Báo Công An Đà Nẵng

Người “thổi hồn” vào những gốc tre

Thứ tư, 01/12/2021 20:23

Dạo quanh khu phố cổ Hội An sau đợt dịch COVID-19, tôi bắt gặp người đàn ông với thân hình nhỏ bé, làn da ngăm đen, đang rao những câu hát qua chiếc micro nhỏ đeo trên miệng, cùng đôi bàn tay thoăn thoắt đục đẽo “biến hình” những gốc tre tưởng chừng bỏ đi trở thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khiến du khách ngỡ ngàng.

Ông Đỏ giữa không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình và những gốc tre được điêu khắc độc đáo, có hồn.

Ấn tượng khi lần đầu nhìn thấy ông có lẽ là nụ cười tươi tắn để lộ rõ hàm răng bị sún đã rụng gần hết. Hỏi ra mới biết ông là Huỳnh Phương Đỏ (49 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An) nổi tiếng với biệt tài điêu khắc gốc tre có một không hai tại Hội An. Đến mức dân địa phương ở đây hầu như ai cũng biết và cảm thán về ông.

Ông Đỏ bắt đầu câu chuyện về cái duyên gắn bó đời mình với những gốc tre. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo nhưng lớn lên ông lại mê nghề mộc. Năm 15 tuổi, ông được gia đình gửi đi học nghề ở làng mộc Kim Bồng. Vững tay nghề, ông đi làm thợ thuê cho các xưởng mộc. Những thời điểm thăng trầm của nghề mộc, do thu nhập không đủ sống, có lúc ông phải đạp xe đi bán bánh chưng và bắp luộc để trang trải sinh hoạt. Ít lâu sau ông lập gia đình rồi lại quay trở lại nghề mộc nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn bao nhiêu nên vẫn phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống.

Vào cuối năm 2002, một trận lụt lớn đã khiến cuộc đời ông Đỏ rẽ ngang một hướng khác.Ông kể:“Khi Hội An bị trận lụt lịch sử, nước dâng cao cuốn đi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân, tôi ngồi trên gác nhà nhìn xuống dòng nước lũ, thấy những rặng tre cứ bám mãi vào cột nhà mà không bật gốc bởi dòng nước. Thế nên tôi tiện tay vớt vài gốc tre về, khi nhìn những gốc tre tôi liên tưởng đó là những bộ râu trên khuôn mặt ông bụt, thần linh. Nhân lúc rảnh rỗi, lại thấy “ngứa tay”, tôi đã đục thử. Từ đó tôi đã tìm cho mình một lối đi mới, riêng, độc đáo mà không ai nghĩ đến”.

Ông Đỏ cho biết thêm, vì hồi trước mình đã biết sẵn nghề điêu khắc gỗ nên việc điêu khắc trên tre cũng y như việc khắc trên gỗ nhưng đòi hỏi sự khéo léo vì đục tre khó hơn đục gỗ. Ngoài cần tay nghề tinh xảo, nghệ nhân phải có “con mắt” nghệ thuật thẩm mỹ, sáng tạo và hiểu biết kiến thức lịch sử lẫn tri thức dân gian mới có thể hình dung và thể hiện cốt cách nhân vật, phù hợp với kiểu dáng, hình hài từng gốc tre. Cũng nhờ đó mà ông Đỏ đã sáng tạo nên hàng nghìn khuôn mặt với nhiều hình thù khác nhau, như mặt Quan Công, Bồ Đề Đạt Ma, Phúc - Lộc - Thọ… rất mộc mạc và luôn có hồn trong mỗi bức tượng.

Để tạo ra được một sản phẩm như vậy, với mỗi người nghệ nhân phải mất thời gian dài 6 tháng ngâm gốc tre dưới bùn. Gốc tre trước khi tạc tượng phải được phơi thật khô, đánh sạch lớp đất. Để có những bức tượng đẹp các nghệ nhân phải lựa thế rễ, gốc và tạo ra những tượng ưng ý để thuyết phục được người mua. Một tượng đơn giản bằng gốc tre nếu làm nhanh thì khoảng 1-2 ngày. Nếu tượng nào phức tạp thì phải mất 4-5 ngày mới xong. Mỗi gốc tre được mua về với giá 15-20 ngàn đồng/gốc. Sau khi hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật thì nó có giá gấp 10-20 lần tùy theo loại.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong mấy tháng qua thành phố đóng cửa nên không có du khách đến Hội An. Các gian hàng trưng bày sản phẩm của ông Đỏ cũng đóng cửa theo. Tuy nhiên, vốn đam mê với nghề điêu khắc gốc tre, ông chưa hề nghĩ sẽ từ bỏ. Vào những tháng cuối năm, sau khi thành phố mở cửa đón khách trở lại, gia đình ông cũng bắt tay vào làm việc để chuẩn bị cho dịp Tết cổ truyền. “Như mọi năm, đến giáp Tết thì mấy xe tải gốc tre cũng không có đủ mà bán, năm nào cũng cháy hàng. Năm nay ảm đạm hơn, ảnh hưởng của dịch mà 7 cơ sở phân phối sản phẩm của tôi trên cả nước đã tạm dừng hoạt động. Hiện tại, Hội An mới mở cửa đón du khách quay trở lại nên tôi cũng bắt đầu bán trở lại, tuy nhiên chỉ ở quanh phố cổ. Tết năm nay tôi mong dịch bệnh sẽ ổn hơn để sản phẩm được tiêu thụ bằng một nửa năm ngoái là tôi vui rồi”, ông Đỏ hy vọng.

Thùy Dương