Báo Công An Đà Nẵng

Nguy hiểm tiềm ẩn tại các công trường xây dựng

Thứ hai, 12/11/2018 14:40

Cùng với sự phát triển về kinh tế, nhất là du lịch, thương mại, nhu cầu xây dựng các công trình kỹ thuật, hạ tầng và phát triển đô thị tại Đà Nẵng ngày càng gia tăng, từ nhà ở đến các công trình siêu cao tầng, từ vùng ngoại ô đến khu dân cư đông đúc... Vì vậy, việc bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng, nhất là những tòa nhà cao tầng cần phải được quan tâm hơn.

Các cẩu tháp vươn cần ra phía ngoài mặt đường Phạm Văn Đồng. 

Mất an toàn với công nhân xây dựng

Ngày 29-10, đã xảy ra vụ tai nạn tại công trình xây dựng ở khu vực ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Hành (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) làm anh Nguyễn Văn Phú (1992, trú H. Bắc Trà My, Quảng Nam) thiệt mạng. Tai nạn xảy ra lúc anh Hành cùng một số công nhân dọn dẹp sau mẻ bê-tông mới đổ. Hiện trường cho thấy, công trình cao 7 tầng này khi thi công được che chắn rất sơ sài, không có lưới bảo vệ.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có rất nhiều công trình xây dựng đang được thi công, trong đó nhiều công trình nằm sát đường giao thông với lưu lượng người và phương tiện qua lại đông đúc. Tuy nhiên, có không ít công trình không trang bị lưới chắn bảo vệ an toàn hoặc nếu có thì cũng chỉ che chắn qua loa, lấy lệ. Thông thường, khi công trình xây càng cao, ngoài giàn giáo bằng sắt thép chắc chắn thì một số nhà thầu nhỏ vẫn sử dụng gỗ tạp, tre... và lót thêm ván làm chỗ đi lại, nhất là giai đoạn tô vữa và sơn ngoài. Mặt khác, tình trạng sử dụng những chiếc máy tời có công suất nhỏ để vật liệu xây dựng... có khối lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm kilôgam lên, xuống, lơ lửng giữa không trung trong khi còn phía dưới công nhân vẫn đầu trần vô tư đi lại là khá phổ biến. Ngoài ra, khi di chuyển vật liệu lên cao, một số công nhân phải khuân vác vật liệu lên bằng cầu thang chưa được xây bậc cấp, chưa có lan can hoặc lưới che rất nguy hiểm.

   Anh Nguyễn Văn Thành, nhà ở gần một công trình đang xây dựng cho biết, ở gần công trình hằng ngày phải nghe tiếng ồn, xe chở vật liệu ra vào khu dân cư rất nguy hiểm cho trẻ con, còn thêm nỗi bất an mỗi khi đi qua vì sợ bê-tông, gạch, vữa rơi xuống. Xây dựng một công trình không dễ, song khi tháo dỡ công trình cũng không phải là chuyện đơn giản. Thực tế, phá dỡ công trình cũ là công việc đòi hỏi tính an toàn rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nếu tháo dỡ không đúng quy trình hoặc không hiểu kết cấu tòa nhà thì có thể làm ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Bản thân công nhân tháo gỡ cũng gặp nhiều nguy hiểm, rủi ro cao, đòi hỏi kiến thức và luôn luôn sử dụng các phương tiện bảo hộ. Tại Đà Nẵng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lúc phá dỡ công trình như vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trình số 42 Trần Phú (Q. Hải Châu) vào đầu năm 2017 là một ví dụ. Nguyên nhân xảy ra là do một mảng tường lớn sát vách của công trình thấm nước mưa, kết cấu gạch và vữa bị thay đổi nên khi có tác động của máy xúc, nguyên mảng tường lớn đã bất ngờ đổ sập ngoài dự tính, hai người không kịp chạy thoát thân phải nằm lại dưới đống đổ nát, hai người khác bị thương nặng.

Hiểm họa cho người khác

   Nhiều năm nay, Đà Nẵng có nhiều tòa nhà cao tầng (9 đến 40 tầng) và siêu cao tầng (trên 40 tầng) mọc lên. Các công trình này sử dụng vận thăng hoặc cẩu tháp làm phương tiện vận chuyển vật liệu. Đa số các công trình sử dụng loại cẩu tháp cần trục tải trọng 1- 6 tấn, cao 40-50m, tay cần dài 50- 60m. Mỗi công trình tùy theo quy mô, mức độ mà có thể có từ 1 đến 2 cẩu tháp, thập chí nhiều hơn. Các cẩu tháp đua nhau vươn ra ngoài đường, lơ lửng trên đầu người tham gia giao thông... khiến mỗi lần đi qua nhiều người không khỏi cảm giác rùng mình. Ghi nhận tại một công trình ở cuối đường Phạm Văn Đồng giao với Hồ Nghinh chiều 31-10, một cẩu tháp được sử dụng để nâng, cẩu vật liệu vươn cần ra gần hết một làn đường Phạm Văn Đồng. Bên hướng Hồ Nghinh, một số cẩu tháp khác không sử dụng nhưng vẫn vươn cần ra ngoài đường, dễ gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông và khách du lịch bên dưới. Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với một cẩu tháp khác tại đường Dương Đình Nghệ... Ai dám chắc rằng những cẩu tháp đó là an toàn tuyệt đối cho đến khi có tai nạn xảy ra?

Đối với các công trình xây dựng trong đô thị, để tận dụng tối đa không gian, chiều cao thiết kế công trình đôi khi tỷ lệ nghịch với diện tích đất nhỏ hẹp nên phần móng luôn được đầu tư đào sâu, làm kỹ. Các hoạt động khoan, múc đất đá, đóng cọc bê tông... khiến các công trình xung quanh có thể bị nứt, sụt lún.

Không trang bị đồ bảo hộ lao động, công nhân xây dựng vẫn "vô tư" đứng trên tầng 5 một công trình đang xây tại đường Vương Thừa Vũ.

Cần thường xuyên thanh, kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng

Theo thống kê, năm 2017, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, trong đó 928 người chết, gây thiệt hại hơn 1.545 tỷ đồng và làm mất hơn 135.900 ngày công lao động. Trong đó, đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động,  cả nước đã xảy ra 1.207 vụ tai nạn lao động làm 1.266 người bị nạn, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Đáng chú ý, chỉ có chưa đến 6% doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động xảy ra tại đơn vị mình. Việc báo cáo chưa nghiêm, chưa đầy đủ làm cho việc tổng hợp, đánh giá tình hình, cảnh báo tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền không hiệu quả. Riêng tại Đà Nẵng, trong năm 2017 đã xảy ra 79 vụ tai nạn lao động, làm chết 16 người, 14 người bị thương nặng.

   Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh từng phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018: "Việc thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động chính là góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của thành phố". Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của các bên liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì cá nhân người lao động cũng phải tự có ý thức, trang bị kỹ năng để bảo vệ chính mình.

MAI VINH