Báo Công An Đà Nẵng

Người trồng mía lao đao

Thứ năm, 05/03/2020 20:07

Giá đường sụt giảm cũng như hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai. Thời cao điểm, vùng nguyên liệu mía của tỉnh có khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện phía Đông và Đông Nam. Nhà máy đường An Khê với công suất lớn nhất nước hiện nay đang thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Nắng hạn khiến nhiều vườn mía còi cọc, không thể phát triển dù đang vào vụ thu hoạch. 

Ngay trên địa bàn Nhà máy đường An Khê (thuộc Cty CP đường Quảng Ngãi) đóng chân, những cánh đồng mía của người dân tại TX An Khê (Gia Lai) đã vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, những cây mía lúp xúp nửa người bởi ảnh hưởng đợt nắng hạn kéo dài từ năm 2019 đến nay. Thiếu nước, cây mía còi cọc và không thể phát triển trên những cánh đồng mà nguồn nước không thể tưới được. Vụ mía này, gia đình ông Nguyễn Hồng Phong (P. An Phước, TX An Khê) cố gắng nhặt nhạnh cũng chỉ là những cây mía dài hơn 0,5m. Những năm trước đây, vườn mía trên 1ha này của gia đình ông cũng cho thu hoạch trên 60 tấn mía cây, nhưng giờ này cũng chỉ thu khoảng hơn 20 tấn. Thậm chí, nhiều vườn mía gần đó, nhiều chủ vườn đành bỏ mặc không thu hoạch bởi cũng không đủ để trả tiền thuê nhân công chặt hạ. “Ông trời hành hạn hán thế này thì lỗ lắm! Tính ra 1ha mía thì tiền chăm sóc, phân bón khoảng 20 triệu đồng mà giờ thu lại có 7-8 triệu đồng thôi. Đất này giờ muốn chuyển đổi cây trồng khác cũng khó, chỉ có trồng mía mới mang lại nguồn thu cho nông dân thôi”, ông Phong lo âu.

Ông Phan Vĩnh Tấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX An Khê cho biết, năm nay, diện tích mía trên địa bàn có khoảng 3.000ha nhưng hầu như bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Những năm trước, sản lượng mía ước khoảng 60 tấn/ha thì năm nay năng suất trung bình chỉ còn khoảng 25-30 tấn/ha. Trong khi đó, theo thống kê của Nhà máy đường An Khê, vùng nguyên liệu của nhà máy với diện tích khoảng 22.000ha thì đã có đến 7.000ha bị thiệt hại nghiêm trọng do nắng hạn khi năng suất giảm khoảng 50%, diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng khi năng suất giảm từ 20-30%.

Những cây mía chỉ dài hơn 0,5m khiến sản lượng giảm hơn 50%. 

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê đánh giá: Hạn hán khiến năng suất mía giảm, trong khi công suất nhà máy đưa ra là 18.000 tấn mía/ ngày thì lượng mía tối thiểu cho vụ năm nay phải từ 1,8 – 2 triệu tấn mía. Thế nhưng, với sản lượng mía toàn vùng hiện nay dự kiến chỉ khoảng 700.000 tấn mía, thấp hơn trên 60% so với vụ mía trước. “Với tình trạng thiếu hụt này, chắc chắn nhà máy hoạt động không hiệu quả. Để chia sẻ với người trồng mía thì trong thời gian đến cũng như nhằm ổn định phát triển lại vùng nguyên liệu thì nhà máy đưa ra cơ chế mua mía năm nay với giá cao hơn năm ngoái là 200.000 đồng/ tấn mía. Như thế, sau khi trừ đi chi phí thì người dân còn khoảng 500.000 – 570.000 đồng/ tấn mía, với năng suất như trước khoảng 70 tấn/ha thì người dân có thu nhập từ 25-30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, năm nay nguồn thu của người dân tương đối thấp khi sản lượng mía sụt giảm”, ông Phước chia sẻ.

Sản lượng mía giảm mạnh đã khiến hoạt động của Nhà máy đường An Khê gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, trước việc giá đường sụt giảm đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân trồng mía, ông Phước cho biết thêm: Ngoài việc đưa các cơ chế, chính sách nhằm ổn định tâm lý cho người trồng mía trong vùng nguyên liệu thì chúng tôi cũng đã thông báo tình hình nhận định về giá đường trên thế giới cũng như trong nước. Theo đó, đường nguyên liệu đang thiếu hụt và nhu cầu sẽ tăng trong thời gian gần đây, đó là điều kiện thuận lợi cho ngành đường Việt Nam nói chung và người dân trồng mía nói riêng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo đời sống cho người trồng mía trong điều kiện mất mùa do nắng hạn, ngoài việc nâng giá thu mua Nhà máy đường An Khê còn có nhiều chính sách hỗ trợ tiền tưới, giống và khuyến khích cơ giới hóa trong thực hiện cánh đồng lớn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả cho cây mía. Đồng thời, tạo ổn định phát triển vùng nguyên liệu. Thế nhưng, với phần lớn diện tích vùng nguyên liệu mía được trồng đại trà, chủ yếu dựa vào nguồn nước trời như hiện nay thì việc giảm thiểu thiệt hại nắng hạn cũng là câu chuyện rủi may.

M.T