Báo Công An Đà Nẵng

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với "Đà Nẵng không đề"

Thứ ba, 01/06/2021 19:30

Bài thơ "Đà Nẵng không đề" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được in trong tập thơ "Sóng thủy tinh" xuất bản năm 1988 của ông. Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ 4 câu và mỗi câu bảy chữ được ông viết rất tài hoa.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Đà Nẵng cùng tôi cạn chén thôi

Sông Hàn lảo đảo núi lẫn trời

Bạn bè quen lạ lang thang phố

Tôi đến hay là em đến tôi?

Đà Nẵng cùng tôi mưa nắng nhiều

Mây hờn gió dỗi hay tình yêu

Ở đâu em trốn trong trời đất

Tôi lạc em về ngõ phong rêu…

Những câu thơ đầu tiên của bài thơ đã ánh lên nét tài hoa của nhà thơ xứ Nghệ với những hình ảnh vừa thực vừa mơ, vừa sống động, gần gũi vừa xa lạ với những cụm từ mang hình ảnh rất đặc trưng của Đà Nẵng: "Sông Hàn lảo đảo núi lẫn trời", những mối quan hệ bạn bè: "Bạn bè quen lạ lang thang phố" và thấp thoáng có bóng dáng của tình yêu trong những câu thơ của ông: "Tôi đến hay là em đến tôi?".

Ở khổ thứ hai ông đề cập đến thời tiết của Đà Nẵng qua cụm từ "mưa nắng nhiều" trong câu thơ: "Đà Nẵng cùng tôi mưa nắng nhiều". Cụm từ "mưa nắng nhiều" này có ý chỉ thời tiết bất thường của Đà Nẵng mà cũng còn nói đến tính khí thất thường đỏng đảnh "như gió như mây như mưa như nắng" trong tình yêu của người con gái được ông thầm thương nhớ trong câu thơ thứ hai "Mây hờn gió dỗi hay tình yêu".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (ngồi, bìa phải) cùng các nhà thơ Ngô Minh (ngoài cùng, bên trái), Đông Trình (thứ nhì, trái qua, hàng đứng).

Hai câu thơ cuối của khổ  là hai câu thơ mà nhà thơ Đông Trình rất thích: "Ở đâu em trốn trong trời đất/Tôi lạc em về ngõ phong rêu".

Hai câu thơ gợi ý tưởng từ sự tinh nghịch, cái sự lạ kỳ, vừa bí ẩn của tình yêu trong trời đất khiến người đang yêu là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như lạc giữa những con hẻm nhỏ của phố phường Đà Nẵng.

Đà Nẵng cùng tôi giã từ chăng

Hải Phòng, Trần Phú… gió Bạch Đằng

Những con đường ấy chân ta bước

Rồi một khuya nào chỉ còn trăng!

Ở những đoạn thơ kế tiếp, những địa danh, tên đường phố làm hiện rõ dần lên không gian của Đà Nẵng với những con đường: Hải Phòng, Trần Phú… và Bạch Đằng là tên một con đường nằm sát sông Hàn Đà Nẵng, nơi những ngọn gió thổi lên lồng lộng làm mát rượi không gian cảnh quan và cho cả người đi qua lại.

Ở khổ cuối bài thơ lại là những câu thơ hay của bài nói về tình bạn.

Rồi một khuya nào rượu ngà say

Bạn bè mỗi đứa mỗi ban ngày

Nhớ nhau cười nói vang đêm vắng

Trái đất như là giọt rượu bay…

Theo nhà thơ Đông Trình, một người bạn thân của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể: Dạo ấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn còn độc thân thi thoảng lại ghé vào Đà Nẵng và những lúc như thế vẫn thường ở lại nghỉ ngơi và trò chuyện cùng nhà thơ Đông Trình tại nhà ông trên con đường Hải Phòng.

Đó là những năm tháng thời bao cấp, ngôi nhà của nhà thơ Đông Trình ở trên con đường Hải Phòng, đoạn gần ga Đà Nẵng, một con đường nhựa khá nhỏ, sát cạnh một đường ray xe lửa chạy qua để vào nhà ga Đà Nẵng, đi lên một đoạn nữa là con đường đất gồ ghề có nhánh rẽ về Công viên 29-3. Ngôi nhà của nhà thơ Đông Trình khá rộng, có nhiều cây cối và khoảng sân phía trước.

Nhà thơ Đông Trình còn cho biết thêm: Nhiều khi ông thức để đợi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ 10 giờ tối nhưng đến 1, 2 giờ sáng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới về gọi cửa. Vậy là ông tôi phải lúi húi dậy mở cửa. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở trạng thái có uống rượu nhưng vẫn rất tỉnh táo, sau khi ông lang thang uống rượu đây đó quanh Đà Nẵng, ngắm sông Hàn và dạo phố Bạch Đằng.

Cách đây vài năm, sau nhiều năm sống ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại về Đà Nẵng ghé đến thăm nhà thơ Đông Trình. Lúc này con đường Hải Phòng đã được mở ra rộng thoáng hơn trước rất nhiều.

Bạn bè gặp nhau bùi ngùi. Nhớ về một thời đã qua với nhiều kỷ niệm cùng những niềm đam mê trong sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một người nổi tiếng trong sáng tạo văn học nghệ thuật, ông có những ca khúc phổ thơ được nhiều người biết đến như: Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi…

"Đà Nẵng không đề" là một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ngoài sự nghiệp lớn với những cống hiến của ông trong văn hóa và nghệ thuật như âm nhạc, thơ ca… nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn là người giàu tình cảm với nhiều mối quan hệ bạn bè, anh em trong giới văn nghệ. Để từ đó cùng những chuyến đi, tâm hồn người nghệ sỹ tài hoa lãng tử như được chắp cánh, giúp ông sáng tạo nên những bài thơ, những tác phẩm văn học, sâu lắng, giàu cảm xúc đi vào lòng bạn đọc.

ĐÔNG SƠN