Báo Công An Đà Nẵng

Nhà máy xử lý rác thải hàng chục tỷ đồng có nguy cơ thành bãi rác

Thứ bảy, 25/07/2015 08:15

(Cadn.com.vn) - Tháng 6-2015, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng, chính quyền và nhân dân huyện đảo lại nhanh chóng thất vọng vì nó bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

Rác thải vây kín lò đốt. 

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt được Bộ TN&MT áp dụng thí điểm đầu tiên tại đảo Lý Sơn, có tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, với công suất thiết kế xử lý hơn 15 tấn rác thải ngày/đêm (mỗi ngày xử lý đốt gần 5 tấn và ủ mùn sinh học trên 10 tấn). Thực tế cho thấy, sau khi vận hành mỗi ngày Nhà máy xứ lý tối đa chỉ đạt 1,5 tấn rác thải.

Bà Dương Thị Cung, ở thôn Tây xã An Vĩnh nói: “Nghe Nhà máy rác khánh thành dân chúng tôi mừng lắm, tưởng rằng thói quen ngày ngày mang rác đổ xuống biển sẽ đi vào quá khứ, nào ngờ Nhà máy được xây dựng với hàng chục tỷ đồng đã không như chúng tôi mong đợi”.

Hiện tại chỉ có duy nhất Đội thu gom xử lý rác thải hoạt động ở địa bàn xã An Vĩnh, Đội thu gom này thu gom “cuốn chiếu” từ thôn Đông đến thôn Tây, phải mất 2 ngày Đội thu gom này mới di chuyển đến tất cả địa bàn hai thôn của xã An Vĩnh để thu gom. Riêng xã An Hải là địa phương chưa có Đội thu gom rác thải hoạt động, hàng ngày trên 10 tấn rác thải sinh hoạt được người dân xã An Hải đưa xuống biển làm ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Vì thế câu chuyện vứt rác xuống biển dường như "điệp khúc" hàng ngày trên đảo Lý Sơn. Dọc bờ biển Lý Sơn không chỗ nào không có rác, điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các rạn san hô, tảo biển ven đảo, mà còn gây bức bối cho khách du lịch. Nhiều khách du lịch ra đảo Lý Sơn muốn chọn một điểm tắm biển lý tưởng trên đảo cũng vô cùng khó khăn.

Công nhân sử dụng rổ nhựa để đưa rác vào lò đốt.

Bà Phan Thị Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, cho biết: Khi Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt vận hành toàn bộ rác thải thu gom của xã đều được tập kết về Nhà máy để xử lý, nhưng Nhà máy thì không xử lý nổi lượng rác thu gom về, nhiều lần xã đã có giải pháp chở ngược ra bãi rác tạm thời xử lý, tuy nhiên bãi rác này đã quá tải. Thêm vào đó, quy trình phân loại rác cũng quá lạc hậu, dự án cả chục tỷ đồng nhưng không có hệ thống dây chuyền phân loại rác thải, hàng ngày hơn 10 công nhân Nhà máy phải dùng tay để phân loại rác thải.

Anh Võ Phương Thạnh - Đội phó khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo Lý Sơn, cho biết: “Rác thải sau khi được thu gom về nhà máy sẽ được các công nhân tiến hành phân loại bằng phương pháp thủ công, sau đó dùng rổ nhựa đưa rác vào lò đốt xử lý. Mỗi ngày các công nhân làm việc liên tục cũng chỉ xử lý gần 2 tấn rác, trong khi đó hàng ngày Nhà máy phải tiếp nhận khoảng 14 tấn rác thải của xã An Vĩnh, lượng rác thải xử lý không hết sẽ được chất thành đống phơi khô, tương lai Nhà máy xử lý chất thải rắn sẽ trở thành “bãi rác” nếu không có giải pháp xử lý kịp thời”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoài Ân – Trưởng phòng TN&MT H. Lý Sơn, cho biết: “UBND H. Lý Sơn đã xây dựng kế hoạch kinh phí sự nghiệp môi trường 2016 trình UBND tỉnh Quảng Ngãi để xem xét, phân bổ kinh phí trang bị cho Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thêm 1 hệ thống lò đốt có công suất xử lý gấp đôi so với lò đốt hiện tại, đầu tư hệ thống dây chuyền phân loại rác, các trang thiết bị đi kèm như xe cuốn ép rác chuyên dụng và các thùng đựng rác nhằm sớm khắc phục những hạn chế tại Nhà máy rác hàng chục tỷ đồng này”.

Quỳnh Như