Báo Công An Đà Nẵng

Nhà máy vàng bỏ hoang, người dân đổ xô khai thác trái phép

Thứ sáu, 10/04/2020 11:43

Hết đào bới những khu vực hầm lò cũ của Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu, gần đây lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, hàng chục người dân xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh, Quảng Nam) đổ xô lên khu vực nhà máy của Cty này (đã dừng hoạt động từ năm 2018) để đào bới, tuyển quặng. Tình trạng này không những gây mất ANTT tại địa phương mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu bị đào bới để làm vàng trái phép. 

Khai thác tràn lan

Trưa 9-4, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà máy của Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu, tại đây cảnh đào bới nham nhở hục, hố trải dài trên diện rộng hàng héc-ta. Từng tốp người cả nam lẫn nữ dùng cuốc, xẻng đào bới. Không chỉ đào thủ công, có tốp dùng cả máy khoan bê-tông để đục đá cho dễ đào. Đất đá tại đây được phân loại, sau đó cho vào các bao tải chở vào những vạt rừng trồng gần đó. Những chiếc xe máy được độ lại, không biển số thay phiên nhau gầm rú chở những bao “đé” đến nơi tập kết.

Thấy chúng tôi tiến lại, một tốp phu vàng liền ngừng tay, tản ra để tránh bị ghi hình nhưng cũng có tốp vẫn tiếp tục công việc. Chúng tôi tiến đến hỏi, họ cho biết mình chỉ là những người làm thuê cho các ông chủ người địa phương. “Tụi em trên Trà My xuống. Làm ở đây cũng được tháng rồi. Mỗi tháng được chủ trả cho 6 triệu đồng/người. Công việc hàng ngày là đào bới lấy đất đá rồi chở vào rừng keo để tuyển vàng”, một thanh viên vừa trả lời vừa đào đất cho vào bao.

Thấy chúng tôi ghi hình nhiều, 2 người phụ nữ và một người đàn ông tuổi ngoài 50 tiến đến hỏi: “Mấy đứa chụp hình làm chi chụp miết rứa. Anh chị do không có việc làm nên mới lên đây đào bới mót lại kiếm sống cho qua ngày. Mấy đứa đừng đăng hình tụi anh lên chi”. Qua nói chuyện, người này cho biết mình ở thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh) do thấy nhà máy đã bỏ hoang nên lên đào bới để tìm kiếm vận may.

Điều đáng nói, việc đào bới trên diễn ra ngay trong khuôn viên của Cty Vàng Bồng Miêu, tại đây vẫn đang có lực lượng bảo vệ nhưng việc đào bới vàng trái phép vẫn diễn ra tràn lan. Ông N.V.T. một phu vàng đang làm tại đây cho biết thêm: “Lúc trước tôi làm công nhân cho Công ty vàng Bồng Miêu, nhưng từ khi họ nghỉ đóng cửa mỏ vàng tôi trở nên thất nghiệp. Do đó tôi vào trong các điểm khai thác bãi vàng này để đào đất đá cùng với gia đình đem đi xay tuyển quặng kiếm sống qua ngày”.

Tiếp tục men theo những con đường mòn mà các xe máy chở những bao quặng tập kết, chúng tôi định rẽ vào một con đường nhỏ dẫn vào rừng keo. Lập tức lúc này có một người đàn ông chạy xe máy đến chắn ngang lối, ngay sau đó có nhóm thanh niên gần 10 người ập đến ngăn cản, không cho chúng tôi đi tiếp. Người này lớn tiếng nói: “Đây là rẫy keo của tôi, mấy ông đi đâu mà đòi vô đó?”. Tiếp đó, người này tiếp tục lớn tiếng không cho vào và dọa đập máy ảnh của chúng tôi.

Không bỏ cuộc, chúng tôi tìm con đường khác để đi vào. Sau khi “cắt đuôi” được số thanh niên bám theo, chúng tôi rẽ vào một con đường khác dẫn đến điểm tập kết quặng trái phép. Tại đây, một dãy lều trại được dựng lên, những chiếc máy nổ nghiền đá nổ vang cả góc rừng. Bên dưới những chiếc thoòng được dựng lên để ủ quặng, nước thải trực tiếp chảy xuống dòng sông Lâu. Lúc này 2 đối tượng đi trên xe máy tiếp tục vào xua đuổi chúng tôi ra, không cho ghi hình. “Ai cho các anh vào đây?”, một người đàn ông lớn tiếng nói và đòi xem giấy tờ của chúng tôi. Chúng tôi trả lời rằng, người dân phản ánh tình trạng làm vàng trái phép tại đây gây ô nhiễm môi trường, nên chúng tôi đến tìm hiểu. Lúc này những người này mới dịu giọng và để cho chúng tôi đi ra...

Việc khai thác ngay khu vực nhà máy khiến nơi này tan hoang như bãi chiến trường.

Địa phương nói gì?

Đem câu chuyện khai thác vàng trái phép trên trao đổi với Trung tá Cao Ngọc Lĩnh- Trưởng CAX Tam Lãnh thì được biết Trung tá Lĩnh mới được điều động về phụ trách xã khoảng tháng nay nên chưa nắm bắt hết được vụ việc. Tuy nhiên, Trung tá Lĩnh cũng thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn lâu nay. “Người dân ở đây không có việc làm ổn định nên họ lấy việc làm vàng để mưu sinh. Trước việc làm trái phép trên, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đẩy đuổi, nhưng sau đó họ lại tiếp tục vào làm”, Trung tá Lĩnh nói.

Được biết, việc khai thác vàng trái phép ở đây đã diễn ra nhiều năm qua, nhất là từ khi Cty TNHH khai thác Vàng Bồng Miêu đóng cửa, mỗi ngày có hàng chục đối tượng lên hoạt động tại đây. “Họ đào bới đất đá để lấy quặng rồi dùng chất độc hại tuyển vàng xả ra làm ô nhiễm môi trường. Những nơi họ khai thác gây ra sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều lần lực lượng chức năng vào truy quét đẩy đuổi các đối tượng vàng tặc, nhưng sau một thời gian lại tái diễn”- một người dân thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) thông tin thêm.

Theo UBND xã Tam Lãnh cho biết, trong năm 2019 địa phương đã tổ chức 67 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn xã. Qua đó phát hiện và tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 64 máy nổ, 55 cối xay, 37 cối đập, 114 lán trại, 104 hồ hóa chất, 11.725m bạc, 6.250m dây nước;... và đổ khoảng 8,5 tấn quặng xuống vực sâu. Riêng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn, qua đó phát hiện và tiêu hủy 6 máy nổ, 6 cối đập, 6 cối xay, 10 lán trại, 3.300m dây nước, 1.250 m bạc, 6 hồ hóa chất,...

“Đa số các đối tượng làm vàng chủ yếu là lao động nghèo ở địa phương và nhiều nơi khác tìm về. Một phần sống ngay trên mỏ vàng nhưng đất sản xuất lại ít, không có công việc ổn định vì vậy họ tìm cách mưu sinh bằng cách mót vàng. Những người này chưa từng trải qua khóa huấn luyện khai thác hầm lò, không có bảo hộ lao động, họ chỉ dựa vào kinh nghiệm làm vàng lâu năm của bản thân. Lực lượng chức năng liên tục truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép này”, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thông tin.

BÃO BÌNH