"Nhà di sản" thành khu tập thể hình
"Nhà di sản" hơn 100 năm tuổi theo lối nhà rường Việt pha lẫn kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX ở số 117 (số cũ 73) Lê Thánh Tôn, TP Huế, TT-Huế đang bị tháo dỡ phần sân vườn rộng hàng trăm mét vuông để xây dựng khu tập thể hình.
Sân vườn "nhà di sản" 117-Lê Thánh Tôn được xây dựng quy mô để làm khu tập thể hình. |
Trùng tu xong rồi phá vỡ?
Ngôi nhà 117 đường Lê Thánh Tôn, P.Thuận Lộc, TP Huế là một trong những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, có giá trị văn hóa đặc biệt khi phối hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà rường Việt Nam và kiến trúc Pháp. Chủ nhân trước đây của ngôi nhà là ông Trương Như Cương- một vị danh thần nhà Nguyễn, người đứng đầu Viện Cơ mật triều Nguyễn. Về sau để lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970) là Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn. Đến năm 1988, ngôi nhà được ba người con gái của cụ Đính đứng ra bán lại cho UBND P.Thuận Lộc và trở thành nhà công sản, nơi làm việc của các cơ quan Mặt trận, đoàn thể phường. Theo tìm hiểu, năm 1996, VùngNord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille (Pháp) đã đầu tư cải tạo, trùng tu căn nhà 117-Lê Thánh Tôn với số tiền hơn 40.000 EUR và đặt tên là "nhà di sản" với mong muốn sẽ có nhiều nhà vườn, có kiến trúc đẹp trên đất cố đô được trùng tu nhiều hơn nữa. Năm 2.000, "nhà di sản" đã được các chuyên gia trong chương trình văn hóa giao lưu Việt- Pháp đặt làm nơi nghiên cứu văn hóa. Từ đó, ngôi nhà trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế....
Tuy nhiên, thời gian gần đây, "nhà di sản" 117-Lê Thánh Tôn đang được UBND P.Thuận Lộc cho một đơn vị tư nhân thuê xây dựng khu tập thể hình. Sự việc khiến dư luận, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa tỏ ra bất bình, tiếc nuối. Có mặt tại căn nhà này, chúng tôi nhận thấy, khuôn viên sân vườn đã bị tháo dỡ toàn bộ, thay vào đó một khối nhà được xây dựng kiên cố bằng sắt 2 tầng, rộng hơn 300m2, án ngữ toàn bộ căn nhà độc đáo này. Hệ thống sân vườn bao gồm cổng, hàng rào bằng chè tàu, hòn non bộ... cũng gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Bên trong ngôi nhà, các vật dụng phục vụ thi công chồng chất ngổn ngang. Một số người dân sống gần ngôi nhà 117-Lê Thánh Tôn cho biết, vừa rồi, có một số khách Tây đến tham quan ngôi nhà thấy thợ đang thi công nên họ đứng bên ngoài nhìn vào rồi bỏ đi.
Bà Phan Thị Cúc-Chủ tịch UBND P.Thuận Lộc cho rằng, ngôi nhà kể trên là tài sản của phường nên hiện phường đang cho một tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao theo hình thức xã hội hóa. Ngôi nhà chỉ cho thuê phần sân còn phần ngôi nhà cổ thì hoàn toàn giữ nguyên. Theo bà Cúc, ngôi nhà này được phường mua lại từ một gia đình vào năm 1988 và có giấy tờ rõ ràng, không phải là nhà di sản...Năm 2000, UBND TP Huế đặt vấn đề mượn ngôi nhà để cho Trung tâm hợp tác quốc tế đặt văn phòng làm nơi nghiên cứu tour du lịch mô hình nhà rường Huế. Đến năm 2006, vì nơi làm việc không có nên UBND phường lấy lại để bố trí cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh làm việc. Nói về trước căn nhà, có treo tấm bảng "Nhà di sản", bà Cúc nói là do trước đây bên Trung tâm hợp tác quốc tế họ gắn vào để thu hút các nơi về tham quan mô hình của họ làm bảo tồn các nhà rường của Huế, vì thế đã gây ra hiểu nhầm?!
Bất nhất trong việc quản lý nhà di sản
Xung quanh việc nhà di sản 117- Lê Thánh Tôn được chính quyền P. Thuận Lộc cho thuê để xây dựng khu tập gym, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh TT-Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa thông tin, ngôi nhà 117-Lê Thánh Tôn trước đây của một Thượng thư Bộ Lại rất nổi tiếng nhưng sau đó do con cháu ông vì túng thiếu mà bán lại. Ngôi nhà bình thường như mọi nhà khác, chỉ có đặc điểm là nhà rường cổ liên quan đến viên quan triều Nguyễn. Hồi đó, dư luận đang báo động về sự xuống cấp của những ngôi nhà cổ nên TP Huế có chủ trương tu bổ những ngôi nhà cổ nhà nước đang quản lý. Khi đó, TP Huế có quan hệ với một số vùng của nước Pháp, họ đến Huế và đặt vấn đề muốn tu bổ một số nhà cổ. Sau đó, Thượng viện Pháp đã vận động tài trợ hơn 40.000 EUR tu sửa ngôi nhà này cùng với một nhà cổ ở Phố cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh (TX Hương Trà, TT-Huế). "Sau khi trùng tu xong, họ tổ chức lễ khánh thành rất lớn. Căn nhà này trước đây có đầy đủ tường rào, bể nước rất đẹp. Phường nhìn nhận vấn đề theo cấp phường, xã; họ đánh giá việc này theo cách nhìn quá đơn giản. Có thể bây giờ việc đã vỡ lở thì họ lại nói như vậy vì phường quản lý thì thấy việc cho thuê là có lợi trước mắt nên họ làm vậy"- ông Nguyễn Xuân Hoa nói. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, chính việc làm này cho thấy sự bất nhất trong việc quản lý nhà di sản, văn hóa ở Huế khi chính quyền bỏ tiền tỷ ra để tu sửa những ngôi nhà rường, nhà cổ khác, trong lúc ngôi nhà này đã được tu sửa thì lại bỏ bê. Việc này cũng là hành vi không tốt trong đối ngoại vì Pháp đã bỏ tiền ra để giúp mình tu sửa mà giờ mình lại đối xử như vậy. "Nhà di sản, phần quan trọng tạo nên giá trị là cả cái sân nếu như bị che khuất thì ngôi nhà cũng mất giá trị. Giờ cho thuê phần sân chỉ để lại ngôi nhà thì cũng như không"- ông Hoa cho hay.
H.LAN