Báo Công An Đà Nẵng

Nguy cơ bồi lấp luồng lạch Cửa Đại mùa mưa bão

Thứ năm, 10/10/2019 17:30

Mới đây, Tổng Cục Phòng chống thiên tai thực hiện việc đo vẽ bình đồ tổng thể khu vực Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) trên diện tích 600ha, để ghi nhận hiện trạng trước thời kỳ gió mùa Đông Bắc. Qua khảo sát, cồn cát nổi xuất hiện ở cửa sông Thu Bồn từ đầu năm 2017, với chiều dài chừng 100m, đến đầu năm 2019, cồn cát kéo dài tới cả cây số với bề rộng khoảng 200m. Từ giữa năm 2019, ngoài cồn cát trên, khu vực trong bờ tiếp tục bồi và nổi lên cồn cát nhỏ, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đi lại khi ra vào Cửa Đại của các loại phương tiện tàu thuyền...

Các phương tiện chở khách du lịch ra vào Cửa Đại  rất khó khăn do luồng lạch thay đổi, dễ xảy ra tình trạng mắc cạn, tai nạn giao thông...

Theo số liệu thống kê từ Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa Đại, vào mùa mưa bão năm 2017, luồng ra vào cửa sông Thu Bồn tại Cửa Đại bị bồi lấp, đã có gần 1.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân không thể ra khơi đánh bắt hải sản, hàng nghìn ngư dân rơi vào cảnh thất nghiệp... Trước tình hình đó, UBND TP Hội An, ĐBP Cửa Đại đã phối hợp với Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) kiểm tra, khảo sát tình trạng bồi lấp Cửa Đại. Cục Đường thủy nội địa  đã  nạo vét Cửa Đại, tạo luồng lạch để giải cứu cho các tàu thuyền của ngư dân. Song đến mùa mưa bão năm 2019 này, tình hình luồng lạch Cửa Đại lại có nguy cơ bị bồi lấp đáng báo động.

Thiếu tá Đỗ Quang Vinh- Phó đồn trưởng ĐBP Cửa Đại cho biết, cùng với việc bồi lấp tạo thành cồn cát ngoài biển Cửa Đại, luồng lạch các phương tiện giao thông đường thủy ra vào cửa sông cũng thay đổi khó lường theo từng ngày. Hiện đang có đoàn khảo sát liên ngành của các ngành chức năng đang tiếp tục khảo sát nhưng chưa có kết quả. Nhưng có thể đánh giá khách quan sơ bộ, luồng lạch ra vào Cửa Đại đã thay đổi không còn theo hệ thống phao luồng của ngành hàng hải đã định vị từ lâu nay. Tại khu vực cửa biển, khi thủy triều lên, tàu thuyền có thể ra, vào một cách thận trọng, khó khăn, nhưng phải là những tàu thuyền của những ngư dân địa phương thông thuộc địa hình. Còn khi thủy triều rút, hầu hết các phương tiện tàu thuyền không thể ra vào. Những ngày gần đây, mặc dù lượng nước sông lớn, nhưng tàu thuyền ra vào vẫn khó khăn, nếu nước sông rút, tàu thuyền không thể ra vào được. Tình trạng trên ảnh hưởng lớn đến sự đi lại của các phương tiện tàu thuyền, tuy chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, nhưng đã có nhiều trường hợp phương tiện đánh bắt thủy hải sản của ngư dân, kể cả tàu, ca nô chở khách du lịch bị mắc cạn, phải cứu hộ...

Khu vực Cửa Đại đến mùa mưa bão, thường xuyên có từ 1.000 đến hơn 1.500 tàu thuyền các loại của ngư dân vào trú bão, hàng ngày các loại tàu thuyền cũng ra vào liên tục, trong đó có các phương tiện chở khách du lịch. Vào ngày cao điểm như thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ có tới 3.000 đến 4.000 lượt khách du lịch đi lại trên các phương tiện tàu, đò, ca nô ra vào Cửa Đại. Nếu luồng lạch Cửa Đại bị bồi lấp như năm 2017, tình hình sẽ rất  phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn. 

Trước tình trạng sạt lở bờ biển Hội An diễn ra khốc liệt, phức tạp vào mùa mưa lũ, cùng tình trạng bồi lấp Cửa Đại... nhiều cuộc hội nghị, hội thảo với các chuyên gia đầu ngành tham gia đã được tổ chức  nghiên cứu về vấn đề này, nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân và biện pháp xử lý xác đáng. Theo các nhà khoa học đánh giá, từ nhiều năm nay, trên hệ thống sông Thu Bồn, Vu Gia ở Quảng Nam, nhiều công trình, nhà máy thủy điện được xây dựng, nguy hiểm nhất là tình trạng cấp phép khai thác cát, khai thác cát trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan trên hạ lưu các con sông. Cùng với những biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, đây là một trong những tác nhân làm biến đổi dòng chảy các dòng sông, làm thay đổi lưu lượng nước trên các dòng sông. Các nhà khoa học đã cảnh báo, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần phải  kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép, tình trạng khai thác cát lậu đang diễn ra lâu nay. Nếu không kiểm soát được những tác nhân đã gây ra hiện tượng làm biến đổi dòng chảy, thì tình trạng Cửa Đại bị bồi lấp sẽ diễn ra triền miên...

HỒNG THANH

Đảo cát trên biển trở thành bãi chắn sóng tự nhiên cho bờ biển Hội An

Đảo cát xuất hiện cách bờ biển thành phố Hội An hơn 2 km tiếp tục mở rộng.

Ngày 9-10, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) cho biết: Sau hơn 5 tháng theo dõi biến động, các cơ quan chức năng xác định, đảo cát xuất hiện cách bờ biển thành phố Hội An hơn 2 km tiếp tục mở rộng dần về phía Bắc khoảng hơn 50 mét và chiều cao của đảo cát trên mặt nước biển hơn 1 mét.

Sự xuất hiện của đảo cát trên biển đã trở thành bãi chắn sóng tự nhiên cho bờ biển Hội An trước tình trạng sạt lở do sóng biển và triều cường gây ra. Theo đó, khu vực bờ biển phía Bắc thuộc P. Cửa Đại và P. Cẩm An đã giảm thiểu đáng kể tình trạng sạt lở hàng năm như trước đây. Tại khu vực các tuyến kè cứng bảo vệ bờ biển Cửa Đại trước đây bị sạt lở nặng ở phần chân kè, nay khu vực phía ngoài chân kè đã trở thành bãi cát. Nhờ vậy các tuyến kè cứng được bảo vệ tốt hơn trước sự tác động thường xuyên của sóng biển, nhất là trong mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết thêm.

Khu vực đảo cát xuất hiện trên biển Hội An nằm trên tuyến đường thủy nội địa và tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương. Xuất hiện vào đầu năm nay, đảo cát trên biển Hội An dài khoảng hơn 2 km, rộng hơn 200 mét và đang tiếp tục tăng dần cả chiều dài lẫn chiều rộng.

Theo các chuyên gia, có khả năng lượng đất, cát bị sạt lở ở phía bờ bắc biển Cửa Đại, lượng đất cát từ phía hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn bị sạt lở cuốn trôi ra biển, sau đó bị sóng biển đánh dạt trở lại và hình thành nên đảo cát này. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ bền vững môi trường biển và bờ biển Hội An.

P.V