"Người tình" của Trịnh Công Sơn
(Cadn.com.vn) - 10 năm Trịnh Công Sơn rời xa “cõi tạm”, âm nhạc của Trịnh vẫn vang lên ở mọi ngõ ngách trong tâm thức Việt, đời sống Việt. Trong hơn 600 ca khúc Trịnh Công Sơn gửi lại, ngoài âm nhạc cách mạng, nhạc phản chiến, còn lại đa phần là tình ca. Có thể nói Trịnh Công Sơn là người tình của cuộc đời, của con người, của thiên nhiên muôn thuở: Tàn đông con nước kéo lên/ Chút tình mới chớm đã viên thành... (Đóa hoa vô thường),... Vậy người tình của Trịnh Công Sơn là ai? Đó là câu hỏi của bạn, của tôi, mỗi khi nghĩ về Trịnh...
Tôi là người sinh sau, gặp anh Sơn khi Huế giải phóng. Gần gũi mấy năm, tôi không nghe anh kể chuyện nhiều về những mối tình của mình. Theo nhà văn Bửu Ý, người bạn rất thân của Trịnh, chính xác thì Trịnh Công Sơn đã hai lần tính chuyện “cưới vợ”. Cả hai lần đều sau năm 1975. Lần thứ nhất là năm 1983, Trịnh chuẩn bị cưới người phụ nữ có tên là C.N.N sống ở
Người tình Ngô Vũ Dao Ánh và Trịnh Công Sơn.
Nhưng nếu tính “người tình” tâm hồn của Trịnh phải kể đến Bích Diễm, Khánh Ly. Sau ca khúc “Ướt mi”, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ở Huế, Trịnh Công Sơn đã rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai Ngô Vũ Bích Diễm, con của một vị giáo sư dạy Pháp văn: Hình ảnh này vương lại mãi trong trái tim ông như một vết thương thành vết sẹo giữa cuộc đời. Ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa” ra đời, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời của Trịnh và tồn tại lâu bền: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao... Hỏi về chuyện Diễm xưa, Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Ngày xưa dường như cả thế hệ tôi là vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, một ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui”. Trong ca khúc Diễm xưa có đoạn ca từ bất tử: Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau/Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Ấy là triết lý cuộc đời, triết lý Thiền mà Trịnh Công Sơn đã phát hiện ra từ khi còn rất trẻ.
Nhưng phải nói rằng với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới là Người Tình muôn đời. Dường như toàn bộ tình ca Trịnh viết là dành riêng cho giọng hát Khánh Ly. Nói theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì “với Sơn, Khánh Ly luôn luôn là giọng hát Người Tình”. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn được phân bổ lên dạy học ở Bảo Lộc. Và Trịnh đã gặp Khánh Ly với cái tên Lệ Mai ở phòng trà Tulipe Rouge, Đà Lạt. Thế là “nên duyên”. Trịnh nghe Khánh Ly hát, nhận ra ngay giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc tâm thức của mình. Trịnh Công Sơn kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly... Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của tôi. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực nhưng đầy hạnh phúc ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh...”. Những ngày tháng cuối năm 1965, bằng cây đàn guitar thùng đơn giản, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã làm say đắm hàng ngàn khán giả mỗi đêm diễn. Hình như họ sinh ra để có nhau, vì nhau, vì những bản tình ca. Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai-gái trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng. Sơn nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”. Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”...
Năm 1975, Khánh Ly rời Việt
Và một điều bất ngờ là đầu năm 2011, trong Giai phẩm xuân Tân Mão Sài Gòn Tiếp Thị lần đầu tiên công bố những di bút rất riêng tư của bà Ngô Vũ Dao Ánh, em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm. Bà Dao Ánh cho biết 40 năm ở nước ngoài, bà đã cất giữ 320 bức thư tình mà Trịnh Công Sơn đã viết cho bà từ những năm 1964-1967. Những bài tình ca như Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố... đều viết cho Dao Ánh. Dao Ánh còn giữ lại nguyên vẹn bản viết tay đầu tiên của Mưa hồng, Tuổi đá buồn với lời đề tặng “bản của Ánh đó”. Có lẽ giai nhân Ngô Vũ Dao Ánh mới là người tình đầu tiên và người tình bất tử của Trịnh Công Sơn (?). Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh, cuốn sách in 320 bức thư tình ấy sẽ ra mắt bạn đọc. Thật hy hữu và xúc động Nhà thơ Nguyễn Duy, người được gia đình Trịnh Công Sơn tin cậy giao phó việc biên tập và xuất bản tác phẩm “Thư tình gửi một người”, thổ lộ: “Đọc hết 320 bức thư tình, tôi gần như choáng váng. Cảm ơn những người tình như Dao Ánh đã biết gìn giữ tình yêu của anh Sơn trong 46 năm qua, tức là gần nửa thế kỷ. Dao Ánh vừa là một tình yêu rất cụ thể, đồng thời là một tình yêu biểu tượng. Một tình yêu cụ thể đã chấm dứt, nhưng biểu tượng tình yêu thì bất tử với thời gian...”.
Ngô Minh