Báo Công An Đà Nẵng

Người thư ký của nhà cách mạng Phan Bôi

Thứ tư, 09/09/2015 10:42

(Cadn.com.vn) - Hồi học ở Huế, tôi từng có dịp đến thăm di tích ngục Chín Hầm nói về tội ác tên lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn, nghe câu chuyện về một chiến sỹ tình báo của ta bị địch đày ải chốn địa ngục này. Song, trong ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết ông đã viết bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác kẻ thù với 3.000 câu thơ và tự học thuộc lòng. Người chiến sỹ tình báo đáng kính ấy là đại tá Nguyễn Minh Vân, tên thật là Nguyễn Đình Quảng, gốc quê xã Quế Lộc, H. Quế Sơn (nay là H. Nông Sơn, Quảng Nam).

Có một người Quảng ở thủ đô

Thật tình cờ chúng tôi tìm được nhà đại tá Nguyễn Minh Vân ở ngõ 359, đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Biết chúng tôi từ Đài PT-TH Quảng Nam ra để thực hiện phim tư liệu về nhà cách mạng Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, một cộng sự tin cậy của Bác Hồ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Vân cũng như gia đình rất vui, niềm nở đón tiếp. Dù tuổi đã ngoài 90 nhưng ông Vân khá minh mẫn, đặc biệt đôi mắt rất sáng, cử chỉ lanh lẹ trong từng động tác của ông còn thể hiện tầm quan sát, trí tuệ mẫn tiệp của một nhà tình báo chiến lược tầm cỡ. Câu chuyện với ông giúp chúng tôi biết thêm nhiều điều về tác giả của 3.000 câu thơ nơi ngục Chín Hầm. Ông bảo mình luôn tự hào là người Quảng Nam và là những người nằm trong diện từ xứ Quảng ra thủ đô giúp việc cho Chính phủ, cho đất nước mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đại tá Nguyễn Minh Vân (giữa), ông Trần Phú Thành-con trai nhà cách mạng Trần Tống (phải)
và tác giả bài viết.

Ông Vân bắt đầu câu chuyện: “Vì sao tôi lại gặp và được chọn làm thư ký riêng cho nguyên Thứ trưởng Hoàng Hữu Nam? Đây là câu chuyện dài nhưng để dễ hiểu xin bắt đầu từ việc thời phổ thông tuy quê Quế Lộc nhưng tôi theo học ở Quốc học Huế trước 1945. Lúc đó cụ Huỳnh Thúc Kháng đã là một người thầy dìu dắt tôi. Sau khi nước nhà độc lập, tháng 4-1946, với tư cách Bộ trưởng Chính phủ mới do Bác Hồ mời ra làm việc, cụ Huỳnh đã cho gọi tôi ra Hà Nội và giới thiệu tôi làm thư ký riêng cho đồng chí Hoàng Hữu Nam”. “Có phải từ đó ông gắn bó với Hà Nội và ngành tình báo?”. “Đúng vậy, ấn tượng sâu sắc nhất là lần đầu ra Hà Nội gặp cụ Huỳnh, lúc đó Bác Hồ cũng có mặt. Thấy tôi Bác chào ngay: “Cháu ra đấy à”. Tôi hiểu ngay tất cả mọi chuyện cụ Huỳnh đã trao đổi với Bác. Còn với anh Hoàng Hữu Nam, ngay lần gặp đầu tiên anh đã coi tôi như một đứa em xa tới, làm cho tôi tránh được sự bỡ ngỡ ban đầu. Anh Nam không hỏi gì về lý lịch mà chỉ hỏi tôi làm gì trước khi về Hà Nội. Tôi báo với anh là tôi gia nhập quân đội khi cách mạng Tháng Tám thành công, làm trưởng Ban tuyên truyền Chi đội giải phóng quân tỉnh Quảng Nam và mới chuyển ra Huế làm công tác trong Ban đặc vụ quân sự”.

Trong bản lý lịch viết tay mà ông Vân cho chúng tôi xem, sau thời gian làm việc ở Phủ Chủ tịch khoảng một tháng ông được chuyển đến nhà số 12 phố Rialan, tức phố Phan Đình Phùng ngày nay. Đó là trụ sở cơ quan Liên kiểm quân sự Việt  - Pháp Trung ương. Tháng 1-1947 khi toàn ngành tình báo sắp xếp tổ chức cho phù hợp tình hình mới, ông Vân được phân công làm Trưởng Ban tình báo Hà Nội và được kết nạp vào Đảng 3-2-1947. Vợ ông Vân là bà Nguyễn Thị Thìn, quê xã Đồng Áng, H. Thanh Trì, Hà Nội. Bà từng là tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, trong trung đội Nguyễn Thị Minh Khai, sau đó cũng theo ông hoạt động trong mạng lưới tình báo Hà Nội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tá Nguyễn Minh Vân, một người con Đất Quảng gắn liền với những chiến công thầm lặng của người chiến sỹ tình báo, đặc biệt nơi chốn lao tù ông đã làm được những việc mà mọi người nể phục, quân thù khiếp sợ.

Bản cáo trạng thơ viết nơi ngục Chín Hầm

Nhắc về những câu thơ viết dưới ngục Chín Hầm, ông Vân trầm tư, xúc động một hồi lâu, rồi kể: “Tháng 6-1956, tôi nhận nhiệm vụ từ cơ quan tình báo chiến lược ngoài Hà Nội vào Huế để nắm mạng lưới điệp báo miền Trung. Việc không thành do địch đang đẩy mạnh chiến dịch tố cộng diệt cộng, đánh phá dữ dội vào các tổ chức của ta trên khắp địa bàn. Giữa năm 1957, Thường vụ Khu ủy nhất trí với cơ quan Tình báo chiến lược Trung ương, phải cho tôi chuyển vùng vào Sài Gòn để nắm một lưới điệp báo đặc biệt của Khu. Công việc đang bắt đầu có hiệu quả thì ngày 1-11-1957 tôi bị bọn Mật vụ Miền Trung vào bắt, do có sự đầu hàng khai báo của một số cán bộ cơ sở trong lưới mà tôi mới được bàn giao”.

Ông Vân bị đưa vào trại giam đặc biệt P.42 của mật vụ Ngô Đình Nhu tra khảo. Không thu được kết quả, tháng 2-1958, chúng đưa ông ra Huế, giam vào Lao xá Ty công an Thừa Thiên, nơi tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn đang làm mưa làm gió nơi này. Ông Vân nhớ lại, có đến hai lần Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Giám đốc Công an Trung Phần Lê Khắc Duyệt mang xe hơi đến mời ông về nhà riêng và một lần về nhà thờ Phú Cam để mua chuộc. Biết không lay chuyển ý chí cách mạng của người chiến sỹ tình báo, chúng đưa ông Vân sang giam ở đồn Mang Cá rồi đưa đến tử ngục Chín Hầm. Ở đây, ông Vân chứng chiến nhiều đồng đội giam cầm hy sinh thê thảm trong ngục tối. Để đối phó với thâm ý của địch, ông đã nghĩ ra cách làm thơ kể lại mọi tội ác trong nhà tù. Vào khoảng cuối năm 1962, đầu năm 1963, ông Vân đã làm và nhẩm thuộc tất cả những câu thơ nghĩ ra. Câu thơ thứ 3.000 được ông ghi nhớ đúng vào ngày sinh nhật con trai mình (2-11-1963). Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ họ Ngô, ông Vân là một trong số 3 người tử tù thoát chết từ ngục Chín Hầm trở về. Trong thời gian bị giam ở Ty công an Huế, ông Vân đã chép tay 3.000 câu thơ thành hai bản nhờ bạn tù được địch thả đưa ra ngoài.

Cuối tháng 6-1964, nhật báo Chuông Mai xuất bản ở Sài Gòn đã in một loạt bài kể lại câu chuyện về “người âm phủ”, “người hầm” cùng một số đoạn thơ trích dẫn khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Đặc biệt, theo ông Vân, số phận có hậu của tập thơ sống trong mồ do ông viết là lần đầu tiên được xuất bản vào  ngày 20-12-1973 do nhà thơ Tố Hữu, khi đó đảm trách công tác văn hóa tư tưởng của Đảng viết lời giới thiệu, NXB Văn học ấn hành 15.200 bản. Ngay sau đó, nhà thơ Tế Hanh đã viết một bài bằng tiếng Pháp về tập thơ gửi đăng trên tạp chí EucoPe ở Pháp. Sức ảnh hưởng của tập thơ đã lan đi rất nhanh không bởi hình thức nghệ thuật mà đó chính là nội dung bản cáo trạng tội ác trời không dung đất không tha của quân thù với người tù cách mạng mà nhà thơ chính là nhân vật đã trải qua.

6 câu thơ ông Vân viết để tiễn đưa một người bạn đến bây giờ vẫn không quên đọc cho chúng tôi nghe trước lúc chia tay: “Lời trăng trối mang hồn người sắp chết/ Vọng qua vách, trang nghiêm mà thống thiết/ Các anh ơi! Cố sống thoát một người/ Về với đồng bào - dù chỉ một người thôi! Để tố cáo kiểu hầm giam vô cùng tàn bạo/ Bắt Mỹ ác -ngụy gian phải đền nợ máu!”. Thật diệu kỳ người đồng hương Quảng Nam của tôi, nhà tình báo tiền bối của đất nước, người tử tù nơi ngục Chín Hầm... giờ đây đang ngồi trước chúng tôi, đang kể về số phận mình, đất nước mình những năm tháng khói lửa của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại mà với lứa tuổi chúng tôi nhiều điều vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng.

Võ Văn Trường