Nguy cơ rò rỉ chất độc hóa học do không kích tại Syria
Hôm 11-12, Israel cho biết nước này đã không kích "các kho vũ khí hóa học còn lại hoặc tên lửa và rocket tầm xa" tại Syria để đảm bảo an toàn. Trong phát biểu ngày 12-12, Tổng giám đốc OPCW Arias nêu rõ tổ chức của ông đang theo dõi sát các báo cáo về các cuộc không kích vào các cơ sở quân sự. Hiện chưa rõ liệu các cuộc không kích này có ảnh hưởng đến các cơ sở chứa vũ khí hóa học hay không, song không loại trừ khả năng chúng có thể gây nguy cơ nhiễm độc. Ông Arias cũng khuyến cáo phải xem xét nguy cơ mất kiểm soát bất kỳ hóa chất hoặc thiết bị nguy hiểm nào tại Syria.
Cũng trong ngày 12-12, Đại sứ Mỹ tại OPCW Nicole Shampaine cho biết Washington coi tình hình hiện nay tại Syria là cơ hội đặc biệt để vĩnh viễn giải trừ vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này. Trả lời phỏng vấn báo giới trước phiên họp kín về Syria tại La Haye (Hà Lan), bà Shampaine cho biết Washington sẽ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của OPCW nhằm loại bỏ kho vũ khí hóa học ở Syria.
Phá hủy lượng vũ khí khổng lồ của Syria
Trong khi đó, ngày 12-12, lực lượng không quân Israel cho biết đã tiến hành hơn 500 cuộc tấn công vào các khu vực cất giữ vũ khí quân sự của Syria kể từ khi Chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ, làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn mối đe dọa mà Syria có thể gây ra cho Israel trong tương lai. Phía Israel nhận định trong trường hợp xấu nhất, lực lượng tiếp quản chính quyền tại Syria là Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) muốn gây chiến, thì cũng sẽ không thể ngay lập tức đe dọa nhà nước Do Thái bằng bất kỳ loại vũ khí tiên tiến và tầm xa nào mà chế độ Assad đã sử dụng.
Theo các số liệu ước tính gần nhất, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã phá hủy hơn 90% tên lửa phòng không hiện đại của Syria. Đặc biệt trong số đó có hệ thống tên lửa SA22 và SA17 - loại đã nhiều lần được sử dụng để bắn hạ vũ khí tấn công của Israel trong các đợt giao tranh trước đây. Bên cạnh đó, khoảng 85% hệ thống phòng không của Syria đã bị phá hủy, bao gồm cả những hệ thống ít tối tân hơn.
IDF cho biết toàn bộ máy bay SU-22 và SU-24 của Syria đã bị phá hủy hoàn toàn - tương đương với khoảng 40% máy bay của lực lượng không quân Syria. Ngoài ra, 100% thiết bị bay không người lái (UAV) loại gây nổ của Syria cũng đã bị phá hủy và 390 mục tiêu hỏa lực quan trọng của Syria cũng bị không quân Israel xóa sổ. Ngoài ra, IDF công bố đã phá hủy về cơ bản toàn bộ hệ thống radar của Syria. Theo IDF, nếu tính trung bình thì lực lượng này đã phá hủy khoảng 80% hỏa lực quy mô lớn của Syria. Tuy nhiên, một số nguồn tin của IDF cũng thừa nhận những nhận định trên có lẽ chưa chính xác do vẫn có thể còn những vũ khí được Syria giấu dưới lòng đất khiến IDF không tìm thấy hoặc không tấn công được.
Chuẩn bị tấn công cơ sở hạt nhân của Iran
Ngày 12-12, Theo các nguồn tin từ tờ Times of Israel, lực lượng phòng vệ Israel đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Israel tin rằng việc lực lượng đối lập Syria nhanh chóng lật đổ chính quyền Assad đã làm suy yếu vị thế của Iran, đồng minh thân cận nhất của Syria trong khu vực. Các quan chức Israel tin rằng biến động tại Syria đã cô lập Iran và đồng minh chính của nước này trong khu vực, lực lượng Hezbollah tại Lebanon, vốn đã suy yếu sau các cuộc tấn công gần đây của Israel. Điều này, theo đánh giá của Israel, có thể thúc đẩy Tehran tăng tốc chương trình hạt nhân để gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh bất lợi.
Tehran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của họ mang tính chất hòa bình và dân sự, trái ngược với cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Iran đang tìm cách chế tạo bom nguyên tử. Trong quá khứ, Israel đã nhiều lần cân nhắc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, đặc biệt sau vụ phóng tên lửa của Tehran ngày 1-10 vừa qua. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện do các điều kiện khu vực chưa thuận lợi. Lần này, sự kiện tại Syria được cho là cơ hội hiếm có để triển khai một cuộc tấn công phủ đầu.
Bối cảnh hiện tại càng trở nên căng thẳng khi các thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran không còn được duy trì. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2015 vào năm 2018, các nỗ lực giám sát chương trình hạt nhân của Iran gần như bị đình trệ. Mới đây, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cảnh báo rằng các cơ sở hạt nhân của Iran "không nên bị tấn công". Tuy nhiên, Israel dường như đang cân nhắc hành động bất chấp lời kêu gọi từ IAEA, với lập luận rằng sự đe dọa từ Iran là quá lớn để có thể chờ đợi các biện pháp ngoại giao.
Những diễn biến mới đây cho thấy nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông ngày càng hiện hữu. Nếu Israel thực sự thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, khu vực này có thể đối mặt với một cuộc chiến quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Tình hình hiện nay đang đặt ra bài toán khó khăn cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi sự can thiệp và các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột.
AN BÌNH