Báo Công An Đà Nẵng

Người thân lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng

Thứ bảy, 29/02/2020 21:50

Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, nhiều lao động Nghệ An tại đây lo lắng, muốn về quê tránh dịch. Ở quê nhà người thân của họ cũng “mất ăn, mất ngủ” theo dõi sức khỏe của con cái từng ngày. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc tìm vé máy bay cũng không hề dễ dàng, mặt khác nếu về quê tránh dịch cũng đồng nghĩa sẽ mất việc làm.

Khu vực cách ly ở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. 

* Ngày 27-2, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đang cách ly 9 người Việt là du học sinh và công nhân trở về từ vùng dịch ở Hàn Quốc. Trong số đó, có 2 người từ TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc về Việt Nam từ ngày 25-2, có biểu hiện ho, sốt và tức ngực. Họ đã tự mua thuốc uống nhưng không đỡ, hiện đang được cách ly, theo dõi sát tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu và Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An). Cả 9 trường hợp này đều đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm.

Lo lắng về tình hình dịch bệnh

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hương (trú xã Bắc Thành, H. Yên Thành, Nghệ An) “đứng ngồi không yên” mỗi khi theo dõi thông tin về tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Hàn Quốc trên tivi. Hiện gia đình bà Hương đang có 5 người sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, gia đình người con cả đang định cư ở Hàn Quốc 10 năm nay, 1 người con rể đang lao động tại đây, còn 6 tháng nữa mới hết thời hạn hợp đồng.

“Theo dõi thông tin thời sự thấy diễn biến của dịch nhanh quá, số người chết và người bị nhiễm cứ tăng dần lên từng ngày khiến gia đình tôi rất lo lắng. Ngày nào các cháu cũng gọi điện thoại, facebook về liên lục cập nhật tình hình sức khỏe, chỗ các cháu ở cũng cách xa trung tâm dịch nhưng tôi lo sợ tình hình dịch bệnh khó lường. Hôm trước thằng con rể kêu đau đầu, sổ mũi, cả đêm tôi không thể ngủ được vì lo nhưng may mắn cháu chỉ bị cảm lạnh”, bà Hương cho biết.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghệ An hiện có 4.835 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong số này có 315 người sẽ hết hạn và về địa phương trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, đây chỉ là danh sách những lao động qua Hàn Quốc bằng chương trình EPS mà cơ quan chức năng quản lý được.

Em Lê Quỳnh Phương (quê Nghệ An) hiện là du học sinh tại tỉnh Bắc Kyeungxan (Hàn Quốc). Phương đang làm thêm ở một nhà hàng nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng nơi Phương làm việc quyết định đóng cửa. “Trường em có thông báo dời lịch học kỳ mới vào ngày 16-3 này nhưng em xin bảo lưu kết quả, nhập học vào tháng 9 tới để về Việt Nam tránh dịch. Về lần này em cũng thuộc diện cách ly 14 ngày nhưng dù sao như thế vẫn yên tâm hơn là ở bên này thấp thỏm lo sợ” – Phương tâm sự.

Vừa sang Hàn Quốc đợt giáp Tết vừa rồi nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Nguyễn Thị Hiền hết sức lo lắng cho con trai là anh Nguyễn Đình Linh (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên). “Con trai ở bên đó một thân một mình tôi cũng lo lắm nhưng biết làm thế nào ngoài việc dặn dò con phải cẩn thận, tự phòng chống dịch bệnh cho bản thân. Nhiều khi lo quá, tôi cũng khuyên cháu hay là về nhà tránh dịch, thà bị cách ly 14 ngày còn yên tâm hơn ở bên đó nhưng con bảo không mua được vé máy bay, khẩu trang y tế bên đó giờ cũng khan hiếm nên tôi đi mua khẩu trang tính gửi cho con nhưng cũng không mua được”.

Bà Nguyễn Thị Hiền lo lắng cho con trai. 

Trang bị phương tiện, thiết bị phòng dịch

Bên cạnh cập nhật thông tin về dịch bệnh, những người thân ở quê nhà cũng động viên con em mình phải tự tìm mọi cách để phòng dịch, dự trữ sẵn đồ ăn thức uống, tránh ra ngoài và không tiếp xúc với nhiều người.

Trước tốc độ lây lan của dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Tú (1985, quê ở H. Thanh Chương) hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Gyeongsangnam- do, miền Nam Hàn Quốc (địa phương ghi nhận có trường hợp nhiễm Covid-19) cũng được công ty cho nghỉ làm. “Công ty cho nghỉ làm, chúng tôi cũng đã được khuyến cáo hạn chế ra ngoài. Khi có thông tin về dịch Covid-19 ở Hàn Quốc, tôi đã ra siêu thị mua rất nhiều thịt cá, trứng sữa, dầu muối và gạo về dự trữ dùng dần. Tôi tính về Việt Nam tránh dịch nhưng vừa nhận được thông báo trường của con gái đi học vào tuần sau nên cũng rất đắn đo”, chị Tú cho hay.

Chị Nguyễn Thị Tú – lao động Việt Nam tại Hàn Quốc với tủ đồ dự trữ thức ăn phòng chống dịch Covid -19.

Nhiều lao động lo lắng về dịch bệnh nhưng nếu về Việt Nam thời điểm này thì đứng trước nguy cơ mất việc làm, trong khi để có 1 suất sang Hàn Quốc làm việc là điều không hề dễ dàng. Anh Nguyễn Thanh Tùng (quê Nghệ An) cũng làm việc tại tỉnh Kiengxangnamto, cách tâm dịch Teku hơn 70 km. Hiện công ty anh Tùng vẫn chưa thông báo cho nghỉ làm việc để phòng tránh dịch. Chính vì vậy, ngoài các thiết bị bảo hộ lao động như thường lệ, anh Tùng phải trang bị thêm khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch rửa tay khô để phòng virus corona. “Vợ chồng em cũng muốn về Việt Nam tránh dịch nhưng xin nghỉ phép phía công ty không cho, chỉ những bộ phận nào ít việc thì họ mới cho nghỉ thôi. Giờ về nước là xác định mất việc làm”, anh Tùng nói.

Còn anh Nguyễn Đình Linh (1990, trú xã Hưng Tây, H.Hưng Nguyên, hiện đang làm việc tại tỉnh Busan) thì chấp nhận bỏ việc để về Việt Nam. Thế nhưng thời điểm này để kiếm 1 chiếc vé máy bay về nước là điều không dễ. “Vé máy bay về Việt Nam đã hết sạch trong mấy ngày tới. Hy vọng tuần sau có vé để về chứ ở lại trong thời điểm này thì sợ lắm”, Linh cho hay.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc trang bị cho mình các phương tiện, thiết bị phòng dịch, tuân thủ sự hướng dẫn của ngành y tế và tích trữ lương thực, thực phẩm để “chiến đấu” lâu dài với dịch bệnh đang là sự lựa chọn của nhiều lao động Nghệ An ở Hàn Quốc thời điểm này.

DƯƠNG HÓA