NHÀ BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỔ TRUYỀN HỘI AN: Một điểm đến ở Festival "Hành trình di sản Quảng Nam"
(Cadn.com.vn) - Rất dễ nhận ra Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An số 66-Bạch Đằng khi đi dạo trên con đường duy nhất của phố cổ nằm hướng mặt ra sông Hoài. Nơi đây mỗi đêm đều sáng đèn và là điểm dừng chân của những du khách yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc, đặc biệt là những dịp diễn ra lễ hội Hành trình Di sản...
Vị trí hiện tại của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền chính là nơi tọa lạc một rạp chiếu bóng nổi tiếng của Hội An xưa kia, rạp Hòa Bình. Theo những người già kể lại, rạp Hòa Bình xưa rất đông khách, hầu hết người dân phố cổ, đủ các tầng lớp đều đến rạp xem phim, nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày tết vì giá vé rất rẻ. Hiện nay, công trình được đánh giá là khá đặc biệt trong khu phố cổ. Về bản chất, đây không phải một công trình được tu bổ mà là tôn tạo, vừa mang kiến trúc cổ truyền thống hài hòa với phố cổ vừa hiện đại, từ kết cấu, bố cục đến chất liệu và những tiện nghi bên trong. Tính chất đặc thù này để có thể sử dụng cho việc biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và phát triển trong tương lai.
Nhà biểu diễn chính thức đi vào hoạt động từ Tết Dương lịch năm 2013 với phòng biểu diễn được đầu tư chuyên nghiệp có 70 ghế dành cho khán giả, kết nối với phòng trưng bày trang phục, đạo cụ, nhạc dân tộc thành không gian riêng cho du khách thưởng thức nghệ thuật cổ truyền. Chương trình biểu diễn được đầu tư quy mô hơn trước với các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, độc tấu sáo, múa tứ linh, các trích đoạn tuồng, múa Chăm, múa dân gian, múa đèn lồng Hội An, độc tấu đàn bầu... do 36 diễn viên, nhạc công thay nhau biểu diễn hằng đêm.
Một tiết mục trong đêm diễn của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An.
Khán giả người Việt Nam đặc biệt thích thú với những tiết mục múa "Tát nước đêm trăng", "Ngư ông và thiếu nữ" được dàn dựng với những động tác múa hài hước, khán giả nước ngoài lại thích thú với những tiết mục độc tấu đàn bầu, nhị, sáo trúc hay đàn tranh và các trích đoạn tuồng như "Mạnh Lương cắp ngựa", "Đảo hồn Đắc Kỷ", "Nguyệt cô hóa cáo", "Tôn Ngộ Không đại chiến đào huê nữ"... Điểm độc đáo của Nhà biểu diễn là ngoài một số người được đào tạo bài bản, hầu hết các diễn viên, nhạc công đều phát triển từ phong trào văn nghệ quần chúng nhưng toàn bộ chương trình của nhà biểu diễn rất chuyên nghiệp, nhận được sự đánh giá cao của khán giả trong nghề sân khấu. "Chất" nghệ thuật dân tộc đã ăn sâu vào từng động tác múa, từng lời ca, điệu lý, câu hò... của anh chị em diễn viên sau nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn chuyên một mảng nghệ thuật cổ truyền trên những sân khấu lớn, sân khấu nhỏ của Hội An.
Đưa 1,3 km đường mòn Hồ Chí Minh vào phục vụ Festival Di sản Quảng Nam 2013 Th. Hà
Các chương trình hằng đêm luôn được làm mới không chỉ ở những tiết mục được thường xuyên dàn dựng mới mà còn ở sự "sắp xếp" khéo léo các tiết mục. Mỗi đêm diễn, Nhà biểu diễn đều có một "list" (danh mục tiết mục) riêng, không trùng lặp với "list" của đêm diễn trước nên luôn tạo sự hứng thú với điều mới mẻ, không chỉ cho người xem mà còn với chính nghệ sĩ biểu diễn. Thêm một điểm độc đáo và mới mẻ của nhà biểu diễn là các tiết mục văn nghệ cổ truyền dân tộc ở đây rất phong phú và mang tính giao thoa văn hóa rất rõ. Đặc biệt, ngoài các tiết mục múa, dân ca ba miền, Nhà biểu diễn đã bổ sung các tiết mục hòa tấu dân ca các nước trên nền nhạc cụ dân tộc như dân ca Nga, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Pháp, Mỹ...
Quảng Nam- Ngày 4-6, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho các hoạt động "Fetival Di sản Quảng Nam lần thứ V" năm 2013 diễn ra tại H. Nam Giang vào ngày 24-6 tới. Nam Giang đã giải phóng mặt bằng 1,3 km đường mòn Hồ Chí minh thuộc thôn Pà Dồn, xã Cà Dy; đầu tư 54 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các khu vực tại xã Tà Bhing, chọn 100 nghệ nhân của 4 xã Tà Pơ, Đắc Tôi, Đắc Pring và xã Zuôih thành lập các đội cồng chiêng biểu diễn phục vụ du khách... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả yêu cầu H. Nam Giang tập trung cao độ hoàn thành 1,3 km đường mòn Hồ Chí Minh, chuẩn bị chu đáo hình thức du lịch homestay, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trưng bày các hiện vật lịch sử - văn hóa trong dịp Festival.
Nhà biểu diễn thực sự là một địa chỉ dành cho những du khách yêu nghệ thuật cổ truyền. Đây còn là nơi lý tưởng để các diễn viên nhạc công của thành phố vừa làm nghề vừa nuôi dưỡng tình yêu của mình với nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Ngoài việc phục vụ khán giả yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc là du khách trong nước, quốc tế, Nhà biểu diễn cũng hướng đến việc phục vụ chính người dân địa phương Hội An. Trong tương lai, nếu được thành phố cho phép, ngoài những suất biểu diễn nghệ thuật cổ truyền dân tộc, tại đây sẽ tổ chức chiếu phim với những tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới, cập nhật những bộ phim hay và mới của điện ảnh thế giới cũng như chiếu những bộ phim được dàn dựng tại "phim trường phố cổ" để người dân Hội An có thêm nhiều lựa chọn cho "món ăn tinh thần".
Khiếu Thị Hoài