Nhà thơ của núi rừng Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Nghệ thuật thơ Ngọc Anh là giai điệu của suối, của khe róc rách, trong veo chảy giữa núi rừng Tây Nguyên, hòa tan trong tâm hồn Tây Nguyên, góp một nét xanh thầm lặng giữa mênh mông đại ngàn.
Có nhiều khi chính sự phối ngẫu đã làm giàu có thêm sức sống cho nghệ thuật, hiểu theo nghĩa một triết lý nào đó, đấy cũng là sự cộng duyên để từ đó vang ngân một sức sống. “Bóng cây Kơ-nia” thơ Ngọc Anh, Phan Huỳnh Điểu phổ thành ca khúc là một tác hợp cộng duyên minh chứng cho điều đó. Đành rằng khi chưa viết ra ca khúc, “Bóng cây Kơ-nia” vẫn là “Bóng cây Kơ-nia” thơ, càng khiêm tốn hơn khi nhà thơ–tác giả của nó, tự giải thích thêm phần xuất xứ: phỏng dịch theo dân ca Hrê. Đọc thơ Ngọc Anh, hầu như bài thơ nào ông cũng đều ghi là phỏng dịch, bài thì theo dân ca Ê Đê, bài theo Ba Na, bài theo Xơ Đăng... Có nhiều lý do để những nhà nghiên cứu văn học truy tìm nguồn gốc, nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, bạn của nhà thơ Ngọc Anh từ những năm tháng làm báo, làm phóng viên mặt trận ở chiến trường Tây Nguyên suốt một thời kháng chiến chống Pháp năm xưa, thì: “Chính tôi, mãi về sau mới biết, chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh với hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây Kơ-nia” là hay nhất”. (Nguyên Ngọc, Tản mạn Nhớ và quên, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh).
Gia đình nhà thơ Ngọc Anh. Ảnh: Tư liệu |
Chưa nói vội đến cái hay nhất của “Bóng cây Kơ-nia”, có lẽ trên đại thể, nhà thơ Ngọc Anh là trường hợp duy nhất chọn mỗi chủ đề Tây Nguyên làm nguồn cảm hứng cho tất cả các sáng tác của ông, hay có thể nói cách khác, Tây Nguyên đã sinh thành nhà thơ Ngọc Anh. Từ một làng quê ở Đại Lộc - Quảng Nam, sau Cách mạng tháng Tám độ vài năm, ông nhập ngũ, làm phóng viên cho một tờ báo quân đội, và núi rừng Tây Nguyên đã gắn liền với cuộc đời ông từ đó. Gắn liền tới nỗi, vẫn theo nhà văn Nguyên Ngọc: “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên, Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu”. Vậy là không chỉ là gắn liền, mà là những năm tháng lăn lộn ăn ở cùng núi rừng nơi đây, Tây Nguyên đã là máu thịt của nhà thơ rồi. Cho đến mãi về sau này, sau những năm tập kết ra Bắc, nhà thơ Ngọc Anh về Nam, vẫn hoạt động ở núi rừng Tây Nguyên cho đến ngày ông qua đời. Một cuộc đời như thế đã thấm đẫm chất liệu Tây Nguyên trong trái tim của người nghệ sĩ. Mộc mạc chân chất như khúc dân ca Ê Đê, Ca Dong, hồn hậu trữ tình như bài dân ca Mơ Nông, hùng dũng hoang sơ như tiếng hát Ba Na... Trong cái bể vô thức của nhà thơ chất chứa đầy bao thanh âm của khe suối thác ghềnh, thuộc lòng đường bay của loài chim Phi, chim Pếch, chim Pôn-mơ-ngâm, đến mây trời Chô-rô bồng bềnh đỉnh núi, hương hoa Ê-pang nồng thơm tiếng thở... Bớ con chim Pôn-mơ-ngâm xanh xanh đẹp lắm. Này cánh hoa Ê-pang sáng chói mặt trời. Bớ tiếng chiêng khua, chiêng Kơ-ná-lon hay nhất. Này hạt lúa vàng chín rực trên nương.
Nghệ thuật thơ Ngọc Anh là giai điệu của suối, của khe róc rách và trong veo chảy giữa núi rừng Tây Nguyên, hòa tan trong tâm hồn Tây Nguyên, góp một nét xanh thầm lặng giữa mênh mông đại ngàn. Đúng là sự thầm lặng chứ không hề vang dội. Thầm lặng một tình yêu, thầm lặng một tiếng hát, thầm lặng những bài thơ (bởi như đã nói, sáng tác nào Ngọc Anh cũng ghi là phỏng dịch theo dân ca của các dân tộc miền núi). Khiêm tốn, hay nhà thơ muốn tan vào Tây Nguyên, hòa vào đấy khuất lấp, không tuổi không tên, chỉ khát khao là dinh dưỡng, là mật ngọt cho đất: Cây mục thì có nấm gai. Kẻ nào làm sai ta phạt. Mình chết cho rừng nở hoa. Giữ suối cho con cháu mình tắm mát. Vậy đấy, có thể đó là một sự lựa chọn, một quan điểm nghệ thuật gắn liền với dân gian, mà cụ thể ở đây là các dân tộc Tây Nguyên, nhưng cũng có thể đó là một ngẫu nhiên, có chút gì đó nhuốm màu định mệnh. Có những nhà thơ vang danh trên trường văn trận bút, chuốt sáng đến từng con chữ, chợt có lần trong đời nhận ra một điều đơn giản nhất: Ôi sông Hồng, sông Hồng vạm vỡ. Có khi người thiếu đi một tiếng thương thầm (Chế Lan Viên). Ai mà nghe thấy rõ “tiếng thương thầm” kia chứ, nó khuất lấp, nó thăm thẳm, trong trường hợp này nó dễ chừng mất hút giữa mênh mông đại ngàn Tây Nguyên.
Nhưng người nghệ sĩ khó mà đoán định tương lai cho sự ra đời những đứa con tinh thần của mình. “Bóng cây Kơ-nia” - một trong hàng chục, hàng trăm bài thơ của Ngọc Anh, cái “tiếng thương thầm” da diết ấy: Buổi sáng em lên rẫy. Thấy bóng cây Kơ-nia. Bóng ngả che ngực em. Về nhớ anh, không ngủ... Ngần ấy thôi, bất chợt một ngày đã làm xao xuyến trái tim của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca khúc “Bóng cây Kơ-nia” ra đời từ đó. Thực ra, cũng đã có một số nhạc sĩ phổ bài thơ này, nhưng phải là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì cuộc hôn phối thơ- nhạc kia mới vang ngân và tỏa sáng. Giai điệu trữ tình kể lể, chợt luyến láy vút cao, chợt dập dồn trúc trắc, một loại nhạc phẩm khó cho những ca sĩ bình thường thể hiện, lại càng khó hơn cho đại chúng. Ấy vậy mà “Bóng cây Kơ-nia” giờ đây không còn xa lạ với bất cứ một ai ở tận đầu nguồn cho đến cuối bể. Nó không chỉ tỏa bóng lặng lẽ ở một góc trời Tây Nguyên mà vang xa khắp mọi miền, gieo vào tâm hồn của từng con người, neo đậu vào đấy như một tình yêu mà dâu bể thời gian khó bề bồi lấp xóa đi dấu vết.
Trên những cánh rừng mênh mông tưởng như vô tận ở Tây Nguyên, thiếu gì những loài cây quý. Nào những: Hương, trắc, cẩm lai... và, cho đến cả cái “Rừng Xà Nu” như Nguyên Ngọc đã viết, chứ cái loài cây Kơ-nia có là gì, lẻ tẻ trên nương rẫy mấy ai biết đến tên tuổi. Thế nhưng, lạ lùng không, kỳ diệu không, nhà thơ lại chọn cây Kơ-nia, biến cái cây không tên tuổi gì trong hàng danh mộc, giờ đây đẹp như một huyền thoại. Thì ra những năm tháng làm báo ở mặt trận, lăn lộn trên vùng đất Tây Nguyên, ông đã rất tinh tế hiểu ra nết đất nết người, thông thuộc đến từng tình cảm... cỏ cây. Ở Tây Nguyên, cây Kơ-nia có ý nghĩa tâm linh trong đời sống của các dân tộc. Họ xem nơi nào có cây Kơ-nia tỏa bóng là nơi đó có thần linh, có linh hồn người đã mất về dưới bóng cây trú ngụ. Trên nương rẫy, người dân tộc thường giữ lại cây Kơ-nia làm bóng che mát, nghỉ ngơi, tâm tình. Hóa ra Bóng ngả che ngực em. Về nhớ anh, không ngủ, hay là Bóng tròn che lưng mẹ. Về nhớ anh mẹ khóc... là những tình cảm nồng nàn thường hằng trong máu huyết con người Tây Nguyên, rất thực. Bao nhiêu tình yêu đã được khai sinh dưới bóng cây Kơ-nia như thế, cả những cuộc tiễn đưa và bao lời hẹn hò sâu nặng. Như bóng cây Kơ-nia, như gió cây Kơ-nia. Vâng, đừng lý giải, bởi tình yêu luôn luôn thuộc về siêu lý.
Nguyễn Nhã Tiên