Nhà thơ Vương Tùng Cương: Người vẽ chân dung làng Việt bằng thơ
Làng đấy, quê xưa đấy! Mộc mạc và dung dị, lặng lẽ và lắng sâu, trở thành một phần tính cách con người anh. Cảm xúc làng nhen nhóm, bừng cháy trong Vương Tùng Cương, trước hết là bởi: “Âm thanh làng thức với sao khuya/ Tiếng tằm ăn dâu sa quay mải miết/ Ngoài sân đình trẻ nô đùa hò hét/ Tới tàn trăng lăn ngủ trước hiên nhà”. Chỉ kể thôi, kể rất chân thành mà cảm động. Đó là cái tài của anh. Có những câu rõ là khẩu ngữ nhưng đọc lên rất thơ: “Bề bộn rơm phơi vàng nắng/ Thóc trải khắp thềm kín cả sân/ Người ra đồng hết làng yên ắng/ Một tiếng chim khôn hót rất gần”. Trong thơ Vương Tùng Cương, làng có lúc hiện lên như một bức tranh tả thực đầy màu sắc, lúc lại sống động với những âm thanh, hương vị quen thuộc đến nao lòng, lúc thì toàn cảnh, khi đặc tả, không một nét thừa. Ai đã gặp tác giả đều không khỏi ngạc nhiên vì những câu thơ rất thật, rất giản dị ấy, lại là đứa con tinh thần của một người khôn và sắc. Nhiều người không ưa gì anh nhưng vẫn yêu và thuộc thơ Vương Tùng Cương. Có lẽ vì họ tìm thấy ở thơ anh nhiều câu thơ về làng mang nặng thân phận: “Gà gáy loang dần chó sủa bóng xa/ Đêm trở giời cá động ao bì bõm/ Nghe hoang vắng tiếng vạc xa tìm bạn/ Người kéo vó khuya ho thúng thắng tuổi già”.
Chịu nhiều va vỡ, mất mát trong đời, Vương Tùng Cương trở về làng xưa, về với “lấm láp chùm cà cuống/ khói thơm lừng bếp gio”, với “cối đá mòn vẹt trôn/ thuở ông bà để lại”, về với “bát cơm cháy mùi rơm rạ/ bếp mẹ cời lửa thức trước rạng đông” và về với cả em nữa “Em như hoa ké nguyên màu tím/ Vẫn nở bình yên trước ngõ nhà/ Anh là cánh bướm bay lạc lối/ Xin được về tạ lỗi trước hoa”.
Trong khi nhiều người riết róng chọn thơ tân hình thức, hậu hiện đại, thì anh cứ nghênh ngang gánh rơm vào phố. Cứ lặn sâu vào làng, nói mãi những điều tưởng đã cạn mà hóa ra vẫn còn, còn rất nhiều. Đây là đồng làng: “Gốc rạ lật nghiêng/ sá cày vỡ đất/ đồng khát khô sương muối xót xa chiều”. Rồi: “Đồng giáp hạt đỏ trời hoa gạo/ Chầm chậm tháng ba tay mẹ gieo vừng”. Lớn lên trong vòng tay mẹ, từ lam lũ cánh đồng, “Giờ xao xác chân mình/ Bước lá vàng thành thị”, thì “Những mùa quê thương nhớ”, vẫn “Vời vợi xa sái lòng”.
Vương Tùng Cương vẽ lại tuổi thơ của bao người: “Níu chân mình suốt nẻo đường quê/ Tiếng cuốc sôi bong bóng mưa hè/ Duối chín rộ lũ chào mào huyên náo/ Trưa giãi nắng cánh chuồn tha thẩn/ Chú bói cá lười ngủ gật cọc ao”. Làng quê vẫn dõi theo bước chân ta, cho dù có lúc ta vô tình lãng quên, anh chạnh lòng nhắc nhở: “Có lẽ nào anh quên nắng quê xưa/ Mà biền biệt chưa một lần trở lại”.
Bóng dáng bà là bóng dáng của làng xưa, cũ và xưa như cổ tích. 7 tuổi Vương Tùng Cương theo bà đi chợ “Tất tả mồ hôi bà gồng gánh/ Tôi chạy gằn níu chặt dảnh quang/ Chiếc bánh đa đội đầu che nắng/ Dọc đường về chân sáo hồn bay”. Rồi bà qua đời “Chẳng mang theo một chút gì/ Mà sao trống lạnh từ khi vắng bà”. Giờ “Vẫn năm ngày hai phiên chợ Nếnh/ Đâu chợ của bà của tuổi thơ tôi”. Một cái gì đau xót, hụt hẫng, ta thừ người khi đọc câu thơ này. Nhưng bà vẫn hiện hữu trong “Những lời mưa gió nắng nôi/ Ủ từ tro trấu ấm đời cháu con”. Lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, cha mẹ đi hoạt động cách mạng nay đây mai đó, anh ở nhà với bà ngoại. Gắn bó với bà cũng là với làng. Bài Bà ơi, Vương Tùng Cương chọn thể thơ lục bát, trong khi hầu hết là thơ tự do, với số chữ khác nhau tùy cảm xúc.
Bà và mẹ la làng, làng của những người sau khi tiẽn chồng ra trận mà “Rơm thóc oi nồng nhặm vào giấc ngủ/ Làng ra đồng gặt với sao mai”. Người quê đầu tắt mặt tối quanh năm, và như được bù lại bởi những ngày hội. Hội làng là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của vùng quê Kinh Bắc. “Thương quan họ tháng giêng đời mẹ/ Thuở áo khăn hoa lý hoa đào/ Lời ca nước mắt nhiều đến thế/ Đẫm mối tình lòng mẹ gửi trao”. Đời chị hình như lặp lại đời mẹ: “Biền biệt chồng xa/ các con nhập ngũ/ Đêm ngóng tin thao thức vợi sao trời”. Làng xưa thường có chuyện xếp đặt, ép duyên gây ra bao bi kịch lứa đôi. Không có chợ tình cho gái trai lỗi hẹn gặp lại như ở miền núi, họ chờ đến hội làng: “Biết em yên phận không về được/ Anh vẫn cứ mong làng vẫn chờ/ Trùng phùng hội hát ba ngày nữa/ Gửi lời người nhắn tới em chưa”.
Cứ thế, một khi nảy ra tứ, anh bập vào ngay, đề pa rất tự nhiên và gieo câu kết như chuông ngân, dư ba chấn động, lay thức hồn người mãi không thôi. Ngôn ngữ không hàn lâm, cũng không véo von nhại ca dao, mà có cái cảm, cái nghĩ của liền anh liền chị, những người làm nên ca dao và dân ca. Về làng gặp bạn cũ một thời Trường Sơn: “Lưng bình tam xà mới ngấu/ Cốc đầy một hơi chuyền tay/ Câu chuyện dở dang bạn ngáy/ Tôi ngồi dựa cột lịm say”. Uống cùng bạn để “nhớ một thời say chưa biết rượu là gì”. Một thời say lý tưởng, chung lưng trên chiến hào, nhường nhau những giọt nước cuối cùng trong bi đông và ngỡ như rượu mạnh, cũng còn là một thời yêu chưa biết đến đàn bà. Vì vậy chân dung làng không thể thiếu em. Em là một phần của làng, của hồn làng, nhất là khi ta đi xa trở về: “Chợt thấy mình nôn nao như say/ Khi một dáng thân quen chiều nay rẽ vào ngõ ấy/ Vẫn lối ngõ có hoa vông đỏ cháy/ Và tiếng chim cây khế cuối vườn”. Chiến tranh trai làng ra trận, các cô thôn nữ chịu lắm thiệt thòi. Đâu rồi Thiên thai một thuở, một thuở bỏ bùa cho nhau dưới gốc đa bến nước, bên dòng sông quan họ: “Có một Bắc Ninh đêm ấy/ Xôn xao gió sóng sông Cầu/ Run rẩy vầng trăng ngần ngại/ Lời khuya thủ thỉ trao nhau”. “Rồi sông về với ca dao”, cuộc tình lỡ dở vì chiến tranh, “Ngày anh về trăng gác mái đình xưa/ mẹ đã khuất em không chờ được nữa”.
Vương Tùng Cương tự hào mình là nhà thơ của làng. Đó là làng Mật Ninh, có chợ Nếnh nằm giữa sông Thương và sông Cầu, cái nôi quan họ Kinh Bắc nổi tiếng. Bãi bể nương dâu, nơi tỳ vịn cuối cùng đã ít nhiều đổi thay, lũy tre xanh có phần thưa thớt, ao làng san lấp xây biệt thự nhà lầu, đời sống cũng xô bồ vội vã hơn… Nhưng hồn làng chưa thành dĩ vãng. Vương Tùng Cương tiếc xót cho những gì là cội nguồn, là truyền thống. Qua tập thơ Gặt với sao mai, anh nhắc nhở chúng ta, thức tỉnh những tâm hồn Việt, hãy làm ngọn gió xa xôi thổi qua làng, đừng quên nắng quê xưa, “Về thắp lại tháng ngày hương khói vắng/ Cúi mái đầu không một sợi tóc xanh”.
Thương và yêu làng đến thế, Vương Tùng Cương đã dựng cả bức chân dung làng Việt bằng thơ.
Chu Bá Nam