Nguyễn Hữu Thái và "Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975"
(Cadn.com.vn) - Hẳn nhiều người đã biết ông Nguyễn Hữu Thái (nguyên là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964) hoạt động trong phong trào nội thành Sài Gòn) người có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975, tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn. 38 năm trôi qua, bây giờ ông Thái mới kể lại những chuyện chưa ai biết trong ngày giải phóng qua cuốn sách "Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975".
“Thú thật bản thân tôi không mong muốn và cũng không thể viết nổi một cuốn sách sử hoặc làm một bảng tổng kết về chiến tranh, mà đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30-4-1975 như một người trong cuộc"-ông Nguyễn Hữu Thái tâm sự. Quả thật, những gì ông kể lại trong cuốn sách không dừng lại ở việc viết lại diễn tiến các sự kiện bản thân mình đã tham gia và chứng kiến mà còn ghi lại lời kể của những nhân chứng khác với nhiều góc độ khác nhau. Những câu chuyện ít người biết này được bổ sung và kiểm chứng qua một nguồn tư liệu rất đặc biệt và khá phong phú từ Hoa Kỳ khi tác giả nhận được học bổng nghiên cứu tại các đại học Mỹ cách đây mấy năm. Cuốn sách hấp dẫn người đọc bằng nhiều tư liệu phong phú, giúp ta nhìn lại toàn cảnh trận chiến cuối cùng và diễn biến các sự kiện dồn dập xảy ra trước, trong và sau ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn...
Ông Nguyễn Hữu Thái (thứ hai, từ trái sang), cùng gia đình trong lần đến Đà Nẵng.
Với nhãn quan của người trong cuộc, khi thấy "quân Giải phóng pháo kích dồn dập sân bay Tân Sơn Nhất đêm 29-4", ông nghĩ "cuộc chiến đấu cuối cùng đã bắt đầu". Lúc bấy giờ ông Thái được biết một nhóm vũ trang phản động vẫn toan tính trụ lại chống cự và phía bộ đội Giải phóng cũng quyết tâm sớm chấm dứt cuộc chiến, như vậy phải trả giá rất đắt... Lo lắng về điều đó, sáng tinh mơ ngày 30-4, ông vội vã đến chùa Ấn Quang gặp Thượng tọa Trí Quang-người rất có uy tín với Dương Văn Minh, nói: "Tình hình cấp bách quá rồi, xin thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn". Sau đó ông Thái tìm gặp anh em sinh viên trình bày "mục tiêu cấp bách hiện nay là phải tranh thủ chiếm Đài phát thanh trước một bước, nói lên tiếng nói hòa hợp, hòa giải của Cách mạng nhằm tránh cuộc đụng độ đẫm máu cuối cùng". Một số anh em có trang bị vũ khí nhẹ lên xe ca đến Đại học Nông lâm súc để chuẩn bị xâm nhập vào Đài.
Ông Thái cùng nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào dinh Độc Lập nhằm thuyết phục những người quen biết của tướng Minh bàn giao chính quyền một cách êm thấm nhất. Trong lúc nhóm ông Nguyễn Hữu Thái đang ở dinh Độc Lập thì bỗng mọi người cùng hướng về đại lộ Thống Nhất, chứng kiến cảnh tượng hùng tráng: một đoàn xe tăng quân giải phóng rầm rộ tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh, tiến thẳng đến thềm Dinh. Một anh bộ đội xe tăng (sau này ông Thái mới biết là Bùi Quang Thận) giật chiếc cần ăng ten gắn lá cờ Giải phóng chạy vội lên Dinh. Khi thấy Nguyễn Hữu Thái đang đứng trên tiền sảnh đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy đề nghị được dẫn đường thì anh Thận đồng ý đi theo lên cầu thang máy phụ. Ông Thái kể: "Tôi giúp anh Thận bẻ gập chiếc cần ăng ten mới vào lọt được bên trong chiếc thang máy loại nhỏ này. Đến nóc, chúng tôi còn phải leo thêm chiếc thang gỗ mới tới được chân cột cờ. Phải hạ lá cờ Sài Gòn xuống, cờ quá lớn lại cột dây nilon. Chúng tôi phải mất cả mấy phút mới giật nổi nó xuống và kéo lá cờ Giải phóng lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên vang trời".
Sau khi bộ đội ta tiến vào dinh Độc Lập, Nguyễn Hữu Thái nhanh chóng tháp tùng chính ủy Bùi Văn Tùng cùng nhà báo Tây Đức Borries Gallasch, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung… ra Đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng. Về thời khắc lịch sử này, ông Thái kể: Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng "hình như tướng Minh không muốn nêu chữ "tổng thống" mà dùng "đại tướng" quen thuộc hơn. Ông Tùng kiên quyết không chịu vì cho rằng, dẫu sao thì tướng Minh cũng đã làm Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự". Loay hoay đến gần 2 giờ chiều 30-4 mới phát được tiếng nói Cách mạng đầu tiên trên Đài phát thanh Sài Gòn...
Mất bao nhiêu năm kháng chiến, bao nhiêu người đã ngã xuống mới có một ngày non sông thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Như nhiều người, đến lúc đó ông Nguyễn Hữu Thái mới tin hòa bình đã đến. "Hòa bình đã đến thật rồi! Hầu hết lớp trẻ chúng tôi chưa có thể hình dung được cảm giác có một ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở về. Bắt đầu có lẽ là những ấn tượng kỳ lạ, thật khó tin: Bầu trời im ắng không một bóng máy bay, trên phố không có tiếng rú còi đoàn xe quân sự, đêm về không còn ánh sáng hỏa châu, tiếng súng vọng xa xa... Ấn tượng đêm 30-4 là như thế!"-ông Thái tâm sự.
Minh Hà