Nhà thờ Đức Bà Paris, Sri Lanka và vấn nạn mạng xã hội
Khi Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy vào ngày 15-4, chỉ vài phút sau, các thuyết âm mưu tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội.
An ninh được thắt chặt bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Colombo trong ngày 26-4 khi nhiều người Hồi giáo ở Sri Lanka lo sợ bị trả thù. Ảnh: AFP |
Những thuyết âm mưu
Một số tài khoản cực hữu và nhiều tài khoản khác đã tỏ ra tuyệt vọng cho rằng, đây là cuộc tấn công khủng bố của Hồi giáo cực đoan. Khi những cảnh tượng cháy kinh hoàng truyền đi khắp thế giới, các trang mạng như Infowars có trụ sở tại Mỹ đã đưa ra nhiều luồng thông tin, suy đoán và lý giải nguyên nhân không được kiểm chứng và sai lệch về vụ việc. “Phương Tây đã sụp đổ”, nhà làm phim tài liệu Mike Cernovich viết trên Twitter như vậy.
Reuters dẫn nguồn tin một cơ quan chuyên giám sát thông tin của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, những tin nhắn như thế này sau đó được chia sẻ và lan truyền với một tốc độ chóng mặt. Nhiều người đã “thêm mắm thêm muối” với những thuyết âm mưu mới, nghe rất rùng rợn. Cùng với việc đổ lỗi cho những người theo đạo Hồi, một số người biểu tình Áo vàng ở Pháp cũng bị buộc tội. Những người khác thậm chí đưa ra các liên quan không chắc chắn của Ukraine đến vụ hỏa hoạn, trong khi một người - hoàn toàn không có bằng chứng - suy đoán giáo hoàng nhà thờ đã kêu gọi xây dựng một nhà thờ Hồi giáo trên tàn tích nhà thờ thời trung cổ này.
Làm thế nào để xử lý việc này - và xử lý như thế nào - là một thách thức ngày càng tăng đối với hầu hết mọi quốc gia. Sau hậu quả của vụ đánh bom ngày Lễ Phục sinh, Sri Lanka mở một chiến dịch săn lùng quy mô lớn và chặn hầu hết các dịch vụ mạng xã hội bao gồm Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, Snapchat và Viber. Các quan chức Sri Lanka cho biết họ tạm thời chặn các mạng xã hội nhằm ngăn chặn việc đăng tải các thông tin sai sự thật và nhằm giảm căng thẳng hiện nay. Bộ Quốc phòng Sri Lanka khẳng định việc dừng các dịch vụ sẽ được kéo dài cho đến khi chính phủ kết thúc điều tra loạt đánh bom.
Quyết định này được đưa ra sau khi các mạng truyền thông xã hội bùng lên những chỉ trích, những tranh cãi gay gắt sau vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo New Zealand vào tháng trước khiến 50 người thiệt mạng. Thủ phạm vụ xả súng này đã phát trực tiếp cảnh thảm sát kéo dài 17 phút trên Facebook và đoạn băng đã được phát tán rộng rãi.
Khủng hoảng
Làm sao có thể hạn chế hiệu quả những vụ việc như vậy vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Thật vậy, chúng có thể phản tác dụng, và đơn giản là càng khiến mọi việc chìm sâu vào khủng hoảng.
Tại Sri Lanka, sau loạt đánh bom liều chết kinh hoàng, nhiều người dùng mạng xã hội có thể tìm mọi cách để trấn an bạn bè và gia đình về việc họ đã an toàn. Thật vậy, bằng cách kích hoạt một chức năng, người dùng có thể tự đánh dấu mình an toàn sau các cuộc tấn công và thảm họa. Và rõ ràng, các Cty công nghệ có thể đã góp phần khiến lệnh cấm của chính phủ thất bại, dù có muốn hay không.
Tuy nhiên, quyết định chặn mạng xã hội lại có thể làm bùng lên những tranh cãi về khả năng chính phủ có điều gì đó muốn che giấu - đặc biệt là trong trường hợp của Sri Lanka, khi đã có những cảnh báo tình báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra nhưng có thể đã bị phớt lờ. Có một thực tế rõ ràng là chặn Internet và các mạng truyền thông xã hội đã trở thành vũ khí chấm dứt cho sự thù hận và các thuyết âm mưu, và các chính phủ muốn sử dụng điều đó. Nhưng cũng có một điều rõ ràng hơn nữa là những người muốn ngăn chặn mạng xã hội vẫn chưa tìm thấy một chiến lược thực sự khả thi. Các phần bình luận trên mạng có thể vẫn đầy rẫy những lời phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và khiêu dâm. Facebook cũng vậy. Mặc dù đã thuê một đội quân gồm những kỹ sư thường được trả lương thấp để loại bỏ những tài liệu mà họ nói là vi phạm các điều khoản sử dụng, nhưng họ nói nhiệm vụ rất khó khăn.
Những người đã thực hiện công việc này mô tả nó như một cơn ác mộng không hồi kết. Đội ngũ này được sắp xếp thời gian để đưa ra quyết định nhanh chóng và nói rằng, họ luôn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi đọc và xem những nội dung khiêu dâm, bạo lực - bao gồm chặt đầu, lạm dụng trẻ em và hơn thế nữa. Chắc chắn, không có họ, nhiều nội dung này chắc chắn sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng hơn - nhưng mọi việc cũng chỉ có thể dừng lại theo kiểu “giải quyết phần nổi của tảng băng chìm”.
KHẢ ANH
Loạt quan chức Sri Lanka từ chức Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngày 26-4 cho biết, cảnh sát trưởng nước này đã thông báo rằng ông ấy sẽ từ chức. Thông báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, Tổng thống Sirisena khẳng định, Sri Lanka có đủ khả năng để hoàn toàn kiểm soát tình hình an ninh trong vài ngày tới. Theo ông, chính phủ nên chịu trách nhiệm về việc để xảy ra loạt vụ tấn công này, đồng thời thừa nhận cơ quan tình báo nước này ngày càng yếu kém. Ông Sirisena còn nêu rõ, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng và cảnh sát trưởng Sri Lanka hồi giữa tháng 4, các quan chức này đã không thông báo thông tin tình báo về nguy cơ tấn công cho ông. |