Báo Công An Đà Nẵng

Người trồng rau điêu đứng

Thứ ba, 11/02/2014 20:50

(Cadn.com.vn) - Đậu tây trong vườn nhà lúc lĩu trái đang độ thu hoạch nhưng anh Nguyễn Văn Hiệp (ở xã Đại Cường, H. Đại Lộc) không buồn hái. Tiếc của, nếu để lứa trái này già thì lứa đậu khác cũng ít ra gương (hoa) và đậu quả nên anh Hiệp kêu bà con hàng xóm sang “lặt” giúp, ai ăn bao nhiêu thì lấy, số còn lại anh đổ cho mấy con bò ăn.

Anh Hiệp cho biết, vụ rau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, gia đình anh dành toàn bộ gần 4 sào đất vườn để trồng các loại rau xanh, nhất là các loại có choái như đậu tây, dưa leo (dưa chuột), khổ qua, bí...

Dưa leo rớt giá mạnh khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng.

Từ cuối tháng Chạp năm Quý Tỵ 2013, anh thu hoạch lứa đậu đầu tiên hơn 50 kg đậu trái, giá bán tại chỗ lên đến 20.000 đồng/kg. Nhưng từ mồng 4 Tết đến nay, giá đậu và các loại rau xanh khác rớt thê thảm, làm cho gia đình anh lâm vào cảnh dở khóc dở cười. “Vụ rau Tết năm nay thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít nên năng suất cao. Không ngờ sau Tết lại rớt giá thê thảm, tính ra gia đình tôi lỗ vốn khoảng 10 triệu đồng, đó là chưa kể công chăm sóc gần 2 tháng qua” - anh Hiệp rầu rĩ.

Người trồng rau xanh ven sông Vu Gia tại các xã Đại Cường, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hòa (H. Đại Lộc), Điện Hồng, Điện An, Điện Phong (Điện Bàn), Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Trung (Duy Xuyên)... cũng dở khóc dở cười vì rau sau Tết được mùa nhưng mất giá. Giá rau tại các chợ đầu mối trong vùng thấp hơn 50% so với thời điểm trước Tết. Khổ qua (mướp đắng) thì dao động từ 10-12 ngàn đồng/kg, thấp hơn 5 lần so với trước Tết; đậu tây và cải xanh dao động từ 2,5-3 ngàn đồng/kg; xà lách 3-4 ngàn đồng/kg; cà, dưa leo cũng chưa đến 2 ngàn đồng/kg; bầu bí thì giá quá rẻ, nhiều người không buồn hái mang ra chợ bán.

Những vùng rau mang “thương hiệu” rau sạch Quảng Nam như Nam Phước (Duy Xuyên), Bình Triệu (Thăng Bình), Tam Ngọc (TP Tam Kỳ) cũng điêu đứng do trồng rau chuyên canh nhưng đầu ra sau Tết quá khó khăn. Theo người trồng rau Quảng Nam, do rau xanh Đà Lạt và các vùng khác về rất nhiều. Trong khi đó, nhiều người đổ xô vào trồng rau vụ Tết nên cung vượt cầu, dẫn đến rau rớt giá mạnh so với các năm trước.

Điệp khúc được mùa mất giá lại tái diễn những ngày sau Tết làm cho người trồng rau mất vui. “Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Không ít gia đình lại tất tả xuôi ngược để lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều người phải phá bỏ vườn khổ qua, đu đủ, dưa leo... đang cho trái để chuyển sang trồng dưa hấu và các cây hoa màu khác.

Bài, ảnh: Th. Hà