Báo Công An Đà Nẵng

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang dự “Ngày chiến thắng trở về” tại Quảng Trị: “Lòng tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào”

Thứ năm, 23/03/2023 21:39
Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vui mừng, thăm hỏi cựu tù chính trị.

Ngược dòng lịch sử, từ những thắng lợi của quân và dân ta trên mặt trận chống Mỹ cứu nước, nhất là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, buộc Mỹ phải vào ngồi hội đàm với ta tại Paris. Rồi đến cuộc tiến công chiến lược xuân-hè năm 1972 và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, đặc biệt là chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải chịu ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1-1973. Trong các điều khoản của Hiệp định Paris 1973, có nội dung hai bên tiến hành trao trả hết tù binh và tù chính trị. Thực hiện Hiệp định, việc trao trả hai bên chọn và thực hiện tại nhiều điểm, nhiều đợt, phần lớn tại Lộc Ninh và sông Thạch Hãn, bắt đầu từ tháng 2-1973. Trong những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trở về tại bến sông Thạch Hãn của những tháng năm lịch sử hào hùng đó có đồng chí Trương Tấn Sang- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi gặp mặt “Ngày chiến thắng trở về”.

Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng nhấn mạnh những năm tháng chiến đấu oanh liệt có sự đóng góp của hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào yêu nước bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc... Và cuộc gặp mặt này không chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm mà còn là một hoạt động nhằm tôn vinh những người đã xả thân vì nước và là sự động viên những tù binh, tù chính trị yêu nước tiếp tục phát huy truyền thống của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Trong không khí thiêng liêng kỷ niệm ngày trở về, các cựu tù chính trị từng bị giam cầm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Phú Quốc và những nhà tù đế quốc đã không giấu được niềm phấn khởi khi hội ngộ với đồng đội, đồng chí. Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng không giấu được sự xúc động sâu sắc ấy.

“Được các đồng chí mời dự với tư cách là một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong đoàn quân chiến thắng trở về đúng vào ngày này cách đây 50 năm, lòng tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào, nhớ lại những năm tháng không thể nào quên, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình”, nguyên Chủ tịch nước chia sẻ. “Hiệp định Paris, trong đó có Nghị định thư về trao trả tù binh chiến tranh, tù chính trị, đã báo hiệu sự hồi sinh để chúng tôi chiến thắng trở về với Đảng, với nhân dân, với quân đội, để tiếp tục chiến đấu và xây dựng đất nước ta. Và hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh trên các chiến trường, và trong các nhà tù, trại giam của địch; để tôn vinh, ôn lại khí phách kiên trung bất khuất của số đông chiến sĩ cách mạng và người yêu nước bị địch bắt tù đày, nhằm góp phần phát huy truyền thống cách mạng yêu nước của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Các cựu tù chính trị về dự Kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng trở về.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng, nữ thương binh Nguyễn Thị Vân Toàn, thương binh Lê Gia Phương (cựu tù Phú Quốc), gặp lại những đồng đội Nguyễn Đức Phẩm, Phan Văn Mai, Nguyễn Thị Bé, Lê Thị Hoa… rưng rưng nắm chặt tay nhau, ôn lại những năm tháng gian lao mà sáng ngời khí tiết trong tù ngục của địch. Họ cũng đại diện cho 1.400 hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày Quảng Trị nói riêng, hàng vạn cựu tù chính trị nói chung trong cả nước luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn và giáo dục con cháu phát huy truyền thống cha anh.

BẢO HÀ