Nhà tù Indonesia - "vườn ươm" chủ nghĩa cực đoan
Quá tải tù nhân, cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn, ít giám thị quản lý, chưa phân loại các loại tội phạm để giam giữ hoặc chưa tách riêng nghi phạm và tội phạm, đều là những nguyên nhân chính dẫn đến vô số vụ vượt ngục hoặc gây bạo loạn tại Indonesia trong thời gian gần đây.
Cảnh sát giám sát tù nhân mang đồ đạc tại nhà tù Labuhan Ruku ở Batubara, Bắc Sumatra sau một cuộc bạo động. Ảnh: Diplomat |
Ngày 8-5, một vụ bạo loạn của các tù nhân bùng phát tại trại giam Mako Brimob ở Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta. Cuộc bạo loạn kéo dài hơn 36 giờ khiến 5 cảnh sát và 1 tù nhân thiệt mạng. Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, tổ chức Hồi giáo IS đã lên tiếng khẳng định đứng sau vụ bạo loạn. Tuy nhiên, một quan chức cảnh sát bác bỏ tin này và nói vụ việc xảy ra là do tranh giành thức ăn.
Tương tự ở Mako Brimob, các vụ bạo loạn cũng thường xuyên xảy ra tại các nhà tù, trại giam của Indonesia. Cụ thể, năm 2013, khoảng 200 tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù tại thành phố Medan trên đảo Sumatra sau một cuộc bạo loạn, và năm 2017, hơn 400 tù nhân đã tẩu thoát khỏi một nhà tù ở Pekanbaru thuộc tỉnh Riau. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà tù, trại giam tại Indonesia.
Quá tải
Theo thống kê, Indonesia có tổng cộng 464 nhà tù và trại giam với sức chứa 124.006 tù nhân. Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2018, tổng số tù nhân ở Indonesia, bao gồm cả những người bị tạm giam, là hơn 240.000 người - với tỷ lệ lấp đầy là 193%. Trong khi đó, số lượng tù nhân năm 2000 chỉ hơn 53.000. Điều này cho thấy số lượng tù nhân đã gia tăng đáng kể trong suốt hai thập kỷ qua. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, số lượng tù nhân tại quốc gia này tăng đến 12.000 người. Điều này có nghĩa là, tại một số nhà giam, một phòng dành cho 5 tù nhân giờ đây phải chứa đến 40 người.
Theo các quản ngục, khoảng 70% tù nhân bị kết án ở Indonesia là tội phạm liên quan đến ma túy vì đất nước vạn đảo này là một trong những nước áp dụng luật chống ma túy khắt khe nhất trên thế giới.
Lan truyền chủ nghĩa cực đoan
Vấn đề quá tải còn dẫn đến một hệ lụy nguy hiểm hơn nữa đó chính là sự cực đoan hóa của tù nhân.
Ông Khairul Ghazali, người có thời gian 6 năm ngồi "bóc lịch" tại nhà tù Tanjung Gusta ở thủ phủ Medan, tỉnh Bắc Sumatra, vì các hoạt động khủng bố, lý giải nguyên nhân chủ nghĩa cực đoan khởi sắc trong các nhà tù ở Indonesia.
Thứ nhất, khi các tù nhân ở gần nhau, họ dễ dàng truyền bá ý thức hệ cực đoan và chiêu mộ thêm nhiều thành viên mới. Thứ hai, nhân viên trại giam cũng đóng vai trò trong việc hỗ trợ truyền bá chủ nghĩa cực đoan. "Lính canh nhà tù thường bị các chiến binh Hồi giáo mua chuộc để cho phép các thành viên trong tù tập trung và tổ chức các cuộc họp kín với nhau", bà Judith Jacob, một chuyên gia phân tích an ninh và khủng bố, giải thích. Thứ ba, các nhà tù Indonesia thường không hỗ trợ vật chất cho các tù nhân, vì vậy họ phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình về hầu hết mọi việc như chu cấp thức ăn, đồ dùng cá nhân. Lợi dụng điểm yếu này các nhóm Hồi giáo cực đoan thường chú trọng chăm sóc cho các thành viên về mặt tài chính.
Bài toán bỏ ngỏ
Sau sự cố đẫm máu tại Mako Brimob, chính quyền đã gửi hơn 150 tù nhân liên quan đến cuộc bạo loạn đến đảo Nusakambangan, nơi có một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ngoài khơi bờ biển phía nam đảo Java. Nơi đây giam giữ một số tù nhân khét tiếng như Ali Gufron, Imam Samudra, và Amrozi - những kẻ chủ mưu đằng sau vụ đánh bom Bali năm 2002, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, cách giải quyết hiện tại không thật sự hiệu quả mà ngược lại trở thành nơi tập trung tù nhân khủng bố và chúng lại có cơ hội tiếp tục duy trì chủ nghĩa cực đoan. Vì thế, trong thời gian tới, nếu hệ thống nhà tù ở Indonesia không được sửa chữa, cơ sở vật chất không được cải thiện hay đội ngũ lính canh nhà tù không được đào tạo bài bản hơn thì các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cực đoan trong nhà tù Indonesia không và sẽ không bao giờ dừng lại, cũng như tình trạng bạo loạn, vượt ngục vẫn sẽ tiếp tục tái diễn không có hồi kết.
TUỆ KHANH (Theo Diplomat)