Nhà thơ Ngô Minh: Đứa con của cát đã ra đi
Nhà thơ Ngô Minh |
Tôi không ngờ chùm thơ nhà thơ Ngô Minh gửi cho tôi là chùm thơ cuối cùng. Khi báo đăng, anh chưa kịp đọc thì đã hôn mê và từ biệt cõi đời này. Một trong những bài thơ ấy như điềm báo cho cuộc chia tay màu “bầm đỏ” đời anh. Anh đã chọn “lá bàng mùa đông” để gửi gắm tâm trạng cuộc đời mình: “Nghiệt ngã lá bàng tôi/ nếu niềm xanh dưới trời bất lực/ hãy bùng lên bài ca bầm đỏ/ cho dù ngày tháng tận cùng...”. Một nhà thơ, một con người đầy khí khái, ngang tàng nhưng giàu tâm huyết với văn chương. Tôi quen anh đã lâu từ ngày hai anh em còn làm báo. Viết báo nhanh, viết nhiều như Ngô Minh xưa nay hiếm. Làm báo có nghề như vậy mà anh đành sớm “gác kiếm” để trở về với nàng thơ của mình. Anh vốn là người ngay thẳng, sống minh bạch đến trọn đời. Một lần ra Huế, nhà thơ Ngô Minh đưa tôi đến thăm mộ Phùng Quán, bởi hai anh em từng có nhiều kỷ niệm với nhà thơ “Lời mẹ dặn”. Vừa thắp hương, anh vừa đọc mấy câu thơ của Phùng Quán như dặn dò tôi: “Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói ghét thành yêu”. Có được ngôi mộ của ông bà Phùng Quán như hôm nay là do công lớn của nhà thơ Ngô Minh... Anh thường bảo anh phải viết để sống, nhưng viết mấy cũng nghèo. Mới đây vào Đà Nẵng chơi, nghe anh bông đùa mà xót: “Hạnh ơi, tuổi tau là tuổi con trâu, phải lo kéo cày trả nợ kiếp người!”...
Đi tìm phẩm cách của nhà thơ là phải tìm tới nơi phát tích dòng sông thơ ấy. Ngô Minh vốn là đứa con của cát, sinh ra từ làng biển Thượng Luật, xã Ngư Thủy, H. Lệ Thủy, Quảng Bình. Cát hiền lành trong sạch, khi giận dữ có thể biến thành những cơn bão cát.. “Đứa con của cát/ mắt quen mở ngang tầm gió sắc/ để nhận trong mắt biển một chân trời/ kết tinh thành hột muối hồn tôi”. Cát có thể cháy lên nhưng lại có thể mềm mại dưới chân người. Bởi “nơi ấy mạ bọc tôi trong vạc áo đẫm mồ hôi/ và dính đầy bụi cát/ đôi dép mạ là manh ván hẹp/ từ sạp thuyền đi biển của cha”. Nhà thơ Ngô Minh viết nhiều đề tài khác nhau, nhưng nổi lên trong thơ anh là hình ảnh người mẹ nghèo quê cát lam lũ tảo tần. Lệ Thủy mút mùa là tập thơ anh dành cho nơi sinh ra, một miền thơ ấu Đứa con của Cát. Nhưng giờ đây, anh đã nằm yên tĩnh lặng, liệu “mai rồi đời cát vùi quên/ biển còn hạt muối nhặt lên, thưa rằng...”. Thưa với anh rằng, bạn bè và những người làm thơ đích thực sẽ luôn ngưỡng mộ, sẽ nhớ mãi về anh, một nghệ sĩ đã sống hết lòng với cuộc đời này.
Tác giả với nhà thơ Ngô Minh. |
Nhà thơ Mai Văn Hoan, người bạn thân mến của anh đã “nguyện cầu” trong những phút giây cuối cùng thật xúc động: “Bạn chìm trong giấc ngủ/ Quên hết mọi sự đời/ Giữa màn đêm bao phủ/ Hồn phách giờ chơi vơi”. Biển vẫn còn những hạt muối mặn mà tình nghĩa đó, Ngô Minh ơi! Ngô Minh đã viết hơn một nghìn bài thơ. Ông xuất bản nhiều sách, đặc biệt trong số đó, bộ sách Ngô Minh tác phẩm gồm 5 tập, mỗi tập dày 500 trang là những tập thơ, chân dung, ký và phóng sự, tiểu luận phê bình và phê bình văn chương do nhà thơ tự tuyển chọn, in ấn, xuất bản. Đây được coi là bộ sách khép lại quá trình sáng tác Văn học hơn 40 năm của nhà thơ Ngô Minh. Theo nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội VHNT TT-Huế: “Có thể gọi đó bộ sách này là 5 nhánh suối cho dòng sông văn chương Ngô Minh”. Tôi còn nhớ, có một lần ra Huế đến thăm anh, Ngô Minh kể: “Khi khởi động làm bộ sách này lấy tên là “Tuyển tập Ngô Minh”, nhưng có nhiều người lo lắng sợ “làm Tuyển tập tức là xong rồi, hết rồi, kết thúc rồi, nên sau đó đổi lại là “Ngô Minh tác phẩm” cho có... hậu!”. Thế mà, ai ngờ đó lại là dự cảm cho sức khỏe của mình đã cạn, nên 3 năm trước, nhà thơ đã tự mình tuyển chọn và xuất bản bộ sách này như là tổng kết cuộc đời cầm bút của Ngô Minh. Mà không sao anh ạ, đó là một sự kết thúc có hậu, bởi đó là Ngô Minh, một con người luôn sống hết lòng, luôn tự quyết định cho chính sự nghiệp văn chương của mình, không nhờ cậy bất kỳ ai. Người đọc sẽ biết ơn anh, vì anh đã gói ghém tác phẩm của mình một cách cẩn trọng gửi lại cho cuộc đời trước khi trở về cõi vĩnh hằng. Anh hãy mãi là “đứa con của cát/ để nhận trong mắt biển một chân trời”, và chắc chắn rằng, những điều tâm huyết mà anh gửi lại trong tác phẩm của mình sẽ còn lưu dấu: “mai rồi đời cát vùi quên/ biển còn hạt muối nhặt lên, thưa rằng...”.
Nguyễn Ngọc Hạnh