Nguyễn Tri Phương - mưu lược buổi đầu đánh Pháp
(Cadn.com.vn) - "Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua", câu ca truyền đời kể về sự kiện mà các tàu chiến của Pháp đã tấn công Đà Nẵng, đến bây giờ vẫn được nhiều người nhớ đến. Thấm thoắt đã 158 năm trôi qua, kể từ ngày 1-9-1858, khi những chiếc tàu chiến hiện đại của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn phá vào Đà Nẵng. Dẫu thế, dấu tích về trận chiến vẫn còn hiện hữu giữa lòng sông Hàn. Đây thành Điện Hải, nơi đội quân chân đất đã quyết tử với súng thép đạn đồng, những thành trì liên hoàn được quân dân triều đình đắp lên để chống giặc và kia, khu nghĩa địa I-pha-nhon, nơi bỏ mạng của bao tên lính lê dương.
Đoàn viên thanh niên CATP Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ đã hy sinh tại thành Điện Hải. |
Khi mở đầu cuộc chiến, với ý đồ "đánh thốc ra kinh đô Huế, buộc triều đình Huế qui hàng" người Pháp tin chắc rằng dễ dàng khuất phục triều đình nhà Nguyễn nhưng chúng đã nhầm. Trước nạn ngoại xâm, quân và dân triều đình đều một lòng chống giặc. Phải thừa nhận từ đầu cuộc chiến, với ưu thế vượt trội về vũ khí và chiến hạm, quân Pháp đã gây rất nhiều thiệt hại đối với quân triều đình ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi vua Tự Đức cử viên tướng tài ba của triều đình Huế lúc bấy giờ là Nguyễn Tri Phương vào thống lĩnh ba quân tướng sĩ. Có thể hiểu được phần nào kế sách của Nguyễn Tri Phương qua lời tâu lên triều đình: "Kẻ kia (tức Pháp - Tây Ban Nha) lợi về chiến, ta lợi về thủ, xin lấy thủ làm chiến, xây dựng thêm đồn lũy để dần dần tiến bức địch". Vì vậy, Nguyễn Tri Phương nhanh chóng củng cố các đồn tại Đà Nẵng, cũng như các đồn tại tây bắc Đà Nẵng - những đồn này phân bố dọc theo ven núi Hải Vân sơn đến Cu Đê, vòng lên Phò Nam, Trường Định. Tại vùng trung tâm, ông thực hiện kế sách lập phòng tuyến Liên Trì, "đào hào đắp lũy" để phục vụ cho ý đồ đánh cận chiến, nhằm ngăn cản sự tấn công của quân Pháp. Sách sử chép lại rằng, phòng tuyến Liên Trì được thiết lập từ bãi biển đến các xã Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy đào nhiều hố chữ phẩm cắm chông, che cỏ, phủ cát lên trên; chia quân, đặt phục binh mai phục trong các hố này, sát tận đến đồn Điện Hải... Kế sách "lấy thủ làm lợi" của Nguyễn Tri Phương bước đầu đã hữu dụng, khi nhiều lần "quân Tây dương chia 3 toán đến đánh thì bị sa xuống hố, quan binh giữ lũy của ta từ trong bắn ra buộc chúng phải lui, vua thưởng chung 100 quan tiền".
Khi Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, cùng với quân triều đình, nhiều nơi ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng đã hình thành các đội quân nghĩa dũng. Và tinh thần dũng cảm của họ khiến quân giặc phải chùn chân. Trong bản văn tế vẫn thường đọc lên ở Nghĩa trủng Hòa Vang, nơi chôn cất những người đã hy sinh trong ngày đầu chống Pháp có đoạn: "Nón dấu, đai vàng, khiêng mang, đạn vác. Ra trận tiền, dào dạt chí nam nhi. Cơm vắt, ngủ hầm, lòng son, dạ sắt. Chí căm thù nào vướng mắc chuyện riêng tư...". Điều đó phần nào đã khắc họa hình ảnh các nghĩa sĩ chỉ có vũ khí thô sơ và lòng quả cảm mà đứng lên đánh trả tàu thép, đạn đồng.
Thành Điện Hải nơi lưu dấu về những ngày đầu chống Pháp của Việt Nam. |
Ông Lưu Anh Rô - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng, với kế sách phòng thủ và sự dũng cảm của các đội quân triều đình đã làm phá sản ý đồ của thực dân Pháp. Và sau một năm đánh chiếm Đà Nẵng để thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam một cách nhanh chóng mà không có mấy kết quả, Pháp hoàng chỉ thị phải triệt thoái tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi Page đến thay Rigault de Genouilly để chỉ đạo tại mặt trận Đà Nẵng chưa vội thi hành ngay mệnh lệnh này. Y đã thực hiện một cuộc tấn công vào quân triều đình, mà mục tiêu chính là các đồn Câu Đê, Chân Sảng, Nam Chân, Định Hải... Lúc 4 giờ ngày 18-11-1859, Page ra lệnh cho các chiến hạm Némésis, Phlégeton cùng các tàu Tây Ban Nha và một tàu hải vận tiến về phía Tây bắc Đà Nẵng, mục tiêu của chúng là pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng và Hải Vân Quan. Sau khi cắt đặt mọi việc, Page ra lệnh cho các tàu nã pháo vào các pháo đài và đồn lũy An Nam. Đại bác hai bên thi nhau nổ dậy trời. Soái hạm Némésis khinh địch nằm ngay trên đường đạn giao tranh của 2 phía. Quân Nam ở đồn Chân Sảng rót những phát thần công trúng đích vào pháo hạm Némésis, xung quanh chỗ Page đang đứng chỉ huy, y thoát chết nhưng viên chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của Pháp là trung tá Duppré Déroulède đã bị đại bác của Nam quân cắt làm đôi. "Chính sự phân bổ các đồn bót, lũy dày đặc để phòng khi ứng cứu cho nhau, nên quân đội Việt Nam đã thành công lớn khi giết chết được viên trung tá Duppré Déroulède tài ba của Pháp. Ngay sau đó, đại bác của Pháp từ các tàu đã điều chỉnh tọa độ rót thẳng vào các ổ đề kháng của quân ta, sau khi thấy hỏa lực đối phương yếu dần, Page lệnh cho tham mưu trưởng là M.Desaulx đem 300 quân đổ bộ vào đồn Chân Sảng. Bọn này sau khi đánh chiếm Chân Sảng định đánh thốc lên Hải Vân Quan mở đường ra Huế. Tuy nhiên, từ các đồn, lũy, vách đá..., quân Nam đang trú ẩn đồng loạt xông ra chống cự quyết liệt, chặn đánh quân Pháp-Tây Ban Nha cận chiến bằng các loại vũ khí thô sơ, buộc địch phải quay lại giữ đồn Chân Sảng. Sau một giờ giao tranh ác liệt, quân Việt Nam suy yếu nên các công sự, súng ống, kho thuốc đều rơi vào tay giặc hoặc bị đốt cháy. Page nhanh chóng báo tin thắng trận về Paris nhưng chính phủ Pháp cho rằng đó là trận đánh không đáng có, vì thiệt hại một sĩ quan tài giỏi và nhiều binh sĩ thương vong. Page đã bị khiển trách nặng nề. Không chiếm được Đà Nẵng để tạo bàn đạp đánh ra kinh thành Huế là một thất bại của đội quân viễn chinh Pháp"-ông Rô nói.
Khi đến Việt Nam, thực dân Pháp và quân đội Mỹ đều chọn Đà Nẵng để mở đầu cuộc chiến và cả hai lần những đội quân xâm lược đều gặp sự kháng cự mạnh mẽ và chuốc lấy thất bại. Lịch sử đã chọn Đà Nẵng và lịch sử cũng cho thấy Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trước những đội quân xâm lược...
Minh Hà