Nhà lao Ái Nghĩa-một thời bi tráng!
(Cadn.com.vn) - Sau Hiệp định Genève 1954, ở miền Nam, thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn tiếp tục đi theo nước cờ đã được tính toán với mưu mô đầy xảo quyệt. Chúng tăng cường lùa xúc dân làng, lập ấp chiến lược ở các vùng nông thôn, lùng sục, bắt bớ, tra tấn dã man và sát hại bất cứ những ai chúng nghi là “cộng sản nằm vùng”. Để thực hiện dã tâm tàn bạo, chúng xây dựng các đồn bốt, trại lính và nhà lao để giam cầm các cán bộ cách mạng. Tại H.Đại Lộc (Quảng Nam) lúc bấy giờ, chúng xây dựng kiên cố Đồn Ái Nghĩa với hệ thống quân sự căng dày như hầm ngầm, hàng rào dây kẽm gai, hầm hào giao thông, các bệ pháo, các hang ổ châu mai... Lao xá Ái Nghĩa cũng ra đời từ những ngày sục sôi máu lửa ấy cho đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975. Lao xá Ái Nghĩa được xây dựng ở vị trí gần đầu cầu thuộc khu phố 7, thị trấn Ái Nghĩa ngày nay. Tên gọi là Lao xá nhưng dân quanh vùng thường gọi là Nhà lao Ái Nghĩa với diện tích chỉ chừng 30m2, song có lúc bọn giặc giam giữ tại đây lên 70 người. Tất cả cán bộ, chiến sĩ cách mạng và cả những người chúng nghi ngờ, trong đó có các ông bà: Lương Văn Quế; Nguyễn Thị Sáu (xã Đại Hoà); Trần Hùng (xã Đại Minh); Lê Phong (xã Đại Hiệp); Hồ Thị Ny (xã Đại Thạnh); Trương Thị Trà (xã Đại Hồng)... bị bắt giam vào một phòng, sau đó chúng thanh lọc từng người để tung các ngón nghề từ dụ dỗ, mua chuộc tới hành hạ thể xác. Mỗi khi khai thác, chúng cho lính trích xuất từng người đưa sang Chi khu cảnh sát quận lỵ Đại Lộc để tra tấn cực kỳ tàn bạo. Hầu hết những người bị địch bắt giam ở Lao xá Ái Nghĩa phải hứng chịu những trận đòn roi thập tử, nhất sinh của kẻ thù, song ai nấy đều giữ vững ý chí sắt son, tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên quyết đấu tranh đòi lẽ sống chân chính. Nhiều người đã nằm xuống ngay tại mảnh đất này. Trong lửa đạn chiến tranh, cái tên “Lao xá Ái Nghĩa” thường được kẻ thù rêu rao nhằm răn đe phong trào đấu tranh cách mạng ở các xã vùng B Đại Lộc và đây cũng là cái tên làm bùng cháy thêm ngọn lửa yêu nước thiết tha và lòng căm thù giặc sâu sắc của đồng bào quanh vùng...
Bia di tích Nhà lao Ái Nghĩa. |
Sau ngày giải phóng quê hương, Lao xá Ái Nghĩa còn những bức tường rêu phong, ẩm ướt rồi phòng giam, lô cốt năm xưa cũng bị san bằng theo thời gian. Bây giờ ngay tại nền đất gian phòng giam giữ của Lao xá Ái Nghĩa ngày xưa có đắp hình tượng một nấm mộ khá to để tưởng nhớ những người đã hy sinh khi bị bắt giam cầm ở đây. Ngày 21-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 4266/QĐ-UBND công nhận Lao xá Ái Nghĩa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy đã được xếp hạng, di tích cần phải được tôn tạo, bảo vệ nhằm giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống đấu tranh của cha ông, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Nấm mộ di tích nằm sát bên bờ sông Vu Gia đang có nguy cơ sạt lở cao mà vẫn chưa có phương án kè chắn để bảo vệ. Đây là đoạn sông mùa lũ lụt chảy xiết rất dễ cuốn đi nấm mộ di tích. Hiện tại, tấm bia di tích ghi dòng chữ: “Bia chứng tích trại tạm giam huyện Đại Lộc” theo chúng tôi dòng chữ này cũng chưa đảm bảo về ý nghĩa lịch sử của sự kiện, bởi cái tên chính xác mà thực dân Pháp và chính quyền ngụy Sài Gòn cũng như nhiều người thường gọi là “nhà lao” hoặc “lao xá” chứ không gọi “trại tạm giam” cả. Công nhận một di tích lịch sử là để cháu con đương thời và mai sau mãi mãi nhớ về một thực tiễn của quá khứ chứ không phải phản ánh theo cách gọi hiện tại.
Thái Mỹ