Nhà giáo, nhà thơ Trần Hoan Trinh: Đã về miền miên viễn hoan ca!
(Cadn.com.vn) - Tin thầy qua đời sau một cơn bạo bệnh, thọ 79 tuổi, khiến tôi bàng hoàng. Vẫn biết, sống chết chẳng ai tránh khỏi, nhưng sao vẫn nghe lòng se sắt đau! Những ngày này, ngôi nhà trong con hẻm đường Cao Thắng tấp nập người đến viếng, phần lớn là học trò cũ, đồng môn, đồng nghiệp của thầy. Nhà thầy đang xây lại, khoảng sân vườn rộng rợp bóng cây không còn nữa, nhưng sao tôi vẫn thấy như đâu đây, bóng dáng khoan thai của thầy đang dạo bước quanh vườn với mái tóc bạc phơ, nụ cười hiền và ánh mắt nhân từ!
Càng xúc động nghẹn ngào khi đứng trước linh cữu thắp nén tâm nhang kính viếng thầy, nghe giọng đọc thơ của thầy được phát ra từ chiếc cát-sét bài "Thưa thầy còn nhớ con không?" do thầy sáng tác: "Chiều hôm nay dừng bước bên đường/Tôi gặp lại người học trò 30 năm trước/Người học trò không thể nào nhận ra được/.../Tôi lặng yên/Lòng thấy ngậm ngùi/ Khi người học trò bật tiếng reo vui/ Thưa thầy còn nhớ con không?...". Người dâu út-cũng là học trò cũ của thầy, cho biết băng thu âm này được thầy thực hiện cách đây không lâu. Thốt nhiên, tôi thầm gọi tên thầy trong tâm thức: Thầy của con ơi!
Thầy Trần Đại Tăng và 2 trong số nhiều tập thơ đã được xuất bản. |
Tôi đưa mắt tìm cô nhưng chẳng thấy. Người con dâu thầy cho biết, cô gần như ngã qụy sau khi thầy qua đời. Cô là giáo viên dạy Toán Trường THCS Lê Hồng Phong, nơi tôi từng học 4 năm THCS. Cô đẹp dịu dàng, rất Huế. Tuy cô không dạy lớp tôi, nhưng thời ấy, tôi nghe các anh chị lớp trước nói cô rất hiền và dạy toán rất hay. Nhiều thế hệ học trò còn kể về chuyện tình đẹp như giai thoại của cô-thầy: thầy cô yêu nhau khi cô còn là nữ sinh, còn thầy đã là thầy giáo. Lên cấp ba, khi học Trường THPT Phan Châu Trinh, tôi được thầy dạy môn toán lớp 12. Dù không thích môn toán nhưng tôi vẫn thích được học giờ toán của thầy bởi tôi kính trọng cốt cách và phong thái mô phạm của thầy.
Lúc đó, tôi chưa biết thầy là nhà thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm báo, trong một lần lang thang trên đường Bạch Đằng, tôi tình cờ gặp thầy đứng bên quầy sách báo. Cuộc hội ngộ sau 7 năm rời khỏi Trường THPT Phan Châu Trinh càng xúc động hơn khi thầy vẫn nhận ra tôi, cô học trò không có gì đặc biệt: "Con đó hả Thủy?". Giọng Huế hiền từ không lẫn vào đâu của thầy nghe sao ấm áp. Chứng kiến cuộc hội ngộ thầy trò tôi, người chủ quầy sách trên vỉa hè Bạch Đằng hỏi: "Thế cô học trò có biết thầy vừa ra tập thơ không?". Và tôi đã được thầy tặng tập thơ Tóc trắng sân trường do NXB Trẻ xuất bản năm 1997. Đó là ngày 28-5-1998. Lúc ấy, tôi mới biết, thầy tôi- nhà giáo Trần Đại Tăng chính là nhà thơ Trần Hoan Trinh- người được mệnh danh là nhà thơ tình bên cửa lớp, nhà thơ học đường. Tặng tôi tập thơ, thầy cười hiền bảo rằng, đây là món quà do nhóm cựu HS Trường THPT liên lớp 12 niên khóa 1973-1974 thực hiện để tặng dâng thầy, mùa đông 1997... Trong các bài thơ của thầy, có nhiều bài đã được phổ nhạc như "Một thời Phan Châu Trinh", "Bỏ trường mà đi", "Nốt trầm cuối của Khúc tình ca", "Trở lại sân trường nghe chim hót"...
Suốt 40 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian thầy gắn bó với ngôi trường Phan Châu Trinh, như thầy tâm sự: "Cả cuộc đời anh ở nơi đây/Nhớ từng ngọn cây thương từng ngọn cỏ/ Kỷ niệm trên mỗi mét vuông bé nhỏ/Thân thiết từng viên sỏi đá trên sân/ .../Lòng ngậm ngùi thương từng viên phấn vụn/Hồn bâng khuâng theo từng tiếng trả bài/...". Thế nên, khi về hưu, từ giã ngôi trường mến thương ấy, lòng người thầy già cảm thấy ngẩn ngơ: "Ta đến khi tóc xanh/Ta về khi tóc bạc/Này, mai trên trường xưa/Có một người thiếu mặt/ Ta đến hồn như trăng/Ta về lòng như suối/Cây sao già trên sân/Người thua ta một tuổi/Bước đi trên hành lang/Bước đi trong lớp học/Nối vòng quanh trái đất/..." (Bỏ trường mà đi)... Đà Nẵng không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng lại là nơi gắn bó quãng đời đẹp đẽ nhất của thầy với 40 năm đứng trên bục giảng. Và từ mái Trường THPT Phan Châu Trinh ấy, đã có biết bao lứa học trò được thầy dìu dắt đã bước vào đời, bay xa, bay cao. Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề dạy học cao quý, thầy luôn tâm niệm: "Nghề nghiệp ấy đã một lần lựa chọn/Chỉ một lần xin trọn kiếp đắm say!" (Cúi đầu)...
Hôm nay (11-8), gia đình, người thân, bè bạn, đồng nghiệp và học trò cũ tiễn đưa thầy đi về nơi xa ấy sẽ đi ngang qua ngôi trường cũ, nơi thầy gắn bó suốt quãng đời dạy học của mình. Chợt nhớ, trong bài "Lớp học đầu tiên" viết năm 2002, thầy kể rằng: "...Một đêm buồn, lẻn vào sân trường, ngồi một mình bên bậc thềm cạnh tượng cụ Phan, nghe sân trường hiu hiu lá rụng, nghe lòng mình buồn da diết. Tôi thả hồn mình trôi vào một cõi mộng xa vời hư ảo, thấy bao nhiêu học trò của mình đang đứng đưa tay vẫy gọi, những đôi mắt đen nhánh thiết tha, những nụ cười thân tình rạng rỡ, những tiếng trả bài âm vang đâu đó. Lòng bỗng dưng thấy hạnh phúc vô biên, ngọt ngào vô tả: mình đã được dạy tại ngôi trường này giai đoạn mà nó có nhiều nhân tài nhất... "Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ/Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần/Là của em mộng mơ và sách vở/Là của anh những giờ dạy thiên đường...".
Vĩnh biệt thầy! Người thầy, nhà thơ tài hoa, đáng kính! Cả cuộc đời thầy đã sống trọn vẹn "một đời thầy, một đời thơ", đã "Cháy bỏng như lửa mặt trời" (có lẽ là tập thơ cuối cùng thầy dâng tặng cho đời). Với những dòng chữ này, xin kính cẩn tri ân và tiễn đưa thầy về miền miên viễn hoan ca, yên nghỉ vĩnh hằng với niềm tin mà thầy đã trao cho: "Vì biết mai mình không còn đó/Thì chim vẫn cứ hót trên cành/Và hoa vẫn cứ nở hồng muôn ngõ/Trời cứ xanh ngày vẫn bình yên..." (Lời tự tình nửa đêm).
P.Thủy