Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ thuốc diệt cỏ
(Cadn.com.vn) - 3 năm trở lại đây, hầu hết bà con nông dân ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) thường sử dụng thuốc diệt cỏ để phát quang nương rẫy trước khi trồng sắn. Với gần 10.000 ha đất trồng sắn tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, chủ yếu canh tác trên các sườn đồi và trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Trị sử dụng từ 80-100 tấn thuốc diệt cỏ, dư lượng hóa chất độc hại chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Hiện nay ở địa bàn miền núi Hướng Hóa và Đakrông nhiều người dùng thuốc diệt cỏ, phát quang để làm sạch rẫy. Điều đáng lo ngại là phần lớn người dân đang dùng loại thuốc Paraquat. Đây là loại thuốc đặc biệt nguy hiểm nên năm 2016, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đưa thuốc này vào danh mục thuốc cấm sử dụng ở Việt Nam”.
Ông Hồ A Nong ở xã A Túc (H. Hướng Hóa) cho biết: “Trước đây, để làm sạch 1 ha rẫy theo phương pháp truyền thống (phát dọn, đốt) phải mất khoảng 15 công lao động. Nay sử dụng một gói thuốc diệt cỏ có giá từ 60-80 ngàn đồng, một người bơm phun trong 1 giờ sẽ làm sạch các loại cỏ cây trên diện tích tương tự”. Nhanh và lợi công, đó là lợi ích trước mắt mà ai cũng thấy nhưng ít người biết rằng việc dùng thuốc diệt cỏ để canh tác một cách tràn lan sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Bởi, thuốc diệt cỏ một phần thẩm thấu qua đất, còn phần lớn theo cơn mưa trôi xuống các con sông, suối và ao hồ. Đặc biệt, trong quá trình phun thuốc diệt cỏ, phát quang, thay vì tập kết để xử lý, bà con lại vứt bừa bãi, thậm chí súc rửa các lọ thuốc ngay đầu nguồn nước. Vì vậy, cứ đến mùa vụ trồng sắn, các con suối trên địa bàn trở thành một nỗi ám ảnh của người dân và chẳng ai dám dùng nước lấy từ con suối để sinh hoạt, đặc biệt là dùng trong ăn uống.
Trước khi trồng sắn, người dân bơm thuốc phát quang để làm sạch rẫy. |
Bài toán về ô nhiễm nguồn nước ở hai huyện miền núi của Quảng Trị vô cùng nan giải nhưng vẫn chưa có lời giải. Trước thực trạng trên, lực lượng BĐBP đứng chân trên địa bàn đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế dùng thuốc diệt cỏ, thuốc phát quang, tập huấn các phương pháp sử dụng nhằm giảm thiểu nguy hại, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc diệt cỏ, thuốc phát quang, nên chăng bên cạnh việc tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ tác hại của các loại thuốc, cần xử lý nghiêm những người buôn bán các loại thuốc cực độc như Paraquat.
P.P.Trung