Báo Công An Đà Nẵng

Nhà nước sẽ giảm dần sự can thiệp vào nguyên tắc chi trả tiền lương

Thứ ba, 13/03/2018 16:07

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng quy định mới theo hướng Nhà nước sẽ giảm dần và tiến đến không can thiệp vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp. Đây là nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ LĐ-TB&XH đang hướng đến chính sách tiền lương theo đúng nguyên tắc thị trường.    Ảnh minh họa

Bộ luật Lao động hiện hành quy định tiền lương trong doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường. Theo đánh giá của của Bộ luật Lao động, những quy định này đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo thâm niên để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5% dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên. Như vậy, người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao, cùng làm một công việc nhưng doanh nghiệp phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15-20 năm cao gấp 2-3 lần người mới vào làm việc. Thực trạng này dẫn đến doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động cũng quy định 3 hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm và khoán. Quy định hình thức trả lương này cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng trong thực tế. Các quy định nêu trên đã can thiệp và làm triệt tiêu thương lượng, thỏa thuận tiền lương trong doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường.

Từ những các vướng mắc trên, trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP. Dự thảo được xây dựng theo hướng thực hiện chính sách tiền lương theo đúng nguyên tắc thị trường. Nhà nước sẽ giảm dần và tiến đến bãi bỏ can thiệp (không ban hành nguyên tắc) vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp.

Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án. Phương án 1: Việc xây dựng thang lương, bảng lương được quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%); phương án 2: vẫn quy định khoảng cách giữa các bậc lương mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này.

Đối với quy định mức lương của lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất giảm từ cao hơn 7% xuống còn 5% và tiến tới bỏ quy định này hoặc lập tức bỏ quy định này ngay, mức lương cao hơn để doanh nghiệp và công đoàn tự thương lượng.

Đối với quy định mức lương của người lao động làm công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% hoặc 7%, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cũng đưa ra hai phương án. Phương án 1, quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%, 7%). Phương án 2, luật vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 7% xuống 5%, từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này.

Dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến trên website của Bộ LĐ-TB&XH đến hết ngày 28-4.

P.V