Báo Công An Đà Nẵng

Nguyên nhân, hậu quả

Thứ năm, 10/05/2018 09:11

Các cuộc biểu tình bạo lực và gây thương vong lớn tại biên giới giữa Gaza (của Palestine) và Israel hiện đang tiếp diễn ở tuần thứ 6 và ngày càng trở nên bạo lực hơn. Những người biểu tình Palestine đã bắt đầu đốt lốp xe và dùng máy cắt dây để phá vỡ hàng rào biên giới trong khi quân đội Israel vẫn dùng súng đạn đối phó.

Đây là làn sóng biểu tình bạo lực nhất kể từ sau cuộc xung đột Israel-Gaza vào năm 2014. Theo các nguồn tin, kể từ khi các cuộc biểu tình và tuần hành nổ ra hôm 30-3, quân đội Israel bắn chết 35 người Palestine và khiến hơn 5.000 người khác bị thương, hơn 1/3 trong số đó bị bắn bằng đạn thật. Các tổ chức quốc tế chỉ trích gay gắt Israel vì sử dụng đạn thật chống lại những người biểu tình.     

Bất chấp chỉ trích, Tel Aviv nói rằng, phản ứng của họ đã được cân xứng và rằng, họ có quyền bảo vệ biên giới của mình khỏi những kẻ xâm nhập. Và cũng bất chấp hành động bạo lực từ Israel, các cuộc biểu tình bổ sung vẫn được lên kế hoạch trong những tuần sắp tới, và lãnh đạo biểu tình thề sẽ tiếp tục đến cùng. Vậy đằng sau làn sóng biểu tình chết người này là gì?

Biểu tình bùng nổ nhằm chống lại cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở Dải Gaza. Kể từ năm 2007, Gaza bị Israel và Ai Cập phong tỏa, và các điều kiện trong vùng này đã trở nên tuyệt vọng đến nỗi LHQ đã dự đoán, Gaza sẽ không có đủ điều kiện sống vào năm 2020. Thất nghiệp là hơn 40%, cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong cuộc xung đột Israel-Gaza năm 2014 vẫn chưa được xây dựng lại. Nguồn cung cấp nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn điện bị giới hạn trong vài giờ một ngày và sự chuyển động của hàng hóa và con người bị hạn chế nghiêm trọng.

Vấn đề phức tạp ở đây là sự cạnh tranh giữa hai phe phái Hamas và Fatah, đảng chính trị Palestine nắm quyền kiểm soát ở Bờ Tây. Hamas lên nắm quyền tại Gaza vào năm 2007, sau khi đẩy Fatah ra khỏi đây trong một cuộc nội chiến. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cuộc hòa giải giữa Fatah và Hamas trong nhiều năm, tất cả đều thất bại, bao gồm các cuộc hội đàm do Ai Cập trung gian vào tháng 10-2017. Chính sách Trung Đông gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump cũng đóng một “vai trò quan trọng”. Năm nay, ngày 15-5 sẽ đánh dấu việc Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem – thánh địa còn đang tranh chấp giữa Israel và Palestine.

Lo ngại đang gia tăng bởi lẽ các cuộc biểu tình bùng phát hơn nữa có thể dẫn đến bạo lực lớn hơn rất nhiều.

THANH VĂN