Báo Công An Đà Nẵng

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện Azerbaijan-Armenia

Thứ hai, 04/04/2016 07:00

(Cadn.com.vn) - Giao tranh khốc liệt nổ ra từ hôm 2-4 ở Nagorny-Karabakh, một vùng đất ly khai ở Azerbaijan do Armenia kiểm soát. Tình hình này khiến thế giới lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan, động thái có thể sẽ kéo theo cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc.

Azerbaijan ngày 3-4 bất ngờ quyết định đơn phương chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại khu vực Nagorny-Karabakh sau khi bùng nổ xung đột dữ dội với phía Armenia.

New York Times dẫn nguồn tin Bộ quốc phòng ở Baku cho biết, “Azerbaijan, thể hiện thiện chí, quyết định đơn phương chấm dứt chiến sự”, nhưng đe dọa sẽ tấn công trở lại nếu lực lượng của mình bị tấn công. Baku cũng cam kết sẽ “củng cố” một số vị trí chiến lược mà họ tuyên bố đã “được giải phóng” bên trong các khu vực do Armenia kiểm soát, được quốc tế công nhận như là một phần của Azerbaijan.

Tuy nhiên, phía Armenia nhấn mạnh, đây chỉ là tuyên bố giả tạo và là cái bẫy của Azerbaijan đồng thời khẳng định các cuộc đụng độ vẫn đang diễn ra. “Tuyên bố của Azerbaijan chỉ là cái bẫy...” - phát ngôn viên bộ Quốc phòng Armenia Senor Hasratyan nhấn mạnh. Yerevan còn cho biết, lực lượng Azerbaijan thậm chí sử dụng tên lửa Grad và pháo binh hạng nặng để tấn công các khu vực phía bắc của Karabakh ở Martakert, khiến 2 binh sĩ bị thương.

Quân đội ở Nagorny-Karabakh đăng hình ảnh cho thấy, một máy bay trực thăng của Azerbaijan
bị bắn rơi. Ảnh: EPA

Chiêu bài “đổ lỗi cho nhau”

Năm 1988, khi Liên Xô tan rã, quân đội Azerbaijan và Armenia bùng nổ chiến tranh đẫm máu cho đến năm 1994, giết chết gần 30.000 người.

Một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian giúp hai bên chấm dứt giao tranh từ năm 1994. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn vẫn rất mong manh. Vì vậy, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) thiết lập “Nhóm Minsk” - do Pháp, Nga, Mỹ dẫn đầu - tìm kiếm giải pháp lâu dài cho Azerbaijan-Armenia. Bất chấp áp lực quốc tế, khu vực này vẫn luôn nằm trong danh sách gọi là “các vùng xung đột đông lạnh” trong khu vực rộng lớn của Liên Xô cũ, với những cuộc giao tranh lẻ tẻ kể từ năm 1994.

Đụng độ trên diện rộng giữa hai bên nổ ra ở khu vực Nagorny-Karabakh vào rạng sáng 2-4. Trong biễn biến thù địch mới nhất này, rất khó để biết những gì thực sự đã xảy ra khi cả Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Trong tuyên bố đầu tiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết đã phản công để đáp trả khi bị tấn công bởi “pháo lửa mạnh mẽ” của Armenia. Từ đó, quân đội Azerbaijan chiếm một số điểm cao và điểm dân cư chiến lược, giết và làm bị thương 100 tay súng đối phương, dù phía Baku cũng mất 12 binh sĩ, 1 trực thăng Mi-24. Tuy nhiên, Yerevan bác bỏ những tuyên bố này và khẳng định, chính Baku đã gây chiến trước.

Trước tình hình này, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cả hai bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu điện đàm với những người đồng cấp ở Armenia và Azerbaijan, thúc giục giảm căng thẳng. Tại Mỹ, Phó Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp riêng với Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan và lãnh đạo Armenia, Serzh Sarkisian, ở thủ đô Washington, trong đó kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Cuộc đối đầu Nga-Thổ?

Azerbaijan giàu năng lượng - từng có mức chi tiêu quốc phòng vượt toàn bộ ngân sách nhà nước của Armenia - nhiều lần đe dọa lấy lại vùng ly khai Nagorny-Karabakh bằng vũ lực nếu đàm phán thất bại. (Azerbaijan yêu cầu quân đội Armenia rời khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp, sau đó lãnh đạo 2 nước sẽ đàm phán thảo luận việc cùng chung sống tại khu vực này).

Trước động thái này của Azerbaijan, Nga - vốn hậu thuẫn Armenia - tuyên bố có thể đè bẹp bất kỳ cuộc tấn công nào – ám chỉ khả năng sẽ tham chiến ủng hộ Yerevan. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - được cho là muốn lấy lòng Baku để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực - cũng ám chỉ khả năng “ủng hộ Azerbaijan đến cùng”. Vì vậy, câu hỏi lần này khiến người ta đặt ra là nếu chiến tranh Azerbaijan – Armenia nổ ra, Nga – Thổ có tham chiến hay không?

Hiện nay, trong khi Moscow bóng gió ám chỉ “có thế lực thứ ba” đứng đằng sau giật dây cho cuộc chiến tranh Azerbaijan-Armenia, Ankara không ngần ngại khẳng định ủng hộ Baku trong cuộc xung đột này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 2-4 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ilham Aliyev để chia sẻ mất mát và bày tỏ sự ủng hộ đối với Azerbaijan. Ankara cũng lên án Yerevan về các vụ tấn công tại khu vực Nagorny-Karabakh và hối thúc Yerevan thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn.

Giới phân tích cho rằng, nếu xảy ra chiến tranh toàn diện, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ can thiệp trực tiếp vì muốn tận dụng cơ hội này để kéo Baku vào trong tầm ảnh hưởng. Trong khi đó, Nga – dù đang bận rộn với vấn đề Syria  - cũng khó có thể ngồi yên khi một thỏa thuận ngừng bắn tâm huyết của họ bị phá vỡ hoàn toàn.

Khả Anh