Báo Công An Đà Nẵng

Nhà thơ làm thơ lúc nào?

Thứ bảy, 07/12/2013 10:15

(Cadn.com.vn) - Có lần tôi đã nói đến lao động thơ, tức là lao động ý, tứ, chữ nghĩa, cấu trúc thơ. Lần này xin kể  hầu bạn đọc chuyện các nhà thơ đã viết thơ như thế nào?

Có người thuộc lòng cả tập thơ của một tác giả, mấy chục năm sau vẫn nhớ. Yêu thơ, thuộc thơ như vậy, nhưng không  phải ai cũng biết các nhà thơ đã viết ra những câu thơ, bài thơ vào lúc nào, ở đâu? Người viết văn xuôi thì ai cũng biết họ phải lao động hùng hục suốt ngày, đánh vật với từng con chữ suốt đêm ngày trên trang giấy. Một cuốn tiểu thuyết 500 trang, riêng việc chép lại cũng phải mất cả tháng trời. Còn nhà thơ thì khác. Dường như họ "nhàn hạ" hơn, tài tử hơn.

Các nhà thơ mỗi người một tính cách khi ngồi trước trang giấy. Cố nhà thơ Hải Bằng thì đi đâu, ngồi đâu cũng có thể làm ra thơ. Anh có tài làm thơ tứ tuyệt. Tức cảnh hay người, anh rút vỏ bao thuốc lá, kê đầu gối làm bài thơ 4 câu tặng ngay tại chỗ. Đi đâu nhà thơ- họa sĩ Hoàng tộc này cũng mang theo một tệp giấy nhỏ. Thích ai là anh ký họa chân dung rồi làm bài tứ tuyệt đề tặng bên dưới, rất nhanh. Làm thơ tặng xong rồi coi như thỏa lòng. Vài hôm sau lại quên là mình đã có bài thơ tặng người đẹp ấy. Hải Bằng không bao giờ có một cái bàn viết văn theo đúng nghĩa của từ này như các nhà văn khác.

Vì nhà ở khu tập thể chỉ hơn hai chục mét vuông, chỗ nào mà làm phòng văn. Anh thường viết văn ở ghế sa-lon nơi phòng khách, bên cạnh cốc trà Thái Nguyên "đứng đụa" (nói theo ngôn ngữ làng trạng Vĩnh Hoàng) và bao thuốc lá, cái gạt tàn. Kê đầu gối mà viết. Thế mà thơ cứ ray rứt, da diết:  Ai đã liệm mưa vào quan tài ngày đưa mẹ ra đi / Giờ bước trong mưa mới hiểu thêm đời mẹ / Nếu không có mùa mưa xứ Huế/ Thì mai sau con chẳng biết nắng là gì.

Cố nhà thơ Hải Kỳ (ngoài cùng bên trái) và các nhà văn, nhà thơ Quảng Bình.

Nhà thơ Xuân Hoàng hồi ở Huế cứ  8 giờ tối đã buông màn ngủ, gọi là "ngủ trước gà". Ban ngày thì làm việc  hành chính ở cơ quan. Không ai biết anh làm thơ lúc nào, mà ngày nào anh cũng có thơ mới đọc cho bạn bè nghe. Tìm hiểu  mới hay, anh ngủ sớm rồi khoảng 4 giờ sáng thức dậy, viết đến 7  giờ là đi đến cơ quan.

Với mấy giờ buổi sáng ấy, Xuân Hoàng ngày nào cũng có thơ để đọc cho bạn bè nghe, rồi véo đùi hỏi: "Hay không? Mới không?". Còn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi làm thơ ít khi ngồi vào bàn viết mà thường trải chiếu nằm sấp ôm gối viết bài trên cuốn vở kẻ ô học trò y như trẻ con lớp một tập viết vậy. Hai chân cứ đung đưa phía sau theo nhịp điệu thơ, trông rất ngây thơ. Nhà thơ Lê Thị Mây suốt ngày làm thơ trực tiếp trên máy chữ, không có bản nháp bằng giấy. Không biết bây giờ chị đã đổi máy chữ bằng vi tính chưa. Chị ngồi gõ máy chữ suốt ngày, nghĩ ra các câu thơ, chữ thơ thật ưng ý, mới đánh máy thành bài  thơ chính thức.

Cứ như thơ nó ở cả trong cái máy chữ ấy, chỉ gõ là ra. Cố nhà thơ Hải Kỳ cũng không bao giờ có bàn viết. Có khi không có cả giấy bút. Hồi đi học đại học sư phạm, làm "sinh viên già" ở Huế, Hải Kỳ ở nhà tôi nhiều tháng. Suốt ngày đêm lang thang các cuộc rượu với bạn bè, khuya về, bảo tôi: "Ngô Minh cho Hải Kỳ tờ giấy và cái bút". Tôi đưa giấy bút cho bạn. Sáng hôm sau tôi dậy sớm đã thấy trên bàn để ngay ngắn bài thơ không sửa chữ nào. Chỉ cái đầu đề là bị tô đi tô lại thật đậm. Hình như Hải Kỳ nghĩ ra cái tựa trước, rồi cứ vừa tô vừa nghĩ. Thế là bài thơ tuôn trào.

Hải Kỳ làm thơ không viết nháp, không có cuốn sổ nháp thơ như nhiều nhà thơ khác. Mỗi bài thơ anh chỉ viết một lần, viết xong là đi tặng người đẹp. Tặng được thơ xong là trôi miên man vào rượu... Nhà thơ Phùng Quán, tôi chưa thấy anh ngồi cầm bút làm thơ viết văn bao giờ. Anh uống rượu thâm ngày thâm đêm, một ngày một cuộc tiệc nhỏ, hai ngày một cuộc tiệc lớn, không  biết viết bao giờ mà thơ, văn xuôi in ra dày cộm. Có lẽ anh  vừa đi vừa viết, vừa uống vừa viết chăng? Thời say mê viết tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, anh ở nhà tôi. Ngày nào cũng có bài thơ mới để tặng nàng thơ Hà Khánh Linh, nhưng tôi không thấy anh ngồi vào bàn bao giờ.

Có đêm 2 giờ sáng tôi thức dậy, nhìn sang giường anh, thấy anh  bật đèn chụp ngồi viết ở trong màn lặng lẽ như một ông tượng... Ngô Minh không thể làm thơ nhanh như chớp thế được. Tôi đi thực tế  hay đi chơi  năm ba ngày ở đâu cũng viết thơ ngay. Khi về đến nhà mới nhớ viết lại. Có khi bắt được ý mà ba năm sau vẫn chưa viết được. Ví dụ tôi đã đi đến làng Thiện Vị thăm mộ Nguyễn Bính hai lần rồi, cứ muốn viết  bài thơ viếng thi sĩ quê tài hoa này. Cũng đã tìm ra cái tứ rồi, nhưng để có bài thơ xứng đáng viếng Nguyễn Bính thì... phải cẩn thận, không khéo hương hồn ông "mắng" cho!

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì đi uống suốt ngày mà không say. Đêm một hai giờ sáng mới về, lại ngồi vào bàn viết. Có đêm 2 giờ sáng, Tạo điện cho tôi để đọc chùm thơ mới viết xong. Hồi đó chưa có di động. Tôi phải ra bàn, đứng trong đêm chịu muỗi đốt để nghe chùm thơ ba bài của Tạo. Nguyễn Trọng Tạo làm thơ tặng em nào là  ghi tên người được tặng hẳn hoi, dưới bài thơ còn ghi địa chỉ đã gặp em, chẳng "sợ vợ" tí nào. Vì thế mà có buổi sáng Tạo thức dậy muộn, đến bên bàn không thấy bài thơ mới viết hồi khuya đâu cả. Thì ra thơ ấy đã thành mảnh bay vào sọt rác!...

Người mà tôi cho là "khổ sở nhất" khi làm thơ là nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch. Đối với Thạch, mỗi bài thơ là một cuộc đào bới, lặn tìm chữ. Anh làm thơ như người đi bộ từng bước chậm rãi, hoặc như người "làm nghề khắc đá" (chữ của Nguyễn Trọng Tạo), cứ đục tạo dáng từng con chữ, mồ hôi mồ kê khó nhọc. Tôi nhiều lần được mục kích bản nháp thơ của Thạch. Ngoài Thạch ra không ai đọc được. Cả trang giấy gạch xóa, móc nối, sửa chữa nhem nhuốc mực đỏ mực xanh. Gạch xóa đến rách cả giấy vẫn chưa tìm thấy chữ ưng ý. Cứ tưởng tượng nhà thơ ngồi trước trang giấy trong khuya, cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết, chi chít chữ nghĩa. Có khi cắn bút ngó trân trân lên tường nhà hàng tiếng đồng hồ, mong chữ thơ ưng ý hiện lên. Vất vả mấy ngày để có được một bài thơ mấy câu. Có lẽ lao động như thế nên thơ Khắc Thạch ngắn mà đọng...

Kể chuyện lan man thế để biết rằng, đối với nhà thơ, cảm xúc trước cuộc sống, cái tứ thơ phát hiện được mới thực là quan trọng, còn bao giờ viết, viết trong hoàn cảnh nào thì mỗi người mỗi vẻ. Nhưng điều giống nhau là họ đã làm ra những hình tượng thơ ám ảnh để cho bao thế hệ người đọc cùng chia sẻ.

Ngô Minh