Báo Công An Đà Nẵng

Người Thái đón rước tân vương Maha Vajiralongkorn

Thứ hai, 06/05/2019 08:54

Ngày 5-5, các nghi thức lên ngôi của Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, hiệu Rama X, bước vào ngày thứ 2 (nghi lễ kéo dài trong 3 ngày, từ 4 đến 6-5), trong đó đặc biệt nhất là lễ rước kiệu diễu hành của Hoàng gia sau lễ đăng cơ hôm 4-5.

Đây được cho là ngày cao điểm nhất khi có gần 1 triệu người đổ về các khu vực xung quanh Hoàng cung ở Bangkok và dọc theo tuyến đường diễu hành Hoàng gia dài hơn 7km từ Hoàng cung đến các chùa Wat Bovoranives, Wat Rajabopidh and Wat Phra Chetuphon. Trong quá trình diễu hành, đoàn rước dừng chân ở 3 ngôi chùa nổi tiếng này. Tại mỗi ngôi chùa, vua Maha sẽ viếng tượng Phật và thể hiện sự thành kính trước các vị vua và hoàng hậu đời trước và dành thời gian để người dân có cơ hội biểu thị lòng trung thành.

Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn trong lễ rước kiệu vào chiều 5-5. 

Xếp hàng từ sáng sớm

Dù lễ rước diễn ra vào buổi chiều nhưng từ sáng sớm 5-5, người dân Thái đã xuống đường, đội nắng xếp hàng để chờ được chứng kiến lễ rước này.

Mặc áo màu vàng - màu của Hoàng gia - và mang theo mũ và dù để chống lại cái nắng lên đến 37 độ C, họ nhích qua các trạm kiểm soát an ninh và trên tay vẫn cầm chân dung nhà vua. AFP dẫn nguồn tin từ truyền thông Thái Lan cho biết, lễ rước tân vương Maha bằng kiệu bắt đầu vào lúc 16 giờ 30. Đây là lễ rước lớn nhất trong các nghi thức lên ngôi của nhà vua Thái Lan với sự tham gia của hơn 1.368 người và bắt đầu bằng 21 loạt đại bác. Các quan chức Thái Lan, gồm cả Thủ tướng và các thành viên nội các, có mặt trong đoàn rước. Kiệu vua ngồi do 16 người khiêng, và cứ 500m lại đổi người một lần.

Lễ rước kết thúc vào lúc 22 giờ (giờ địa phương) khi vua trở lại hoàng cung. “Đây có thể là cơ hội đầu tiên và cuối cùng của tôi để chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng này. Trời rất nóng, nhưng nó không thể ngăn tôi đến đây”, ông Nattriya Siripattana, 57 tuổi, nói với AFP khi xếp hàng chờ đợi buổi lễ này, lần đầu tiên trong 69 năm qua. Trong khi đó, cô Donnapha Kadbupha, 34 tuổi, người đã đến sớm 8 tiếng để chắc chắn có được vị trí tốt nói rằng: “Tôi cảm thấy mình phải ở đây để cho cả thế giới thấy chúng ta tôn thờ nhà vua đến mức nào. Tại lễ rước lần này, người dân ở hai bên đường đã luôn hô to “Quốc vương sống mãi”.

Các vị vua ở Thái Lan luôn  giữ một vị trí rất thiêng liêng trong lòng người dân và được tôn sùng như một vị thánh sống. Việc chỉ trích hoặc thảo luận quá sâu về đời sống hoàng gia ở Thái Lan bị cấm và người vi phạm có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Người dân Thái Lan, trong trang phục áo vàng, xuống đường chào đón vị vua mới hôm 5-5. Ảnh: Reuters

Kéo dài 3 ngày

Hôm 4-5, vua Maha đã chính thức lên ngôi trong một buổi lễ đăng cơ long trọng tại Hoàng cung ở Bangkok, đánh dấu sự khởi đầu của vị vua thứ 10 thuộc triều đại Chakri có lịch sử từ năm 1782 ở Thái Lan.

Hàng trăm ngàn người dân đã tập hợp xung quanh Hoàng cung để chứng kiến những nghi thức lên ngôi mang tính lịch sử này. Đây là lễ đăng cơ đầu tiên tại Thái Lan trong vòng 69 năm qua kể từ sau khi vua Bhumibol Adulyadej - Rama IX lên ngôi ngày 5-5-1950. Và thực tế là hầu hết người Thái chưa bao giờ được chứng kiến lễ đăng cơ công phu và hoành tráng nào như thế này. Lễ đăng cơ của một vị vua là một vấn đề được coi trọng bậc nhất tại Thái Lan do lâu nay. Công tác chuẩn bị cho lễ lên ngôi của vua Maha được thực hiện từ nhiều tháng qua dưới sự điều hành của một ủy ban do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu. Chính phủ Thái Lan, tuyên bố chi 1 tỷ baht (31,35 triệu USD) cho nghi lễ rước kiệu này. Chính phủ cũng cung cấp xe buýt miễn phí cho những người sống ở các khu vực bên ngoài Bangkok đến thủ đô để chứng kiến sự kiện này. Khoảng 150.000 chiếc mũ đã được chuẩn bị cho những người dân xếp hàng dài 7km để chào mừng vua Maha.

Hôm nay (6-5), ngày cuối cùng trong chuỗi các nghi thức lên ngôi, vua sẽ xuất hiện trước công chúng tại Hoàng cung để nhận những lời chúc tụng của nhân dân và tiếp xúc các đoàn ngoại giao.

Những thách thức

Lễ đăng cơ diễn ra trong bối cảnh Thái Lan vừa trải qua cuộc tổng tuyển cử nhiều tranh cãi hồi tháng 3 và cho đến nay vẫn phải đối mặt với bài toán chính trị lớn. Kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố vào ngày 9-5 tới, một sự chậm trễ đã làm nản lòng nhiều người Thái. Titipol Phakdeewanich, giảng viên tại Đại học Ubon Ratchathani cho biết: “Khi sự kiện đăng cơ kết thúc, chúng tôi sẽ phải tập trung vào chính trị”. Người dân Thái Lan lo ngại kết quả bầu cử chính thức sẽ dẫn tới nhiều mâu thuẫn hơn. Và đó là thách thức lớn đặt ra cho vị vua mới”. 

Trong bài phát biểu đầu tiên trước các thành viên Hoàng gia, Hội đồng Cơ mật Thái Lan và các quan chức chính phủ, vua Maha đã kêu gọi đoàn kết dân tộc. Kể từ khi lên kế vị, vua Maha đã tăng cường sức ảnh hưởng đối với nền chính trị. Hồi tháng 6-2018, ông đã ký ban hành các đạo luật liên quan đến cuộc tổng tuyển cử, đánh dấu mốc gần nhất Thái Lan tiến tới việc tổ chức một cuộc bầu cử sau khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 do chính quyền quân sự đã nhiều lần trì hoãn công bố thời điểm tổ chức bầu cử.

Nhưng thực tế cho thấy, vị vua mới của Thái Lan vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Những gì mà ông sẽ làm đối với nền chính trị vẫn chưa rõ ràng. Một số chuyên gia nhận định, vua Vajiralongkorn cũng ít được người dân Thái Lan biết đến nhiều vì ông chỉ trị vì được 2 năm và có phần lớn thời gian sống ở nước ngoài trước đây.

KHẢ ANH