Nguy cơ sạt lở đất tại khu vực miền núi Quảng Nam tăng cao
Thời gian qua, do tình trạng rừng đầu nguồn bị phá hoại, khai thác khoáng sản ồ ạt càng khiến nguy cơ sạt lở tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam tăng cao. Bước vào mùa mưa bão 2017, nỗi lo sạt lở đất đang trở lại với đồng bào vùng cao Quảng Nam, bởi do địa hình phức tạp, trong năm thường xuyên có các đợt mưa lớn khiến nhiều vùng đất bị xói mòn, gây sạt lở nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến nỗi lo về các trận lũ quét kèm sạt lở đất đá gây ẩn họa khôn lường.
Tuyến giao thông Đà Nẵng-Đông Giang từng bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông trì trệ hàng tuần. |
Như ở H. Tây Giang, nhiều tuyến giao thông huyết mạch của huyện luôn nằm trong diện “báo động đỏ” khi mỗi mùa mưa bão đến gần như: tuyến Azứt - trung tâm huyện (tuyến ĐT 606), Atép I - Anông, trung tâm huyện - xã Lăng (tuyến DH1.TG), Achiing - Anông, Axan - Gari, cầu A Vương - A pát- R’bhướp, A Vương - Aréc, Tr’hy - Axan... Dọc tuyến đường Trường Sơn qua địa phận H. Tây Giang, dễ nhận thấy nguy cơ sạt lở có thể ập tới bất cứ lúc nào nếu địa phương và ngành chức năng không sớm triển khai giải pháp khắc phục. Đơn cử như tại đoạn đường Trường Sơn đi qua địa phận 3 thôn, xã A Vương hiện có ít nhất 5 điểm nguy cơ sạt lở đường giao thông, chưa kể, nguy cơ lở núi, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến tính mạng người dân có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Tương tự, tại H. Đông Giang luôn nằm trong nỗi lo nguy cơ sạt lở cao nên từ đầu năm 2017, H. Đông Giang đã thực hiện chủ trương di dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Những năm gần đây, trước hiểm họa sạt lở đất, chính quyền các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xấu có thể xảy ra đồng thời xây dựng các phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Trước mùa mưa lũ năm nay, Quảng Nam đã cảnh báo sớm để các địa phương, đặc biệt là Tây Giang, chủ động triển khai biện pháp phòng chống. Còn tại huyện Nam Trà My, hiện chính quyền địa phương cũng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng... tại điểm bố trí dân cư mới của thôn 5 (xã Trà Cang) và vận động di dời 30 hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất tại 2 nóc Tắk Giang và Tắk Chai (thôn 6, xã Trà Cang) đến nơi ở mới an toàn.
Là giáo viên dạy miền núi đã hơn 5 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thúy (Trường tiểu học Trà Vinh, H. Nam Trà My) cũng đã nhiều lần đối diện với sạt lở. Theo lời cô Thúy những điểm trường thôn ở Nam Trà My thường rất sơ sài lại nằm trên triền núi cheo leo nên vô cùng nguy hiểm trong mùa mưa bão. “Từ điểm trường xã đi bộ 4 tiếng đồng hồ mới vào đến điểm trường thôn vì vậy khi có gì cần hỗ trợ rất khó khăn, mùa mưa đường đi lại vô cùng hiểm trở. Điểm trường thôn thường chỉ có 2 giáo viên tự xoay xở với nhau. Có khi đêm hôm mà mưa rừng xuống xối xả vô cùng nguy hiểm chúng tôi phải mượn đồng bào đưa xuống núi đến chỗ an toàn”, cô Thúy nói.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam Lê Văn Sinh cho biết hiện ngành đang gia cố lại các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao, các đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì công trình đường. Theo đó, các tuyến quốc lộ huyết mạch tại khu vực miền núi như 40B, 14B, 14D, 14E, 14G, 24C, Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn được dự báo sẽ gặp sự cố sạt lở nếu mưa to kéo dài, các ngầm tràn trên tuyến QL40B, QL14G cũng sẽ bị ngập do mưa lũ. Những tuyến tỉnh lộ thuộc diện cần lưu tâm, đặc biệt tại vị trí vắt ngang đồi núi gây nguy hiểm cho người đi đường. Hai tuyến đường đi về trung tâm các xã Chơ Chun (Nam Giang) và Ga Ry (Tây Giang) hiện nay chưa hoàn thành kiên cố hóa chắc chắn nên đã thông báo các địa phương cần lưu ý những trường hợp này.
ĐỒNG DAO