Báo Công An Đà Nẵng

Nhà máy xử lý rác thải tư nhân đầu tiên ở Bình Định

Thứ hai, 10/04/2017 08:39

(Cadn.com.vn) - Góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải ở vùng nông thôn ven biển, năm 2012, anh Trần Thái Hùng (30 tuổi) quê ở xã Hoài Hương, H. Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, công tác tại Cty khai thác dầu khí Vũng Tàu đã đầu tư xây dựng nhà máy và thành lập Nhà máy xử lý và chế biến rác thải rắn Duy Anh tại thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh, H. Hoài Nhơn. Đây là nhà máy xử lý rác thải rắn của tư nhân đầu tiên tại tỉnh Bình Định.

Anh Hùng cho biết, là một kỹ sư cơ khí công tác tại Công ty khai thác dầu khí Vũng Tàu, mỗi lần trở về thăm quê, thấy cảnh rác thải rắn ngập tràn hai bên đường, dưới sông, trên đồng và cả ven bờ biển, anh rất trăn trở. Sau khi bàn bạc với vợ, anh đã từ bỏ công việc với mức lương hàng tháng từ 40-50 triệu đồng cùng với số vốn tích góp của vợ chồng sau bao năm trở về quê xây dựng nhà máy chế biến rác thải rắn. 

Trải qua rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, năm 2012 anh Hùng đã thuê 2 ha đất, thời hạn 50 năm tại thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh, H. Hoài Nhơn để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công suất 30 tấn rác thải /ngày, vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Đặc biệt để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, vốn là một kỹ sư cơ khí, anh Hùng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sáng chế, mua vật tư, máy móc về tự lắp đặt các thiết bị và dây chuyền tự động cho nhà máy để phân loại rác thải, xử lý tái chế từ những thứ được xem là bỏ đi thành những sản phẩm có ích như gạch táp lô. 

Khi nhà máy đã xây dựng xong, anh Hùng đã tập trung xây dựng mạng lưới, phương tiện thu gom rác thải trên địa bàn thuộc 6 xã ven biển như Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Xuân, Hoài Hải, Tam Quan và Tam Quan Nam. Ở nhà máy, anh vừa là giám đốc vừa là công nhân. Anh nói làm nghề này phải xác định là gian khổ, lăn lộn cùng anh em công nhân.

Chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn Thiện Đức Bắc, xã Hoài Hương cho biết: trước đây địa bàn dân cư rác thải ngập đường, ngập chợ, ngập sông và bờ biển. Từ khi có nhà máy thu gom và chế biến rác thải, cảnh quan môi trường đường làng ngõ xóm, ruộng đồng... sạch sẽ và trong lành hơn. Còn chị Huỳnh Thị Lệ Thu, 38 tuổi, thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh chia sẻ, nhờ có nhà máy, chị đã có việc làm với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 3,5 - 5 triệu đồng.

Giám đốc Trần Thái Hùng chia sẻ, xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở quê hương, anh được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, gần đây Tổ chức môi trường Bỉ đã tài trợ gần 3 tỷ đồng để xây dựng trạm biến áp và kéo dây điện vào tận nhà máy, phục vụ sản xuất, nhờ đó nhà máy không còn phải chạy máy phát điện, rất tốn kém chi phí như trước đây. Tuy nhiên, khó khăn nhất anh đang phải vượt qua là nguồn thu chưa đáp ứng được chi phí. Nguyên nhân chính là do đến nay, trên địa bàn 6 xã có khoảng hơn 3.000 hộ đăng ký thu gom rác thải và trả phí môi trường, tuy nhiên thực tế nhà máy thu phí chỉ đạt từ 40-50% số lượng khách hàng đăng ký. Vì vậy, những năm đầu mỗi năm nhà máy lỗ khoảng 100 triệu đồng và đến nay vẫn bị lỗ 50 triệu đồng/năm. Cũng vì khó khăn, nên bản thân giám đốc đã nhiều năm nay cũng chưa nhận đồng lương nào. Khó khăn nữa là nhà kho, nhà phân loại rác thải cần được mở rộng, trong khi do kinh phí đầu tư hạn hẹp, nên có những công trình còn đang phải bỏ dở... 

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Tỉnh ủy Bình Định mới ra Nghị quyết tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với môi trường; trong đó có nêu về chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực môi trường, nhất là xử lý rác thải rắn ở khu vực nông thôn. Sắp tới lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh và huyện sẽ đến nhà máy tìm hiểu, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Viết Ý