Báo Công An Đà Nẵng

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Thơ là câu chuyện của cảm xúc

Thứ bảy, 20/12/2014 10:09

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Phong Việt, sinh năm 1980, nhà thơ trẻ gốc Phú Yên, hiện sống và làm việc tại TPHCM từng làm sôi sục giới trẻ yêu thơ trong cộng đồng mạng với việc xuất bản và giới thiệu  các tập thơ: Đi qua thương nhớ (NXB Văn học, 2012); Từ yêu đến thương (NXB Văn học, 2013). Anh đã mang lại cho thơ một lượng độc giả giàu tiềm năng và hơn hết anh đang góp phần chứng minh rằng thơ vẫn có sức sống mãnh liệt bằng tâm thế và vẻ đẹp riêng mình giữa thời đại bùng nổ nhiều loại hình công nghệ giải trí. Ngày 21-12, nhà thơ Nguyễn Phong Việt sẽ có buổi giao lưu, ra mắt bạn đọc Đà Nẵng tập thơ thứ ba: Sinh ra để cô đơn (NXB Văn học, 2014) vừa phát hành.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

Các tập thơ của anh có số lượng phát hành cao ngất ngưởng, phải chăng điều này cho thấy độc giả không hề quay lưng với thơ?

Trước khi phát hành Đi qua thương nhớ vào dịp Giáng sinh năm 2012, tôi cũng hoài nghi liệu mọi người còn yêu thơ nhiều không, có ra nhà sách để chọn mua một tập thơ tặng cho mình hay cho ai đó giữa rất nhiều cuốn sách hấp dẫn khác... Nhưng khi Đi qua thương nhớ bán được hơn 35.000 bản sách, tôi cảm thấy đủ niềm tin để nói rằng, nhiều người vẫn đọc thơ, vẫn yêu thơ và tình yêu đó chưa bao giờ mất đi. Bằng chứng là sau Đi qua thương nhớ, tập thơ Từ yêu đến thương và bây giờ là Sinh ra để cô đơn đều được mọi người đón đợi.

Mỗi tập thơ được phát hành chỉ cách nhau 1 năm và cùng một cách viết, anh không sợ bạn đọc sẽ chán sao?

Tôi viết Đi qua thương nhớ trong 5 năm, còn Từ yêu đến thương và Sinh ra để cô đơn đều hơn một năm mới hoàn thành. Thật ra tôi có cách viết khác với mọi người một chút: chủ đề của tập sách sau bao giờ cũng hiển hiện đâu đó từ những tập trước. Tôi thường ghi chú lại những cảm xúc của mình; khi muốn viết, tôi đọc lại những ghi chú đó và chọn câu chuyện nào mình có cảm xúc nhiều nhất vào thời điểm ấy để viết. Câu chuyện của cảm xúc là vô chừng và thơ chính là câu chuyện của cảm xúc. Tôi không sợ độc giả bị nhàm chán mà chỉ sợ cảm xúc của mình không đủ đầy trên trang viết thì sẽ làm độc giả thất vọng...

Vậy "bí quyết" của anh là gì để có được lượng độc giả nhiều như vậy? Được biết, facebook là một kênh PR thơ của anh rất hiệu quả?

Gọi là "bí quyết" thì có phần to tát chăng! May mắn những bài thơ đầu tiên của tôi khi xuất hiện trên mạng xã hội vào năm 2007 đã được mọi người đón nhận. Theo thời gian, như một sự thẩm thấu, mọi người yêu quý những sáng tác của tôi hơn. Tôi nghĩ may mắn lớn nhất chính là những gì mình viết ra chạm đến trái tim và tâm hồn của độc giả nên được yêu quý mà thôi!

Đọc thơ anh, dễ dàng cảm nhận rằng, anh nói hộ lòng của nhiều người. Chẳng hạn, trong tập thơ Sinh ra để cô đơn, anh viết: "Chỉ sợ những gì thuộc về nước mắt là nhiều nhất trong cuộc đời/ chỉ sợ con người sinh ra là để lẻ loi..." (Chỉ sợ những gì thuộc về nước mắt); hay: "Có những thứ khi sinh ra con người ta phải đi tìm/ rồi níu giữ bằng cả quãng đời còn lại/ người chỉ sợ mình yêu thương quá nhiều rồi thành ra sợ hãi/ sợ những bước chân này vẫn cứ đi mãi/ không biết đến bao giờ..." (Chìm xuống thật mau). Phải chăng anh viết về chính cuộc đời của mình?

qNhững gì tôi viết bao giờ cũng có một phần của tôi trong đó, có những câu chuyện tôi nhìn từ thế giới xung quanh nhưng kể bằng lăng kính và góc nhìn của mình. Tôi là nhà báo, tư duy của người làm báo giúp tôi quan sát những "chuyển động" trong thế giới quan của mình rõ ràng, kỹ càng hơn; và cũng nhờ thế, việc chuyển tải cảm xúc, suy nghĩ đến mọi người tự nhiên hơn.

Có một thực tế các tập thơ rất khó phát hành, hầu hết các nhà thơ phải tự bỏ tiền ra in thơ rồi đem tặng. Anh nghĩ gì về điều này?

Thực tế đó vẫn tồn tại đấy thôi. Nhà phát hành cũng phải tính toán chuyện lời - lỗ khi xuất bản một tác phẩm. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng dù là loại hình sáng tác hay nghệ thuật nào đi chăng nữa, chỉ cần tác phẩm đó đồng cảm với người đọc thì sẽ thành công dù ít hay nhiều. Tôi cũng cảm thấy vui khi thời gian qua, rất nhiều nhà thơ cùng thế hệ với tôi hoặc trẻ hơn đều tự tin hơn trong việc sáng tác và phát hành các tập thơ. Có thể vẫn còn nhiều khó khăn khi cho ra đời các tập thơ nhưng việc những người viết trẻ tự tin hơn thì đã là một tín hiệu vui rồi.

Đây là lần đầu tiên anh giao lưu thơ tại Đà Nẵng. Thông điệp mà anh muốn gửi đến độc giả thành phố bên sông Hàn qua tập thơ Sinh ra để cô đơn là gì?

Tôi lỡ hẹn với độc giả Đà Nẵng 2 năm rồi, nên lần này khi ra mắt Sinh ra để cô đơn, tôi đã chủ động trao đổi với đơn vị phát hành sách Đinh Tị về việc tổ chức buổi giao lưu nho nhỏ để chia sẻ và ký tặng độc giả tại Đà Nẵng. Và tôi mong những chia sẻ của mình về nỗi niềm cô đơn, cách đối diện với sự lẻ loi, sự dũng cảm chấp nhận và đi qua nó... sẽ được mọi người đồng cảm.

Sau một năm nữa sẽ là tập thơ thứ tư?

Tôi đã có chủ đề mới cho tập sách thứ 4 của mình: Sống một cuộc đời bình thường, dự kiến phát hành vào dịp Giáng sinh năm 2015. Tôi sẽ kể những câu chuyện nho nhỏ, đơn giản và dung dị nhất trong cuộc đời của một con người, những điều mà chúng ta đôi khi vì quá bận rộn với những ước mơ lớn lao mà quên đi những niềm hạnh phúc nhỏ bé trong cuộc đời.

Xin cảm ơn anh!

Hà Phương Thảo
thực hiện