“Người tàng hình” trong ký ức đồng đội
58 năm trôi qua nhưng trong nỗi nhớ của các cán bộ lão thành, tấm gương hy sinh của đồng chí Đào Ngọc Chua – nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn hiển hiện sinh động. Giỏi võ thuật, “xuất quỷ nhập thần”, gan góc, mưu trí... là những gì yêu mến nhất mà đồng đội ở thành phố sông Hàn nói về người con ưu tú của quê hương. Cùng với ông Mai Ngọc Châu, nguyên Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang thì liệt sĩ Đào Ngọc Chua là nhân vật chính trong tác phẩm “Hòa Vang” của nhà văn Nguyễn Khải, xuất bản năm 1967 ở miền Bắc. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm miêu tả tỉ mỉ cuộc chiến đấu can trường của quân dân huyện Hòa Vang trên tuyến lửa đánh Mỹ thông qua những nhân vật đứng đầu, tạo thêm niềm ngưỡng mộ của cả nước về một Hòa Vang – chấm son trên bản đồ Tổ quốc (lời Bác Hồ).
CCB Tăng Tấn Đình kể chuyện về liệt sĩ Đào Ngọc Chua với người cháu nội của ông. |
Đồng chí Đào Ngọc Chua, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Huyện đội trưởng (trong chống Pháp), Bí thư Huyện ủy Hòa Vang sinh năm 1922 tại xã Hòa Thắng, Hòa Vang, nay là phường Hòa An (Cẩm Lệ). Ông hy sinh đầu năm 1960 để lại bao thương tiếc cho cán bộ và nhân dân. Đại tá CCB Ngô Trường Tình, nguyên Trưởng phòng Binh địch vận Quân khu 5, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Hòa Vang trong kháng chiến chống Pháp không quên kỷ niệm nào về người đồng chí của mình: “Công lao của anh Chua lớn lắm. Anh nổi tiếng từ thời Việt Minh, trực tiếp về vùng núi vận động đồng bào bí mật gom góp hơn 7 tấn gạo để phục vụ trận đánh giao thông địch trên đèo Hải Vân lần thứ 3. Đầu năm 1949, bộ đội ta phục kích đánh đoàn xe quân sự và xe chi viện từ Huế vào, diệt được 200 tên. Biết quân chủ lực của ta chưa kịp rút, địch điều thêm 8 tiểu đoàn lên bao vây suốt 3 ngày đêm. Nhờ nắm chắc dân, thông thuộc địa hình, biết được chỗ nông, sâu trên sông Trường Định, anh chỉ huy dân quân cùng bà con dùng ghe thuyền đưa hơn 1.800 bộ đội chủ lực và dân quân vượt qua sông Trường Định về cơ sở an toàn ngay trước khi địch khép chặt vòng vây”.
Ông Tăng Tấn Đình hiện ở tại Trung Nghĩa, Hòa Minh (Liên Chiểu), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Hòa Thắng sôi nổi hẳn lên khi nói về tài chỉ huy của đồng chí Đào Ngọc Chua: “Bộ đội tiến đánh đường nào, rút ra đường nào, công tác tải thương, tải đạn và tiếp tế cho bộ đội ở đâu, anh Chua nắm như lòng bàn tay. Ngày 30 Tết năm 1955, sau khi Ủy ban quốc tế không đồng ý cho 15 cán bộ xã Hòa Thắng tập kết ra Bắc, anh Chua chỉ đạo tôi dẫn số này nhanh chóng lên Trung Mang bởi nếu trễ, địch có thể bố ráp nguy hiểm. Nhờ vậy, đoàn đã được tập kết ra Bắc theo đường bộ an toàn. Anh ấy còn chỉ đạo cơ sở của ta trong chính quyền địch ký và cấp 25 giấy thông hành khống chỉ phân phát cho cán bộ Hòa Liên giả dạng vào vùng tự do đón gia đình hồi cư để rồi đi tập kết ngay sau đó. Anh cùng Huyện ủy vận động hơn 20.000 chữ ký của nhân dân gửi Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Đà Nẵng; huy động quần chúng kéo về thành phố biểu tình, bao vây đồn Võ Tánh, làm tê liệt chính quyền ngụy...”.
Bà Phạm Thị Cưu (Hai Cưu) hiện ở Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu nhớ lại: “Khi đồng chí Đào Ngọc Chua được phân công phụ trách cánh Bắc Hòa Vang, tôi là cơ sở cách mạng trực tiếp liên lạc. Anh tổ chức xây dựng hàng trăm hầm ngầm bí mật tại các vùng Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Hiệp..., đặc biệt là căn cứ Khe Răm tại thượng nguồn sông Cu Đê. Đây là vị trí các đội công tác của cánh Bắc Hòa Vang dùng làm nơi dừng chân và được sử dụng mãi đến năm 1964”. Chuyện tinh thông võ nghệ, “tả xung hữu đột”, “xuất quỷ nhập thần” của ông Đào Ngọc Chua được các CCB kể thật hào hứng. Có người chứng kiến từ đầu đến cuối, có người chỉ nghe nói lại vậy mà ai nấy đều nhớ mồn một, tình tiết ngỡ như giai thoại. Với CCB Bùi Thường hiện ở Hòa Liên, nguyên chiến sĩ của Đại đội 10 Hòa Vang thì Bí thư Đào Ngọc Chua có vóc dáng to cao, thường đi lại một mình, không cần người bảo vệ. Có lần qua Hòa An, bị địch bao vây, ông vừa chạy vừa dùng súng đặt phía sau vai bắn ngược lại bọn địch đang đuổi, hạ liền mấy tên. Đến ngang cầu, ông nhặt cục đá ném cái “uỳnh” rồi thoát, làm bọn địch tưởng Việt Cộng nhảy xuống sông nên tập trung vây chặt. Từ đó bọn địch truyền miệng nhau gọi Đào Ngọc Chua là “người tàng hình”. Có lần gặp bọn dân vệ Hòa Hiệp trang bị cả súng trường vây phục mình, ông một mình đánh trả, hạ gục, tước hết các súng. Có tên liều lĩnh xông lên bám quanh người, bám lên 2 cánh tay, ông hất tung chúng vào bụi tre gai góc. Không chỉ dân vệ mà bọn địch ở Đà Nẵng khiếp vía khi nghe tiếng vị chỉ huy này.
Ông Phan Văn Tải, hiện ở khu phố Thanh Vinh, P. Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) bùi ngùi khi nhớ về tấm gương hy sinh của đồng đội: “Anh Chua, mà mọi người thân mật gọi là anh Chín trụ bám Hòa Vang trong thời điểm Ngô Đình Diệm với Luật 10/59, anh từng bước nhen nhóm ngọn lửa cách mạng từ trong hầm tối. Cơ sở anh xây dựng ngày một mở rộng. Anh tìm các thầy dạy võ về dạy cho thanh niên trong vùng, bổ sung vào lực lượng vũ trang, một số ở lại làm du kích chiến đấu ngay quê nhà; chỉ đạo bà con hợp pháp thu mua số lượng lớn vải, gạo, thuốc men và các nhu yếu phẩm bí mật tổ chức chuyển lên căn cứ; may cờ Giải phóng, quần áo bộ đội, chuẩn bị cho thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc và tiến hành đồng khởi”.
Biết đồng chí Chua là đối tượng nguy hiểm, địch chỉ lệnh bằng mọi giá phải bắt bằng được. Do có sự phản bội ở một đầu mối của ta, kẻ thù đã vây bắt khi ông về chỉ đạo phong trào ở xã Hòa Liên. Sau khi bắn chết ông, địch bắt dân về đồn Quan Nam để chứng kiến, thị uy. Dã man hơn, chúng cột tay chân ông vào 4 góc giường, đầu nẹp cứng vào đầu giường và dựng đứng lên để dân làng thấy rõ...
Anh Đào Ngọc Tuấn công tác trong ngành Công an nhiều năm nay dành thời gian lặn lội đi tìm tư liệu về cuộc đời ông nội mình. Cha là thương binh ¼, ký ức đau thương của gia đình chính là động lực để anh phấn đấu học tập và trưởng thành. Anh nói: “Tuy ông nội chưa kịp được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND như kỳ vọng của đồng đội nhưng tôi luôn tự hào về người ông thân yêu và truyền cảm xúc đó cho các con của mình”.
HỒNG VÂN