Báo Công An Đà Nẵng

Người trồng tiêu đối mặt với nhiều mối lo

Thứ hai, 20/04/2015 11:28

(Cadn.com.vn) - Tây Nguyên là vùng có tổng diện tích hồ tiêu hơn 40.000 ha, chủ yếu nằm ở địa bàn 3 tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, chiếm hơn 51% diện tích trong cả nước. Đây được xem là một loài cây có giá trị kinh tế hàng đầu và được ưu tiên phát triển nhưng thời gian qua có nhiều vấn đề khiến người trồng tiêu lo lắng...

Tại cuộc họp Sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại quý I-2015 của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đắc Lắc, ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương đã cảnh báo về việc thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường hồ tiêu. Cụ thể, thời gian qua có nhiều thương lái Trung Quốc đến Đắc Lắc mua hồ tiêu với giá từ 190 nghìn đồng đến 195 nghìn đồng/kg, rồi xuất đi bằng đường tiểu ngạch, trong khi đó giá thị trường hồ tiêu khô vào thời điểm này chỉ khoảng 180 nghìn đồng/kg.

Về vấn đề thương lái mua đội giá, ông Nguyễn Đào Chí, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắc Lắc, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đoàn liên ngành 389) cảnh báo rằng khi lượng hồ tiêu thu gom với giá cao tập trung ra biên giới, nếu thương lái Trung Quốc lập ra “kịch bản” không mua thì chúng ta sẽ thiệt hại về kinh tế và rối loạn thị trường trong nước.

Nhiều diện tích hồ tiêu đang đối mặt với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Không chỉ đối mặt với nạn phá giá lũng đoạn thị trường, người trồng tiêu Tây Nguyên còn đối mặt với nạn dịch bệnh đang hoành hành, khiến nhiều héc-ta hồ tiêu chết trắng. Theo thống kê của các trung tâm bảo vệ thực vật, đã có hơn 15.000ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó miền Trung và Tây Nguyên là 6.000 ha. Phần lớn hồ tiêu thường gặp 6 loại bệnh: bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, tuyến trùng rễ, bệnh than thư, bệnh đốm lá đen, rệp sáp. Thông thường khi cây trồng bị nhiễm bệnh, người trồng tiêu thường tự ý dùng thuốc với mong muốn cứu lại được những vườn tiêu bị dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc phòng ngừa dịch bệnh trên hồ tiêu không có hiệu quả, tốn kém kinh tế và gây ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2014, theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT Chư Prông (Gia Lai) đã có 80 ha hồ tiêu của huyện này bị chết mà theo nhận định là do nấm thủy sinh. Tại Đắc Lắc, số liệu từ Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết đến nay toàn tỉnh có hơn 550 ha tiêu bị chết, hơn 1.000ha bị nhiễm bệnh rãi rác ở mức 5-7 % nằm ở các huyện Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ.

Ở Đắc Nông, nhiều gia đình trồng tiêu phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi tiêu chết hàng loạt, xã Quảng Tân (Tuy Đức) có hơn 240ha hồ tiêu, nhưng đến nay đã mất 35ha do sâu bệnh, nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu thì địa phương này có nguy cơ “trắng” cây hồ tiêu trên địa bàn. Thời điểm này đang là mùa khô ở Tây Nguyên nên nắng nóng và khô hạn đang là mối đe dọa trực tiếp đến hồ tiêu, nhiều diện tích cây hồ tiêu có dấu hiệu héo úa, vàng lá trên địa bàn Đắc Lắc, khiến nông dân không khỏi lo lắng.

Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay xuất hiện nạn “tiêu tặc”, khiến người trồng tiêu bàng hoàng vì chỉ sau một đêm họ đã mất tất cả cơ ngơi. Sau hai lần chặt phá vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu (1968, trú thôn Nam Định, xã Đắc Gằn, H. Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) kẻ gian quay lại lần thứ ba và chặt phá 87 gốc tiêu đang độ thu hoạch. Trước đó vào khoảng tháng 12 – 2014, kẻ gian đã lẻn vào vườn ông Hữu và chặt phá tổng cộng 430 trụ tiêu, gây thiệt hại về kinh tế hết sức nặng nề.

Được xác định là cây trồng có giá trị cao về kinh tế trên dải đất Tây Nguyên, hồ tiêu đang mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người nhưng cũng lắm điều lo lắng. Để hồ tiêu phát huy hết tiềm năng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý phù hợp, chống nạn lũng đoạn thị trường, tăng cường khuyến nông, triệt trừ “tiêu tặc”...

Tứ Đức