Nhà cổ Hội An: Đến hẹn lại... hư
(Cadn.com.vn) - Mùa mưa năm nay chỉ vừa mới bắt đầu nhưng những ngôi nhà cổ Hội An (Quảng Nam) bị xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến dịch vụ tham quan du lịch mà những hộ dân sống nơi đây cũng nơm nớp lo sợ từng ngày vì chúng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Khổ trăm bề
Dọc theo tuyến đường Trần Phú là khu phố chính của Phố cổ Hội An. Dẫn tôi ra sau nhà, chỉ vào gian phòng dựng tạm bằng ván ép, chị Nguyễn Ngọc Phương (P.Minh An, Hội An) than vãn: "Chỗ đó là nơi ở của mấy mẹ con tôi. Ở nhà trên mưa dột quá ngủ không được nên phải làm tạm cái ni nhưng mùa mưa còn đỡ chứ mùa nắng thì nóng lắm". Ngôi nhà của chị Phương có tuổi đời hơn 300 năm và đã trải qua 8 đời sinh sống, hiện được trưng dụng làm nơi tham quan cho du khách. Ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ, chiều dài 30 mét, rộng 6 mét.
Gia đình 4 thế hệ của chị Phương đang sinh sống trong căn nhà này nhưng do nhà xuống cấp quá nghiêm trọng nên cả nhà phải chen chúc ra khu vực sau nhà. Bà Thái Thị Sâm (chủ hộ) cho hay: "Nhà này không chỉ được dùng là nơi tham quan mà còn là nơi thờ cúng của cả dòng họ nhà tôi vì vậy sống chết chi cũng phải ở lại mà gìn giữ". Trong gian nhà chính, hầu hết những cây cột đều đã bị mối mọt gặm nhấm, phần máng xối được làm bằng thân cây gỗ đã bong tróc và nghiêng hẳn sang một bên khiến nước mưa nhỏ thành giọt. Gian giữa gồm 3 căn buồng cũng làm bằng gỗ nhưng phải bỏ không vì quá nguy hiểm.
Leo lên chiếc cầu thang mà tiếng cọt kẹt của gỗ làm tôi rùng mình. "Mỗi năm nhà lại hư thêm một ít, bây giờ khắp nhà đã có hơn 10 cây trụ được gia cố nhưng cũng không an toàn là mấy", chị Phương cho biết. Tôi quan sát, trên những cây cột chính được kè thêm một cây gỗ nữa và được đánh số theo từng năm. Riêng năm 2014 này gia đình nhà chị Phương đã phải kè thêm 2 cây cột phía gian thờ.
Chị Phương bên chiếc cột vừa được gia cố thêm trong năm 2014. |
Không chỉ phần cấu trúc chính trong nhà mà những phần phụ như cửa sổ, thềm nhà cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và hầu hết đều phải dùng các vật dụng "tự tạo" để cầm cự bởi ngôi nhà cổ này là di tích không thể tự tiện sửa. "Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ nên cũng khó sửa một lần lắm, bởi nó sẽ bị thấm nước mưa rồi hư hại", bà Sâm thở dài.
Đi không được, ở không xong
Tại Hội An đang có hàng chục ngôi nhà cổ hư hại nghiêm trọng. Cuối năm 2013, ngôi nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng bất ngờ sập đổ đè lên căn giữa của nhà số 46 khiến những ngôi nhà quanh đó cũng bị ảnh hưởng phần hậu. Những căn nhà hư hại quá nặng nay không được dùng kinh doanh buôn bán nữa mà chỉ làm nơi tham quan. Chị Nguyễn Hà Như Mai (chủ ngôi nhà cổ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết: "Với mỗi tấm vé tham quan là 2.400 chỉ vừa đủ tiền sinh hoạt gia đình, mùa mưa tới khách tham quan ít nên chúng tôi cũng không có thu nhập thêm gì cả. Nhà xuống cấp nhưng đành chịu thôi".
Gia đình chị Phương cũng trông vào tiền bán vé tham quan nên rất khó khăn. "Ngày mô may mắn được mấy đoàn khách thì còn đỡ, mà nhà hư hại nhiều quá khách cũng không muốn tới tham quan. Tôi cũng đã kiến nghị cho phép gia đình tôi mở một cửa thoát phía đằng sau để lỡ có chuyện gì thì còn có đường mà chạy nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Đi thì không biết đi đâu, nhưng ở thì khổ trăm bề, nhà tôi lại đông con nít nữa", chị Phương than vãn.
Nhiều nơi trong nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đăng Phong (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An) cho biết: "Việc nhà cổ Hội An xuống cấp xảy ra nhiều năm nay, nhất là vào mùa mưa bão. Riêng trong năm nay có 9 di tích xuống cấp nặng nề, TP cũng đã lên phương án di dời khi mưa bão xảy ra. Nếu người dân tự di dời được thì tốt, còn nếu không thì xã, phường sẽ xuống lấy thông tin và có sự dàn xếp. Công tác di dời năm nào cũng được tiến hành tuy nhiên về lâu về dài thì người dân cũng cần phải có sự kết hợp với chính quyền địa phương trong việc tu bổ, bảo tồn di tích. Một khó khăn nữa trong công tác sửa chữa di tích là có một số hộ nhà cổ là sở hữu chung hoặc không xác định được chủ sở hữu, chưa có sự đồng thuận trong nội bộ gia đình nên chúng tôi cũng rất khó khăn trong việc lên phương án sửa chữa cho hợp lý. Dù là di tích nhưng đó vẫn là nhà ở của người dân"...
Phố cổ Hội An là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước bởi nét đẹp kiến trúc cổ xưa mà hiếm nơi nào có được. Thiết nghĩ cần có một biện pháp tu bổ, khắc phục một cách quyết liệt hơn nữa có thể bảo tồn được những nét đẹp văn hóa, lịch sử bao đời cho thế hệ mai sau.
Hà Dung
Theo thông tìn từ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An: 9 di tích trong khu phố cổ buộc phải di dời cục bộ khi có mưa bão là những nhà bị mục nát, không còn khả năng chống đỡ. Danh sách cụ thể các di tích nhà cổ gồm: Nhà số 12/11, 26, 42A đường Bạch Đằng; 47/2 đường Phan Châu Trinh; 07, 77, 120 đường Trần Phú; 65 đường Nguyễn Thị Minh Khai và 60 đường Phan Bội Châu. Toàn Hội An hiện có khoảng hơn 1.100 căn nhà cổ, trong số đó có 66 căn đã xuống cấp; 40 căn trong tình trạng cần gia cố; 17 căn xuống cấp mức độ nhẹ; 9 căn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng buộc phải di dời. |