Báo Công An Đà Nẵng

Nguồn cung hàng hóa luôn đảm bảo

Thứ sáu, 23/07/2021 15:28

Nhiều xe tải xếp hàng chờ vào nhập hàng cho Siêu thị Big C Đà Nẵng vào sáng 22-7.

Từ 12 giờ ngày 22-7, TP Đà Nẵng tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Khi biết được thông tin trên, nhiều người dân đổ xô đến các siêu thị, chợ, đại lý, cửa hàng tạp hóa để mua sắm hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Tuy có đông người dân đến mua sắm hơn so với ngày thường nhưng thị trường vẫn bình ổn, giá cả ổn định, tuyệt nhiên không có tình trạng khan hiếm hàng hóa cũng như chưa phát hiện trường hợp nào tăng giá bán cao lên bất thường để thu lợi bất chính.

Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, cho biết: Trên cơ sở dự báo dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài, đồng thời có kinh nghiệm cung ứng hàng hóa từ các đợt dịch trước nên Siêu thị Coopmart Đà Nẵng luôn chủ động kế hoạch nhập hàng liên tục, dồi dào để dự trữ, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không đứt gãy. Do vậy, dù mấy ngày vừa qua, lượng người đến siêu thị mua sắm tăng hơn nhiều so với thời điểm bình thường nhưng Coopmart Đà Nẵng vẫn đảm bảo hàng hóa luôn đầy trên kệ, quầy, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày để phục vụ khách hàng. "Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương TP Đà Nẵng tại Công văn số 1671/TB-SCT ngày 21-7 về việc chuẩn bị hàng hóa của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn TP, hiện chúng tôi đã đề nghị công ty mẹ là Saigon Coop và các nhà cung ứng tăng nguồn hàng cung cấp lên gấp 3 - 5 lần cho chúng tôi, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả… nhằm cung ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng với giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường TP ngay cả khi nhu cầu mua sắm tăng đột biến", ông Phan Thống chia sẻ thêm.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Coopmart Đà Nẵng vào sáng 22-7.

Ở các chợ lớn như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường…, lượng hàng của tiểu thương kinh doanh hàng ngày cũng khá dồi dào, nhất là các mặt hàng thực phẩm, trái cây, lagim, gia vị… Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng thông tin thêm: Chỉ tính riêng Chợ đầu mối Hòa Cường, hiện nay mỗi ngày có đến hơn 300 tấn hàng gồm trái cây, rau hành, lagim… nhập về chợ, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn TP đối với mặt hàng này. Ghi nhận của chúng tôi tại các đại lý bán gạo lớn nằm trên đường Ông Ích Khiêm trong những ngày vừa qua cho thấy hoạt động mua bán gạo nơi đây vẫn bình thường, giá cả được niêm yết công khai, bình ổn như những ngày bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, khẳng định: Hiện tại, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, đại lý, cửa hàng tạp hóa… trên địa bàn TP đều cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hệ thống các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị… đã cam kết dự trữ và sẵn sàng tăng nguồn cung hàng hóa lên gấp 3 - 5 lần so với ngày thường, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn TP trong vòng 2 - 3 tháng.

Người dân mua sắm tại chợ Cồn vào sáng 22-7.

Trên cơ sở đó, vị tư lệnh ngành Công Thương TP đề nghị người dân bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm không đáng có. Ngoài ra, vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh nên việc tập trung đông người mua sắm tại một thời điểm sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống đại dịch của toàn TP. Sáng 22-7, khi tác nghiệp tại Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, chúng tôi có gặp gỡ, trao đổi với một số khách hàng. Chị Phạm Thị Xuân Hương, trú P. Xuân Hà (Q.Thanh Khê), bộc bạch: "Tôi đến siêu thị này mua sắm đúng lúc nhà tôi hết thực phẩm thiết yếu chứ không phải đi mua vì tâm lý lo ngại khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng… Như các đợt mua sắm trước, tôi cũng chỉ mua đủ dùng từ 1 - 2 ngày chứ không mua nhiều để dự trữ làm gì, khi nào hết lại đi mua tiếp. Kinh tế đất nước mình giờ phát triển rồi, hàng hóa lúc nào cũng dồi dào, không thiếu đâu, việc gì phải mua dự trữ !". 

PHÚ NAM