau khi chia tách có những câu rất hay như thế này: “Có thể chị sẽ quên nhưng chúng tôi thì nhớ/ Chị lội vùng xa, rồi thạo vùng gần/ Nơi những người nghèo còn khóa kỹ từng lon gạo trong rương gỗ/ Nơi mùa lạnh áo chăn không đủ ấm/Nơi ngày mai xuân về mà hôm nay bếp vẫn trống…” và “Làm sao có thể quên/Vùng sông nước chênh vênh nhà chồ, ổ chuột/ Chị đến từng nhà gọi những đứa trẻ da ngăm, tóc cháy/chật vật kiếm từng con chữ/…/Ngày ấy/ Chị đã miệt mài trong niềm hy vọng /Kéo bao phận người  thôi kiếp bẽ bàng, ong lơi, bướm lả/Chị đã miệt mài góp gom hai ngàn đồng từng ngày một/Mong  bao cuộc  sống hồi sinh/Còn nhớ/Chị nắm bàn tay người phụ nữ đơn thân/Cạnh những đứa trẻ lớn lên giữa trời giữa đất/Nao nao ánh nhìn lẻ loi đơn chiếc/Bao giờ chạm được bình yên…”, tôi thấy có bóng dáng bà Lê Thị Tám trong đó. Nhà thơ P.H.P cho biết, bài thơ được “lấy cảm hứng từ chị Tám”. “Đó là  hình ảnh chị Tám cũng chính là hình ảnh của hầu hết các Hội trưởng, Chi hội trưởng PN xã, phường thời đó”- nhà báo, nhà thơ P.H.P chia sẻ thêm.

Được hỏi về những năm tháng gắn bó với công tác phụ nữ thời còn tỉnh QNĐN cũ rồi TP Đà Nẵng, bà Tám xúc động nhắc đến sự nhiệt tình, hết mình của Hội Phụ nữ cơ sở: “Chị em ở cơ sở, đặc biệt là Chi hội trưởng tội lắm, nhiệt tình lắm. Hồi đó, họ đâu có chế độ, nhưng ai cũng làm việc bằng tinh thần trách nhiệm rất cao…”. Được hỏi về bà Lê Thị Tám, ông Ông Văn Bán- Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em kiêm Trưởng ban vận động bếp ăn cho bệnh nhân nghèo P.Hòa Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ) không ngớt lời khen ngợi: “Ở độ tuổi như chị Tám (gần 70 tuổi), phải nói quá sức năng nổ, quá sức nhiệt tình, chịu khó tìm gặp các mạnh thường quân xin hỗ trợ, tài trợ để làm từ thiện, giúp đỡ cho bao mảnh đời kém may mắn, bất hạnh. Đối với Hội ở cơ sở, chị rất quan tâm, động viên, cổ vũ, tạo động lực để Hội cơ sở hoạt động tốt”… Là một trong những trường hợp được nhận hỗ trợ từ chương trình Vòng tay nhân ái do Hội Từ thiện & Bảo vệ quyền trẻ em TP phối hợp cùng các tấm lòng hảo tâm tài trợ, em Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (2003, tạm trú P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, mồ côi cha) xúc động tâm sự: “Nhờ có sự quan tâm của bác Bán, bà Tám và các tấm lòng hảo tâm, chị em con có được số tiền lớn để trang trải cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra”.  

Còn với riêng tôi, bà là một người của công việc, luôn đau đáu với phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ và trẻ em nghèo, bất hạnh.

Khánh Yên