Nguyễn Tất Thành - hai lần ở Huế
(Cadn.com.vn) - Trong thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu Nghệ An là quê hương thứ nhất - nơi sinh ra và nuôi dưỡng Người trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, thì kinh đô Huế là quê hương thứ hai - nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ, nơi Người đã sinh sống, học tập và bước đầu tham gia các hoạt động yêu nước.
Với Huế, trong khoảng thời gian 10 năm của tuổi thanh thiếu niên (1895-1901 và 1906-1909) rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”. Thời gian Người ở Huế, chủ yếu là giai đoạn 1906-1909 là khoảng thời gian hình thành tư tưởng xuất dương cứu nước của Người.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế. Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng vợ và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung lên đường vào Huế. Đây là lần đầu tiên Người đến kinh đô Huế - trung tâm chính trị văn hóa của đất nước lúc bấy giờ. Gia đình Người đã sống trong ngôi nhà 112-Mai Thúc Loan - trước đây vốn là trại lính của Nha hộ thành triều Nguyễn bị bỏ phế sau sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885. Đầu năm 1901, sau khi mẹ mất, Người được cha đưa trở lại Nghệ An và mãi 5 năm sau mới trở lại Huế.
Tháng 5-1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần hai. Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc sau nhiều năm lần lữa việc đi làm quan, đã nhận một chức quan tại bộ Lễ. Những suy nghĩ và hành động của người cha trong thời gian ở Huế cùng không khí sôi động của Phong trào Duy Tân bấy giờ đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành về vận nước và con đường cứu nước. Sau này, khi trả lời nhà báo Mỹ Loui Steuron, Nguyễn Ái Quốc đã nhắc lại: “Nhân dân Việt
Vào Huế lần thứ 2, Nguyễn Tất Thành tiếp tục sự nghiệp học tập của mình ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế. Quốc học Huế là nơi đào tạo nhiều sinh viên ưu tú sau này trở thành những lãnh tụ nổi tiếng của Việt
Lần thứ hai vào Huế, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, đã tích lũy vốn kiến thức khá sâu rộng cũng như tận mắt chứng kiến sự đói khổ của người dân nghèo ở nhiều nơi và được tiếp xúc với những tư tưởng mới. Ở kinh đô Huế, Người càng thấm thía nỗi nhục của người dân mất nước; càng hiểu sâu sắc bản chất của nhà nước bảo hộ, từ vua đến quan, đâu còn uy thế của ngày xưa, tất cả mọi việc, từ việc triều đình đến cả sinh hoạt giải trí của nhà vua đều phải hỏi ý kiến “quý Khâm sứ đại thần Pháp”. Hơn thế nữa, ở đây Người được chứng kiến và trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh yêu nước sôi nổi ở đầu thế kỷ XX- Phong trào Duy Tân mà Huế là một trong những trung tâm của phong trào. Đồng thời, thời gian Nguyễn Tất Thành học ở Huế là những năm mà sách Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được truyền bá nhanh chóng, đặc biệt trong giới sĩ phu yêu nước. Ở Huế dấy lên phong trào đòi cải cách với nhiều hình thức, Nguyễn Tất Thành tích cực tham gia cuộc vận động này. Sau này, có lần Người kể lại, ngoài giờ học, Người cũng cầm kéo ra chợ vận động đồng bào cắt tóc, vừa giúp đồng bào cắt tóc, vừa đọc bài vè cổ động cắt tóc.
Bằng việc tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân, nhận thức của Nguyễn Tất Thành đã có những biến chuyển về chất. Người nhận rõ hơn bộ mặt thật của bọn thực dân, phong kiến; sớm thấy được sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân khi họ vùng lên; đồng thời cũng nhận thấy sự thiếu tổ chức của các cuộc đấu tranh này. Bế tắc lớn nhất của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là tìm ra con đường mới, đúng đắn; chính điều đó đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành dứt khoát rời Huế, tìm đường sang phương Tây để cứu dân, cứu nước.
Nguyễn Tất Thành xác định một cách rõ ràng là phải sang phương Tây mà trước hết là Pháp bởi “muốn đánh thắng kẻ thù trước hết phải hiểu về kẻ thù” và sang phương Tây để học hỏi tiến bộ phương Tây để “trở về nước giúp đồng bào mình”. Người không hề có ảo tưởng trông chờ sự giúp đỡ của các nước đế quốc cũng như sớm nhìn thấy sức mạnh của nhân dân lao động. Bởi vậy, ngày 5-6-1911, Người đã chọn một con tàu buôn để đi hầu khắp thế giới, quan sát xã hội, tích lũy kiến thức và tự biến mình trở thành một người lao động, hòa mình vào cuộc sống của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Nhờ vậy, mà Người đã tìm ra một con đường mới cho cách mạng Việt Nam-con đường cách mạng vô sản.
Quyết định xuất dương đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và lịch sử dân tộc - “mở đầu cuộc trường chinh vĩ đại của một con người - một dân tộc”. Quyết định xuất dương đó được hình thành rõ rệt ở Huế, trong thời gian Nguyễn Tất Thành ở Huế lần thứ hai (1906-1909), đặc biệt trong giai đoạn Người học ở Trường Quốc học Huế (1908-1909).
C.H