Báo Công An Đà Nẵng

Nguy cơ từ “vùng cấm bay” của Trung Quốc

Thứ ba, 26/11/2013 14:29

(Cadn.com.vn) - Những tranh cãi quanh quyết định lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc đang dần đẩy cuộc xung đột trên biển Hoa Đông đến bờ vực chiến tranh.

Căng thẳng Trung-Nhật quanh vụ ADIZ đang lên cao độ, đến nỗi Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo kêu gọi các công dân đang sinh sống tại xứ sở Hoa anh đào tự nguyện đi đăng ký để được hỗ trợ cần thiết trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp.

Trong tuyên bố đầu tiên phản ứng về động thái “gây chiến” của Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25-11 gọi hành động này là “vô cùng nguy hiểm” khi ADIZ mới chồng lấn với vùng ADIZ tương tự của Tokyo.

“Tôi vô cùng quan ngại động thái này của Trung Quốc có thể làm thay đổi và mất cân bằng hiện trạng trên biển Hoa Đông, khiến tình hình leo thang và gây ra sự cố bất ngờ tại vùng biển này”, Reuters dẫn lời vị chính trị gia cứng rắn này tuyên bố. Ông Abe cũng kêu gọi “Trung Quốc kiềm chế trong khi chúng tôi tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế”.  Trong ngày 25-11, Nhật triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để phản đối “hành động đơn phương” của Bắc Kinh.

Sơ đồ đường kẻ đen là vùng “phòng không mới” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: AFP

“HÀNH ĐỘNG GÂY CHIẾN”

Việc Trung Quốc tuyên bố về “vùng cấm bay” đang làm dậy biển Hoa Đông. Nhật-Mỹ và các phương tiện truyền thông xem việc lập ADIZ mới này là “hành động gây chiến”.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tự bào chữa cho mình và bác tất cả các lời chỉ trích. Bắc Kinh thậm chí cho biết đã gửi kháng nghị chính thức đến Đại sứ quán Mỹ và Nhật ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25-11 thậm chí cho biết đã triệu Đại sứ Nhật Bản tới để phản đối.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 25-11 nói rằng, “Kháng nghị của Nhật không có cơ sở và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Theo ông này, Tokyo “không có quyền bình luận về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ” vì Nhật Bản cũng thiết lập ADIZ vào cuối những năm 1960.

Bắc Kinh cũng chỉ trích việc máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) có thể sẽ “cản trở tự do hàng hải và gây ra sự cố” đối với “hoạt động tuần tra và huấn luyện thông thường” của Hải quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Đối với Mỹ, ông Dương nhấn mạnh rằng, Washington có phát ngôn không hợp lý về vấn đề này và hy vọng Nhà Trắng sẽ không gửi đi tín hiệu sai nhằm kích động Nhật Bản”.

CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG NÓI GÌ?

Trung Quốc sẽ xác lập ADIZ trên biển Đông?

Biển Hoa Đông được ví như “biển Đông thứ hai” vì những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở cả hai nơi. Nếu các nước chấp nhận ADIZ trên biển Hoa Đông, rõ ràng, tham vọng của Bắc Kinh sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Tham vọng này được thể hiện rõ qua tuyên bố của Thiếu tướng Yin Zhou, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban cố vấn của Hải quân Trung Quốc trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Ngày 25-11, tờ People Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc – dẫn lời vị Thiếu tướng này cho rằng, Bắc Kinh “từ nay có thể sẽ tiến tới thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) trên các vùng biển liên quan như Hoàng Hải và biển Đông”. Thậm chí, ông này còn nghêu ngao rằng, khả năng xác lập các ADIZ khác là “tất yếu”.

Trong thông báo quy định vùng “phòng không mới”, Trung Quốc tuyên bố các máy bay bay trên một phạm vi rộng lớn ở biển Hoa Đông phải tuân thủ hướng dẫn của Bắc Kinh.

Các quan chức hàng không Châu Á cũng xác nhận việc này khi cho biết, họ nhận được yêu cầu sẽ phải thông báo cho Bắc Kinh về kế hoạch bay trước khi vào không phận vùng “phòng không mới”.

Một quan chức Bộ giao thông vận tải ở Seoul cho biết, các máy bay Hàn Quốc muốn bay trong vùng “phòng không mới” sẽ phải thông báo cho cơ quan hàng không dân dụng của Trung Quốc về kế hoạch chuyến bay. Yi Shin-Juang, Phó giám đốc bộ phận dịch vụ không lưu của Cục Hàng không Đài Loan (Trung Quốc) cũng xác nhận điều tương tự nhưng nói rằng, Bắc Kinh không được yêu cầu điều chỉnh đường bay.

Một phát ngôn viên của Qantas Airways Ltd cũng cho biết, phi hành đoàn Qantas sẽ phải tuân thủ các quy định mới khi hoạt động trong vùng “phòng không mới” nhưng các tuyến đường bay sẽ không bị ảnh hưởng.

Những diễn biến này cho thấy, động thái mới nhất của Trung Quốc có thể giúp truyền bá quan điểm rằng, Nhật Bản đã mất dần kiểm soát hành chính khu vực đang tranh chấp, Hiroko Maeda, nhà nghiên cứu tại Nhật Bản ở Viện PHP cho biết. Theo ông, giờ đây, Bắc Kinh đang đẩy mạnh các nỗ lực kiểm soát tốt hơn trên bầu trời. Rõ ràng, các nhà ngoại giao Châu Á và phương Tây đã đúng khi cho rằng, ADIZ mới là vấn đề đối với Nhật, Mỹ, và các nước khác trong nỗ lực cảnh giác với bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc.

Bởi lẽ, nếu làm theo lệnh của Bắc Kinh, đó không khác gì là cách ngầm công nhận chủ quyền của họ trên khu vực đang tranh chấp.

Khả Anh