Báo Công An Đà Nẵng

Nhà máy xả thải trực tiếp ra đồng ruộng, dân kêu cứu

Thứ ba, 02/01/2018 15:00

Nằm đối diện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và gần khu dân cư  tổ dân phố (TDP) 12 ở P.Hương Hồ (TX Hương Trà, TT-Huế) nhưng gần 10 năm nay, nhà máy sản xuất (NMSX), tái chế giấy vàng mã của ông Nguyễn Văn Thể vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nhiều diện tích ruộng phải bỏ hoang do nhiễm hóa chất...

Dân kêu cứu

Gần 10 năm nay, người dân TDP 12, P. Hương Hồ (TX Hương Trà, TT-Huế) bức xúc vì cơ sở sản xuất giấy vàng mã xả thải gây ô nhiễm. Nhiều thửa ruộng của người dân ở đây bị bỏ hoang, không sản xuất được. Chỉ tay về phía khe nước thải từ NMSX giấy vàng mã, nông dân Hoàng Trọng Linh (43 tuổi) bức xúc, nói: "Nước nhuộm màu từ tháng này sang tháng khác như rứa thì lúa làm răng sống nổi. Vào mùa mưa thì nước màu tím, còn mùa nắng thì chuyển sang đỏ, vàng. Cứ mỗi lần nông dân ra đồng ruộng thì mùi hóa chất từ khe nước bốc lên nồng nặc, khó chịu". Theo ghi nhận của P.V, dọc tường bao phía bên hông nhà máy, nước thải chảy theo đường mương ra cánh đồng Nảy, nơi bà con TDP 12 đang canh tác có màu tím đỏ lạ, khác hẳn với màu nước thông thường. "Nước này chảy vào ruộng khi lội xuống thì về chân ngứa khiến bà con rất lo lắng. Người dân cũng không dám dùng nước này để tưới tiêu vì sợ hạt gạo làm ra con cháu mình ăn lại mắc bệnh nặng"- bà Lê Thị Liễn (66 tuổi, trú TDP 12, P.Hương Hồ) nói.

Ông Phan Tấn Dũng, Bí thư Chi bộ TDP 12 cho biết, cơ sở sản xuất giấy này hoạt động nhiều năm qua. Trong quá trình sản xuất giấy, cơ sở không chỉ thải ra tro bụi mà còn xả nước thải trực tiếp gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. "Trước đây khi người dân vẫn còn dùng nước ngầm thì số hộ bị ảnh hưởng nhiều, nay có nước sạch thì đỡ hơn. Tuy nhiên người dân vẫn rất lo ngại về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi nguồn nước dùng để trồng lúa nhiều hộ vẫn phải lấy từ khe nước này. Người dân đang từng ngày mong chờ chính quyền sớm di dời cơ sở sản xuất giấy đi nơi khác để không làm ảnh hưởng đến môi trường sống"- ông Dũng nói.



Nước thải từ cơ sở sản xuất giấy vàng mã của ông Thể ra môi trường có màu tím của hóa chất.

Nhiều sai phạm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND P.Hương Hồ xác nhận, chính quyền sở tại đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về việc NMSX giấy vàng mã của ông Nguyễn Văn Thể gây ô nhiễm. Chính quyền địa phương đã kiến nghị lên UBND TX Hương Trà và các đoàn liên ngành kiểm tra thực tế. Theo ông Trần Hưng Long- Trưởng phòng TN-MT TX Hương Trà, cơ sở sản xuất, tái chế giấy của ông Nguyễn Văn Thể khi hoạt động, chủ nhà máy đã không làm đủ thủ tục theo quy định của Nhà nước: Thủ tục thuê đất không có, không xin phép thị xã; chỉ làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã cấp năm 2008.

Được biết, sau khi liên tiếp nhận được đơn phản ánh của người dân, Đoàn kiểm tra liên ngành của TX Hương Trà đã có nhiều đợt đến kiểm tra hiện trạng và lập biên bản đối với cơ sở. Tháng 4-2014, tại cơ sở này, nước thải, rác thải tràn ra đất và khu vực xung quanh; máy móc, công nghệ, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo cũng như chưa có thủ tục thuê đất theo quy định. Đoàn đã đề nghị đến cuối năm 2014, phải chấm dứt việc xả và đốt các chất thải rắn ra môi trường; ngưng hoạt động và di dời ra khỏi khu vực sản xuất. Tiếp đó, tháng 10-2015, với những kết quả tương tự, chủ cơ sở đã cam kết sẽ chấm dứt hoạt động từ tháng 12-2015. Trong cam kết này, chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Thể cũng có đề nghị thị xã, Phòng TN-MT tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để di chuyển. Tuy nhiên, đến tháng 6-2016, khi kiểm tra, cơ sở này vẫn tiếp tục sản xuất. Đoàn đã yêu cầu ngừng ngay mọi hoạt động. Tháng 7-2016, UBND TX Hương Trà cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc cơ sở này thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng trên trong thời hạn 30 ngày. Thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ".

Theo Chủ tịch UBND P.Hương Hồ, hiện, chủ NMSX tái chế giấy vàng mã nói trên đã đồng ý di dời nhà máy đi nơi khác nhưng hiện thị xã chưa tìm được địa điểm để giao đất. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương cần sớm có phương án di dời nhà máy đến nơi khác hoặc cần có biện pháp "mạnh tay", buộc nhà máy phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường tránh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

H.LAN