Nhà báo người Cơ Tu nâng niu, gìn giữ những "Kỷ vật của Ama"
Ca khúc "Kỷ vật của Ama" được viết lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của nhà báo Alăng Ngước. Những kỷ vật được Ama (cha - theo tiếng Cơ Tu) mang về từ chiến trường luôn được gia đình nhà báo Alăng Ngước nâng niu gìn giữ, xem đó như báu vật gia đình hơn nửa thế kỷ.
Ca khúc "Kỷ vật của Ama" là sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Danh Zoram (tên thật Zơrâm Hữu Danh), một người con Cơ Tu ở Tây Giang (Quảng Nam) - hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ca khúc này ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, sau khi nhạc sĩ Danh Zoram đọc được bài báo cùng tên của nhà báo Alăng Ngước đăng trên ấn phẩm Nguyệt san Văn hóa Quảng Nam, số tháng 3-2025. Cảm động trước câu chuyện của nhà báo Alăng Ngước với những kỷ vật của cha được gia đình được gìn giữ suốt hơn 50 năm qua, chỉ sau gần 1 giờ đồng hồ, nhạc sĩ Danh Zoram đã hoàn thành ca khúc.
Để thực hiện MV, nhà báo Alăng Ngước tận dụng tối đa không gian sống của gia đình để thực hiện các cảnh quay. Toàn bộ ê-kíp, diễn viên, trang phục, bối cảnh phim trường… đều được người thân và cộng đồng Cơ Tu hỗ trợ nhằm tạo các cảnh quay giản dị, gần gũi. Với một đội ngũ "cây nhà, lá vườn" tham gia góp sức, MV "Kỷ vật của Ama" được kỳ vọng sẽ mang đến cho người xem một câu chuyện lịch sử đầy chân thật và sống động về một gia đình cựu binh người Cơ Tu ở miền tây xứ Quảng.
Cha nhà báo Alăng Ngước là ông Alăng Phát (1943), nguyên Huyện Đội phó huyện Đông Giang (Quảng Nam). Trong thời kháng chiến, ông là bộ đội chủ lực của tỉnh Quảng Đà, tham gia chiến đấu tại các mặt trận phía tây xứ Quảng. Trong kháng chiến, ông từng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, được tặng rất nhiều Huân chương, Huy chương kháng chiến hạng nhất, nhì, ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang, huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ… Năm 1970, sau khi bị thương, ông ra Bắc an dưỡng và được cử học tại Trường Sĩ quan lục quân tại huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây). Sau giải phóng, ông xin phục viên, về quê tham gia công tác xã hội tại xã Sông Kôn (huyện Đông Giang), đóng góp rất nhiều trong công tác bảo tồn văn hóa Cơ Tu… Ông mất vào năm 2008. Sau khi ông qua đời, toàn bộ kỷ vật được vợ ông giao lại cho những đứa con tiếp tục gìn giữ, xem như báu vật gia đình.
Nhà báo Alăng Ngước tâm sự: "Hơn 50 năm qua, gia đình cất giữ, những kỷ vật của Ama dù không còn nguyên vẹn nhưng mỗi thứ đồ vật đều mang rất nhiều thông tin và giá trị lịch sử quý giá, từ chiếc ăng-gô, kim tiêm, hộp tiếp đạn, cuốn album ảnh chân dung đen trắng đồng đội, cho đến huân - huy chương các loại… Mỗi kỷ vật là một câu chuyện đẹp, nhắc nhớ cháu con về lòng tự hào, niềm tri ân đến các thế hệ đi trước. Điều đó càng có ý nghĩa và giá trị đặc biệt khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Thông qua MV này, hai chàng trai Cơ Tu - Alăng Ngước và Danh Zoram mong muốn gửi đi thông điệp: Mỗi người trẻ hôm nay, dù ở bất cứ đâu, cũng luôn ghi nhớ những trang sử hào hùng của cha ông. Từ đó, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và trân trọng từng phút giây hòa bình mà chúng ta đang được sống. Bởi hòa bình là món quà được đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao thế hệ đi trước…
Với đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhà báo Alăng Ngước tham gia nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại địa phương. Năm 2008, anh đoạt giải Nhì Liên hoan Tiếng hát (LHTH) học sinh - sinh viên tỉnh Quảng Nam; giải Nhất LHTH Người làm báo (NLB) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và giải khuyến khích tại Liên hoan toàn quốc tiếng hát NLB Việt Nam lần thứ 5 - năm 2016…
Quỳnh Trang