Nhà báo trong ngày giải phóng miền Nam
(Cadn.com.vn) - Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1976 và liên tiếp sau đó, hồi ký "Sài Gòn tháng 5-1975" của nhà báo Trần Kim Thành (do NXB Hội Nhà văn Việt Nam tái bản) người đọc cả hai thế hệ, trước và sau 1975 quan tâm bởi họ đều muốn biết đến giây phút hết sức ý nghĩa đối với vận mệnh của dân tộc. Hồi ký bắt đầu từ cuộc hành trình vào sáng 30-4-1975 của đoàn nhà báo quân đội đang tiến vào Sài Gòn để ghi lại những hình ảnh "có một không hai". Nhà báo Trần Kim Thành cho biết, khi xe tiến đến đoạn Dầu Tiếng-Thủ Dầu Một, cả tổ nhà báo đã nghe Đài Phát thanh Sài Gòn kêu gọi binh sĩ ngụy ngừng bắn, bỏ súng. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 10 chính sách của cách mạng được ban bố. Tại ngã tư Bảy Hiền, cách trung tâm Sài Gòn chưa đầy 5 km, hơi thở của cuộc chiến vẫn còn nóng hổi. Trên những nẻo đường tiến gần về "thủ phủ" cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, quần áo, giày mũ, ba lô, súng đạn, thẻ căn cước binh lính ngụy, cờ ba sọc vứt lại ngổn ngang. Ngay sau đó, các nhà báo được đưa vào phỏng vấn ghi hình "bộ sậu" chỉ huy ngụy quyền Sài Gòn (Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, các bộ trưởng Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Ba...).
Nhiều chi tiết tưởng chừng rất vu vơ qua con mắt nhà báo cũng đã nói lên nhiều điều về những ngày cuối cùng của một chế độ như: "Bao kiếm bạc dựng trên giá gỗ mun và cờ đại tướng bốn sao của Dương Văn Minh buông rũ". Chiếc bàn làm việc ngổn ngang tài liệu với cuốn sách "Lịch tử vi năm Ất Mão - 1975" dày trên 300 trang, khổ lớn, nhiều chỗ gạch mực đỏ. Bữa ăn sáng ngày 20-4-1975, một ngày trước lúc Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức, "chuồn" khỏi dinh Độc Lập gồm: "Cá lóc hấp kiểu Biên Hòa. Tôm thịt rim. Cua bể xào sâm. Canh giò heo hầm củ sen...". Bên dưới có một hàng chữ to nguệch ngoạc "bà lớn không vui lòng vì món canh"... thật dí dỏm và chua chát!
Sáng 1-5, đội ngũ nhà báo, quay phim trong nước và nước ngoài đổ xô đến dinh Độc Lập rất đông. Một nhà báo Sài Gòn có tuổi nói: "Tuy làm báo Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến nơi này với tư cách đàng hoàng tự do như thế này". Một phóng viên hãng AFP bấm máy trong một giờ hết cả 2 cuốn phim, anh cố gắng diễn tả ý nghĩa câu nói của mình bằng tiếng Việt bập bẹ với một cán bộ giải phóng: "Thật đúng là Giải phóng. Ngoài sự tưởng tượng. Ban nãy tôi đến đây rất sớm đã nhìn thấy lính của ngài uống nước trong bi đông sắt và ăn lương khô mặt trận. Tôi chưa từng thấy quân đội nào như quân đội của ngài... các ngài vừa chiếm được cả một thành phố như thế này". Anh cán bộ giải phóng từ tốn trả lời bằng tiếng Pháp: "Tôi xin đính chính điều ông đã lầm. Không phải quân đội giải phóng đánh chiếm Sài Gòn mà chúng tôi cùng bà con cô bác lật đổ chính quyền tay sai để giành lại thành phố quê hương mình". Sáng 2-5, tổ nhà báo quân đội và tác giả (tức nhà báo Trần Kim Thành) vào phỏng vấn Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Được báo trước, Dương Văn Minh cùng Nguyễn Văn Huyền (phó tổng thống), Nguyễn Văn Hảo (phó thủ tướng) đứng dậy đón tổ nhà báo. Nguyễn Văn Hảo mặc bộ đồ tím than, đeo kính trắng, là người hay chuyện hơn cả; câu đầu tiên ông ta tỏ vẻ kinh ngạc: "Chà! Các ông cũng cao lớn quá nhỉ. Dễ thường cao lớn hơn cả chúng tôi nữa!", cậu phụ quay phim còn trẻ không kiềm được bật cười to thành tiếng. Khi câu chuyện có đà, Nguyễn Văn Hảo hỏi: "Từ Hà Nội vào đây, các ông đi bằng đường nào?". "Chúng tôi đi bằng nhiều đường, quân đội chúng tôi đánh tới đâu chúng tôi có mặt ở đó"-một cán bộ trả lời. Ông Hảo ngẫm nghĩ rồi thoáng cay đắng: "Thế là các ông đã đi hết tất cả các con đường. Chúng tôi không còn con đường nào để đi nữa".
Theo nhà báo Trần Kim Thành, lời phát biểu chính thức đã được ghi lúc đó Dương Văn Minh nói: "Là một công dân nước Việt Nam, đất nước được giải phóng, tôi rất vui mừng"; còn Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống là: "Tôi cũng có một cảm nghĩ như đại tướng tổng thống nói vừa rồi. Chúng tôi vui mừng khi thấy dân tộc được giải phóng". Nguyễn Văn Hảo lại nói: "Tôi nghĩ đây là một ngày lịch sử. Chính trong đời tôi cũng không ngờ là mình coi như đang ở thời còn trẻ mà có dịp được thấy ngày đất nước độc lập thật sự như hôm nay. Tôi nghĩ, có lẽ những chuyện đau buồn của quá khứ từ nay sắp tới sẽ không còn nữa...". Một phóng viên báo Quân đội nhân dân kể với Trần Kim Thành, ngày 29-3-1975 anh theo đơn vị đánh vào trụ sở Bộ Tư lệnh ngụy đóng ở Đà Nẵng. Phòng họp của Bộ Tư lệnh ngụy quân vẫn mở. 12 chiếc ghế đệm nhung bao quanh chiếc bàn bầu dục... Trên tấm bảng đen thuyết trình có ghi tên đại tá tham mưu phó quân khu trực ban, một dòng chữ phấn trắng "Việt Cộng đến rồi. Chạy!". Viên phấn còn vứt ngay trên bàn bên cạnh cây gậy của thuyết trình viên... "Sài Gòn tháng 5-1975" còn tái hiện những dấu vết của một Sài Gòn chế độ cũ như những cô gái điếm trên đường phố, xóm bụi đời, những căn nhà không mái, chợ trời, những câu chuyện cảm động ngày đoàn viên giữa những bà má Sài Gòn với người con bị buộc đi lính, hoặc lầm đường lạc lối trở về...
Võ Văn Trường