Báo Công An Đà Nẵng

Nguyễn Ngọc Hưng – tất cả các dòng sông đều chảy

Thứ ba, 27/05/2014 09:36

(Cadn.com.vn) - Những gì một người tật nguyền không làm được trong cuộc sống, Hưng dồn hết cho thơ. Để rồi Hưng thấy mình là một phần cuộc sống, mỗi ngày đợi chờ mầm thơ mới.

Nguyễn Ngọc Hưng, sinh năm 1960, hiện ở tại thị trấn Chợ Chùa, H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Gặp Hưng, tôi bỗng nhớ đến nữ họa sĩ Philadelphia (nhân vật trong tiểu thuyết "Tất cả các dòng sông đều chảy"-Nancy Canto). Thủa còn là cô bé đam mê hội họa, lần đầu cô cảm nhận được sự chảy của dòng sông Muray: "sông chảy giữa hai bàn chân cô và màu đen đó với những vì sao như viên đá quý trên bờ ngực láng mướt của phụ nữ...". Cô bé thấy "từ cội nguồn xa xôi, dòng sông chảy về biển cả xa lạ... sự tuôn chảy vô tận của nó thật hết sức kỳ diệu".  Cảm nhận được sự kỳ diệu ấy, cô bé vượt qua nỗi đau tuổi thơ, gắn kết cuộc sống bằng tình yêu với chàng Adam...

Nguyễn Ngọc Hưng (thứ 2 từ trái qua) và những người bạn thân.

Hưng kể: cha Hưng-một kép hát, đã có gia đình, từ phương xa tới vùng dâu tằm bên bờ sông Vệ lưu diễn, gặp mẹ Hưng. Sau cuộc tình chóng vánh là cảnh mẹ phải một mình sinh con rồi một mình tần tảo nuôi con. Năm 1983, Hưng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Quy Nhơn, về dạy tại một trường THPT. Buổi đầu tiên đang đứng lớp  Hưng bỗng thấy chân tay co rút, người giật từng cơn. Chữa mãi không được, mẹ túng quẫn, đưa Hưng đi khắp nơi ăn nhờ ở đậu. Rồi mẹ mất, bản thân tật nguyền, tuyệt vọng, có lần Hưng giắt dao đầu giường...

Chẳng biết cảm giác lần đầu Hưng thấy mình cần gắn bó với cuộc sống có giống  cảm giác của cô bé Philadelphia lúc "thấy" được "viên đá quý" từ sự chảy của dòng sông Muray không, khi Hưng nói: "mình nằm liệt, bạn bè vô tình thấy thơ mình viết trong một mớ giấy vụn, rồi gửi đăng báo thử, ai ngờ được đăng, mình thấy mình còn là người có ích". Giở bất kỳ trang thơ nào của Nguyễn Ngọc Hưng đều bắt gặp những hình ảnh quê hương rất đỗi thân thương: tuổi thơ tôi xanh mướt rào râm bụt/đỏ dong riềng, trắng hoa mận hoa lê... Từ con đò, dòng sông, con chim lửa... đến mẹ, bà...những hình ảnh quê hương tồn tại trong tâm thức chung của mỗi người Việt ấy được Hưng nâng tầm trở thành một nhận thức riêng biệt, xuyên suốt trong mỗi chủ đề, trong mỗi sự chiêm nghiệm.

Từng ngày, Hưng nằm trên giường bệnh, kẹp bút vào những ngón tay co quắp để làm thơ. Thơ anh là một dòng hồi tưởng bất tận về quá khứ. Chỉ một chút bâng quơ thôi cũng nhớ: hình như có chiếc lá nào hạ cánh đâu đây/mỏng như rơi từ tháng 3 năm ngoái. Đó là nỗi nhớ nhức nhối: hoa hồng ai nhận mẹ ơi/ngày yêu thương bỗng nghẹn lời yêu thương. Nhớ đến tê buốt: giọt buồn ru giọt tái tê/giọt đau giọt buốt não nề gọi nhau. Có khi đối diện với bức tường, thấy cuộc đời này là: bi kịch không tiếng khóc/hài kịch không tiếng cười, để rồi chia ly trong đời diễn ra như một hiển nhiên: đâu phải bất ngờ đột xuất/người đi như thể đã lập trình...

Thơ Hưng đầy hoài niệm, nhưng không bi lụy. Bởi, ai cũng cần điểm tựa để đi: quá khứ, và chốn để quay về: quê hương. Những hình ảnh quê hương lung linh hơn trong hoài niệm, với Hưng, đó là "miền cổ tích" luôn cần cho bất cứ tâm hồn nào: dấu yêu ơi, anh không lơ lửng nửa vời/và em cũng sống chân thành tận đáy /đành vẫn biết tất cả các dòng sông đều chảy/liệu đến muôn trùng có con sóng nào chạm cổ tích xa xăm.

 Miền cổ tích ấy là "viên đá quý" mà Hưng đón nhận từ dòng chảy cuộc sống. Cuộc sống là một dòng sông, con người dù bất hạnh mấy cũng không thể làm một du khách đứng bên bờ trông xa, mà cần hòa mình vào dòng chảy. Hơn 20 năm trên giường bệnh, Hưng cho ra đời gần chục tập thơ, giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, tạp chí Tài hoa trẻ... Hưng được tặng huy chương "Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật", giải thưởng quốc tế thơ người tàn tật... Năm 2009, Hưng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Hưng đã gắn bó trọn vẹn với cuộc sống này. Những gì một người tật nguyền không làm được trong cuộc hiện sinh, Hưng dồn hết cho thơ.

Bởi, như Nancy Canto đã viết: "tất cả sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những lòng sông miên man tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống, sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới...", Hưng nói: "cuộc sống vẫn tiếp diễn, và đâu chỉ có nỗi đau. Nỗi đau của mình dù to lớn mấy thì cũng chỉ là nỗi đau của mình, hơi đâu làm một thân phận lạc loài, bất động mà không để cho nỗi đau được hoài thai. Có nhạc sĩ bảo rằng sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa đấy".

Bây giờ Hưng đã sống vui vầy cùng gia đình một người bạn thân. Như Philadelphia: "chờ đợi đợt sóng mới, người tình xưa đó; sóng đong đưa, dâng lên và rút đi một nhịp điệu từ nghìn đời", Hưng đã thấy mình là một phần cuộc sống, mỗi ngày đợi chờ mầm thơ mới.

Mai Thành Dũng