Báo Công An Đà Nẵng

Nhà giàn DK1: 30 năm vững chãi giữa trùng khơi

Thứ bảy, 06/07/2019 08:16

Giữa mênh mông trùng khơi, quanh năm phải đối mặt với thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt, 30 năm qua, các nhà giàn DK1 vẫn vững vàng, hiên ngang, khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Cụm nhà giàn DK1/2.

Những con người đang ngày đêm bám trụ trên những pháo đài thép sừng sững giữa sóng nước trùng khơi ấy, đã và đang từng ngày viết lên những trang sử hào hùng, làm lên trang sử ngập tràn cảm xúc và niềm tự hào  mỗi khi nhắc đến: Lính nhà giàn.

Ý chí quyết tâm lớn

Cuối tháng 8-1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị cho chủ trương tổ chức lực lượng ra đóng tại các khu vực bãi cạn trên thềm lục địa phía Nam, làm chỗ dựa cho các hoạt động thăm dò, khai thác và nghiên cứu của các ngành thủy sản, dầu khí, khí tượng thủy văn. Trên cơ sở đề nghị của Quân chủng Hải quân, Đảng và Nhà nước đã tiến hành chủ trương xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Đông Nam - gọi tắt là DK1. Ngày 5-7-1989, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Việc thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại thềm lục địa phía Đông Nam thể hiện ý chí quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trên con đường phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành chiến lược phát triển kinh tế biển phục vụ các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này.

Nhiệm vụ của các nhà giàn là điểm tựa của ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, thiết lập các đèn biển, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu bè qua lại trên các vùng biển phía Nam Tổ quốc từ Trường Sa đến khu vực Côn Đảo. Ngoài ra, các lực lượng đóng trên các nhà giàn còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hải quân nhân dân Việt Nam chính là lực lượng được giao nhiệm vụ đảm nhận trọng trách đóng quân trên những khu nhà giàn nằm chênh vênh bên thềm lục địa này.

Không chỉ là mốc tiền tiêu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa, 30 năm qua, các nhà giàn DK1 còn là những ngọn hải đăng trên thềm lục địa; là chỗ dựa để bà con ngư dân làm ăn tại các vùng biển phía Nam. Với ngư dân, sau những ngày dài lênh đênh rong ruổi theo những luồng cá trên biển, ánh sáng từ những ngọn đèn trên nhà giàn chính là nguồn động viên tinh thần to lớn với họ; để họ cảm nhận mình không lẻ loi, cô đơn giữa biển cả mênh mông. Nhất là vào những ngày trời mưa bão, khi đại dương nổi cơn phong ba thịnh nộ, giữa khoảng không mù mịt không phân biệt được đâu biển, đâu trời. Những ngôi nhà giàn nhỏ bé giữa trùng khơi ấy lại là điểm tựa vững chắc, là chiếc bè cứu sinh vững vàng cho ngư dân bám trụ.

Lính nhà giàn

Trung tá Bùi Xuân Bổng, cán bộ gắn bó, làm việc tại nhà giàn từ ngày đầu thành lập chia sẻ, những ngày đầu ra công tác tại nhà giàn chỉ thấy trên là trời dưới là biển, xung quanh thì thiếu đủ thứ như nước ngọt, rau xanh, máy phát điện... và chỉ trông chờ vào tiếp tế. Ngay công tác tiếp tế cũng gặp khó khăn khi nhà giàn chưa có cầu thang, mỗi lần chuyển hàng lên giàn rất nguy hiểm.

Giữa biển trời lồng lộng, các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các nhà giàn luôn vững vàng như những cây phong ba, dù luôn sống trong những ngôi nhà mọc chông chênh giữa biển. Đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, gìn giữ những ngôi nhà giàn trở thành những pháo thép hiên ngang giữa biển trời. Thậm chí, không ít máu xương của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã phải đổ xuống để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang giữa biển trời thăm thẳm, như sự khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam.

Và trong tâm trí của những người còn sống, hình ảnh những người lính đã hy sinh trên thềm lục địa chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có thể phai nhòa. Đó là sự hy sinh của anh Nguyễn Hữu Quảng, chính trị viên nhà giàn DK1 - Phúc Tần, khi nhà giàn đổ và trôi dạt nhiều ngày trên biển, anh đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội có sức khỏe yếu nhất, để rồi anh thanh thản ra đi.

Hay hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 - Phúc Nguyên, trước khi nhà giàn bị cơn bão năm 1998 đánh chìm, anh chỉ kịp mở tủ lấy lá cờ Tổ quốc quấn quanh mình, cuốn sổ vàng truyền thống bỏ vào bao bảo quản ôm theo khi cùng giàn chìm xuống biển. Cũng trong cơn bão cuồng phong này, hai đồng đội của anh là chuẩn úy chuyên nghiệp, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng và thiếu úy chuyên nghiệp, nhân viên cơ điện Nguyễn Văn An cũng đã anh dũng hy sinh.

Nhà giàn DK1/6 đổ hoàn toàn lúc 3 giờ ngày 13-12-1998, 6 cán bộ, chiến sĩ còn lại trên nhà giàn này bị hất tung xuống biển, chống chọi với sóng gió trên chiếc phao bè cũ nát. Sau 14 giờ đồng hồ bơi dưới biển, chiều tối cùng ngày 6 chiến sĩ được tàu HQ-606 của Lữ đoàn 171 cứu vớt.

Trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trên giàn DK1/3, Trung tá Bùi Xuân Bổng kể lại, ngày 4-12-1990 tôi đang trong đợt công tác tại nhà giàn DK1/3 thì bất ngờ giàn đổ. Anh em trên nhà giàn trôi dạt lênh đênh trên biển từ đêm mồng 4 đến chiều tối 5-12 thì được tàu HQ 711 cứu và vớt được 5 anh em. Ba anh em còn lại của DK1/3 đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng giữa biển khơi, các anh đã kiên cường bám trụ nhà giàn đến hơi thở cuối cùng, chỉ với niềm tin "còn người, còn nhà giàn". Sự hy sinh của các anh đã viết lên những bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ mới, là những tượng đài thép khẳng định dấu mốc chủ quyền bất tử trên biển Đông, trên thềm lục địa của Tổ quốc. Hồn các anh hòa cùng sóng biển, thân xác các anh neo đậu lại nơi thềm lục địa, trên những rạn san hô xanh biếc một tấc không rời; như tâm hồn người Việt luôn hướng về biển đảo, núm ruột thương yêu của Tổ quốc.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước, trở thành tượng đài tinh thần quý giá thôi thúc động viên, nâng bước các thế hệ hôm nay và mai sau. Với lính nhà giàn, một điều đáng quý nữa đó là tinh thần đoàn kết, lạc quan, yêu thương, đùm bọc, động viên lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn là điểm tựa hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế trên vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

B.T - NGỌC SƠN

"Kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết, kỷ luật, giữ vững chủ quyền"

Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, có thể khẳng định sự ra đời, xây dựng và phát triển của các "Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật" trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam gắn liền với quá trình ra đời, xây dựng và trưởng thành của Tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, làm điểm tựa niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển. 30 năm qua, liên tục bám biển, gắn bó với vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 qua các thời kỳ đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: "Kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết, kỷ luật, giữ vững chủ quyền". Đó vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào và trọng trách to lớn mà thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 hôm nay đang gìn giữ, phát huy trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị.