Báo Công An Đà Nẵng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Giải thưởng Văn học năm 2014 được trao cho những tác phẩm xứng đáng

Thứ tư, 04/02/2015 08:26

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-2, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trao Giải thưởng Văn học năm 2014, tôn vinh các tác phẩm, tác giả xuất sắc nhất của làng văn Việt Nam. Dịp này, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có cuộc trò chuyện với phóng viên để công chúng hiểu rõ hơn về cách thức lựa chọn, bình xét giải thưởng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

P.V: Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng được giới chuyên môn cũng như công chúng đánh giá cao. Vậy tiêu chí xét chọn giải thưởng này hàng năm có điểm nào nổi bật thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi năm, riêng hai thể loại Văn xuôi và Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được trên dưới 100 tác phẩm được đề cử; hai thể loại nhận được ít hơn là Lý luận phê bình và Văn học dịch. Sau khi nhận tác phẩm đề cử, 4 hội đồng chuyên môn về Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình và Văn học dịch được thành lập. Các hội đồng này gồm những thành viên có chuyên môn, có uy tín trong quá trình sáng tạo văn học, được tuyển chọn, đề cử từ cơ sở và được Ban chấp hành Hội Nhà văn xem xét, chấp thuận. Vòng sơ khảo do thành viên 4 hội đồng thực hiện, bắt đầu từ việc đọc tác phẩm, sau đó tổ chức từ 5-6 cuộc họp trao đổi và lọc dần từ hàng trăm tác phẩm gửi về chọn ra khoảng 10-15 cuốn. Các Hội đồng sẽ đọc lần cuối rất kỹ những cuốn sách này sau đó tiến hành bỏ phiếu để đề cử sách vào vòng chung khảo.

Lúc này, Hội đồng chung khảo được thành lập, thường có 9 nhà văn trong Ban chấp hành Hội. Nhưng khi chấm chung khảo có thêm Chủ tịch của các hội đồng tham gia để thuyết trình về các tác phẩm được đề cử. Sau đó các thành viên hội đồng chung khảo sẽ có trao đổi, thảo luận sâu. Cùng thời gian này, bộ phận chức năng làm nhiệm vụ xem xét lại cuốn sách xem có vi phạm quy chế không; lắng nghe những ý kiến đa chiều về các tác phẩm. Cuối cùng Hội đồng chung khảo họp (thường 2-3 phiên) để đi đến quyết định. Sách được chọn là những tác phẩm có số phiếu bình chọn cao nhất.

P.V: Ông có thể đưa ra nhận định về các tác phẩm được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, đặc biệt là tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4/75” của nhà báo Trần Mai Hạnh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm nay trong 4 lĩnh vực có 5 tác phẩm được giải. Đó là tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4/75” của nhà báo Trần Mai Hạnh (lĩnh vực Văn xuôi); “Trường ca ngắn-kịch thơ” của Nguyễn Thụy Kha (Thơ); hai tập tiểu luận “Trăm năm trong cõi...” của Giáo sư Phong Lê và “Thơ Việt Nam hiện đai, tiến trình và hội nhập” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp (Lý luận phê bình); cuốn “Cuộc chiến đi qua” của Kanta Ibragimov do Đào Minh Hiệp dịch (Văn học dịch).

Các tác phẩm đạt giải thưởng năm nay đều có chất lượng tốt. Tỷ lệ phiếu bầu chọn rất cao, trong đó cuốn “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4/75” của nhà báo Trần Mai Hạnh nhận được 100% phiếu bầu. Ở lĩnh vực Văn xuôi, cuốn sách của nhà báo Trần Mai Hạnh có nhiều tranh luận về thể loại nhưng cá nhân tôi cho đó là một tập tiểu thuyết tư liệu. Đơn giản bởi đó là một cuốn sách dùng các tư liệu một cách chính xác, được tạo dựng có hệ thống, có ý đồ và dựng lên một đời sống bao quanh sự việc đó.

Với cuốn sách của mình, Trần Mai Hạnh đã nhìn ông là một nhà báo và sáng tạo ra các nhân vật trong sự kiện. Đặc biệt, dưới các lớp của sự kiện đó, ông cho thấy tính nhân văn của người chiến thắng. Ở đó có sự chia sẻ, sự khẳng định lịch sử nhưng vẫn có cả nét đẹp truyền thống của ông cha ta; đó là chúng ta chỉ thắng trận một cách trọn vẹn khi biết chìa tay ra với người thất bại.

Lĩnh vực Lý luận phê bình ghi nhận hai cách tiếp cận mới từ 2 cuốn sách của Giáo sư Phong Lê và Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Đăng Điệp. Hai cuốn sách này có những đóng góp riêng, giúp cho bạn đọc nhìn thấy rõ hơn tất cả quá trình văn học, từng thế hệ văn học hay những khuynh hướng văn học được xác định. Cụ thể, Giáo sư Phong Lê viết về thế hệ nhà văn trước kia mà ông gọi là thế hệ vàng như một phần quan trọng làm nên nền tảng cho văn học hiện đại phát triển sau này. Ở đó, các bài viết mang tính chân dung những con người và cuộc đời cùng nhiều thăng trầm, quan điểm nghệ thuật, thi pháp hay đóng góp của họ trong một cái nhìn tổng thể. Cách viết của tác giả nhẹ nhàng, sâu sắc, xúc động và có nhiều cảm xúc.

Với cuốn sách của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp dựng lên một tiến trình của thơ Việt Nam và đổi mới của nó. Tiến trình này không chỉ có sau khi mở cửa mà có từ các nhà thơ như Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu... cho đến thế hệ chống Mỹ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo và sau này như Vi Thùy Linh... Cuốn “Trường ca ngắn-kịch thơ” của Nguyễn Thụy Kha là tập hợp các trường ca ngắn; đây cũng có thể coi là sự sáng tạo của nhà thơ. Với cuốn sách này, thi pháp của Thụy Kha không có gì mới so với những tác phẩm trước đó nhưng sâu lắng hơn. Bên cạnh đó, ông đặt vấn đề, những sự kiện, nhân vật lớn của lịch sử trong một thể thức của thi ca và ngôn ngữ thi ca sẽ tạo cho nhân vật, sự kiện lịch sử một vóc dáng, hình ảnh và cảm xúc khác.

Với tác phẩm dịch “Cuộc chiến đi qua”, chúng ta chưa bàn đến nội dung cuốn sách, tầm cỡ nhà văn và độ hay cuốn sách. Ở đây Hội đồng dịch chỉ xem xét kỹ độ chính xác, khả năng Việt hóa nhuần nhuyễn của bản dịch; khả năng truyền thông điệp, nội dung tư tưởng và sự sống động của nhân vật trong tiểu thuyết tới người đọc. Đây là một bản dịch rất tốt, được nhiều người đọc yêu thích.

Có thể khẳng định rằng: Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn năm 2014 đều được trao cho những tác phẩm xứng đáng.

P.V: Năm 2015, đất nước ta kỷ niệm nhiều sự kiến lớn như: Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9... Vậy Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có các hoạt động như thế nào để khuyến khích tác giả văn học cả nước sáng tác thêm nhiều tác phẩm có chất lượng và quảng bá cho văn học nước nhà?

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cùng với cả nước, năm 2015, làng văn Việt Nam cũng sẽ đón nhận nhiều sự kiện văn học lớn. Đầu năm, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13, Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 và Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3 sẽ diễn ra ở 3 tỉnh, thành phố. Dự kiến dịp này cũng diễn ra Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Thường trực Hội Nhà văn Á - Phi mà Việt Nam giữ vị trí cao nhất từ trước đến nay là Phó tổng thư ký thường trực. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc khóa IX vào tháng 7; tiến hành xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật để trao vào dịp Quốc khánh 2-9.

Song song với đó, Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục thực hiện chấm, chuẩn bị trao giải cuộc thi “Tiểu thuyết về đề tài kháng chiến cách mạng”. Cuộc thi quan trọng này sẽ lựa chọn từ khoảng 180 tiểu thuyết dự thi để trao giải cho những tác phẩm xuất sắc. Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2 hội thảo về văn xuôi, thơ để khái quát nhất về nền văn học Việt Nam cho bạn bè thế giới. Hội cũng tiếp tục tổ chức những hội thảo chuyên sâu trong đó chú trọng về văn học viết cho thiếu nhi và văn học đề tài chiến tranh cách mạng... Với tất cả những nỗ lực đó, hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, tuyên truyền về các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước cũng như tham dự giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông !

Mỹ Bình
(thực hiện)