Báo Công An Đà Nẵng

Nhà văn đầu tiên hiến xác cho y học

Thứ bảy, 05/10/2013 10:06

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày nay, tin nhà văn Nhất Lâm ký Di chúc hiến xác cho y học khiến anh em văn nghệ sĩ Huế xôn xao, xúc động. Tôi biết trong cả nước đã có hàng ngàn người đến các Trường Đại học Y khoa  xin được hiến xác cho y học nhưng một nhà văn hiến xác cho y học thì ở nước ta chưa nghe. Có lẽ cho đến nay, nhà văn Nhất Lâm là người đầu tiên. Tôi tìm đến phòng viết của anh ở 26-Lê Lợi, Huế "hỏi cho rõ sự tình", nhà văn Nhất Lâm cười  vui vẻ:

- Ối trời, hiến xác cho y học lâu nay là chuyện bình thường. Ai cũng một lần chết. Chết là hết. Tôi quan niệm thế. Người thì địa táng, người thì thiên táng, người thì thủy táng... Tôi chọn hiến xác cho ngành y, cũng là một cách táng nhưng là cách táng có lợi hơn cho cuộc sống sau khi mình đã chết vì để cho các nhà khoa học, các sinh viên nghiên cứu, giảng dạy, thực tập y học vài năm, để họ phục vụ tốt hơn cho sự sống của con người... Hơn 15 năm trước tôi đã đến Trường Đại học Y Huế đề nghị được hiến xác. Ông hiệu trưởng lúc đó tên là Phận, rất hoan nghênh, nhưng ông bảo: "Bây giờ anh mới 60, còn sung sức lắm. Khi nào đến tuổi 75 thì ta cùng bàn chuyện đó". Bây giờ tôi đã 77 tuổi rồi...  

 

Nói rồi  nhà văn Nhất Lâm cho tôi xem  bản Di chúc hiến xác mà nhà văn đã ký với Bộ môn giải phẫu, Trường Đại học Y dược Huế. Hóa ra đây là chuyện thực. Bản Di chúc được chị Thủy, vợ nhà văn đồng ý ký tên, UBND P. Phú Thuận, TP Huế xác nhận, cùng Bộ môn giải phẫu đại học Y dược Huế đóng dấu đỏ chót. Nội dung bản Di chúc rất ngắn gọn:

"Tôi tên là Đoàn Việt Lâm, bút danh Nhất Lâm... Tôi xin tự nguyện hiến thân xác mình cho sự nghiệp nghiên cứu y học. Sau khi tôi qua đời, đề nghị chuyển tôi đến Bộ môn giải phẫu học, Trường Đại học Y dược Huế, 6-Ngô Quyền, thành phố Huế. Số điện thoại... để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu y học. Nếu vào ngày nghỉ lễ, chủ nhật hoặc ngoài giờ làm việc thì xin liên hệ: số điện thoại... Sau khi Nhà trường đã hoàn thành việc giảng dạy và nghiên cứu, phần "tro -cốt"của tôi xin đề nghị:-Được đặt ở nơi an táng chung...; - Được trả lại cho gia đình theo địa chỉ...".

Nhà văn Nhất Lâm sinh năm 1937 ở làng An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị. Anh là Hội viên Hội Nhà văn TT-Huế, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh từng là bộ đội chống Pháp, rồi cán bộ ngành địa chất, ngành giao thông, nguyên là Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên (cũ)... Từ tập thơ đầu tay Thức với mùa trăng, in năm 1995 đến nay anh đã xuất bản 14 tập sách. Hiện anh còn bản thảo 2 tiểu thuyết Trở lại Sài Gòn và  Khách sạn giữa rừng, và một tập thơ chưa in.

Riêng tiểu thuyết Xa Hà Nội đã được tặng thưởng văn học của Quỹ Phùng Quán năm 2011... Điểm qua như thế để thấy Nhất Lâm là nhà văn sống hết mình và viết hết mình. Nhất Lâm có nhiều câu thơ khắc tạc vào lòng người đọc: Dấu chân đi qua đời ta / Để lại khoảng trắng / mẹ già... (Dấu chân); Ly dày ly cạn đêm nhòa nhạt / Áo mới em choàng nhuốm bâng khuâng...(Suối đêm) Giang hồ tôi uống bao quán vắng / Nước mắt nhòe mưa về bến sông  (Mưa). Bánh chưng Nhật Lệ vuông Thành nội. Áo tím em về khép gió bay... (Tết Huế)... Đó là những câu thơ gan ruột mà anh gọi là "gom tuổi lang thang".

Nhà văn Nhất Lâm sống như viết, thẳng thắn, cương trực, đầy trực cảm và say mê. Mở cửa sổ tầng ba căn hộ chung cư sau đêm viết khuya, gặp ánh trăng man mác, thế là anh không dừng được đam mê, xách xe đạp xuống ba tầng cầu thang khu cư xá Đống Đa, một mình đạp xe đi chơi trăng đến sáng!  Anh đạp xe lang thang như một kẻ mộng du. Đến khi chạm cầu, chạm biển Thuận An mới tỉnh ra, biết mình đang ở xa nhà hơn chục cây số! Năm 2010 anh bị đau tim nặng, suýt chết. Bảy đường máu vào tim đều bị tắc. Bệnh viện bảo mổ, nhưng anh đã tự uống thuốc bắc, thuốc Tây, bây giờ cũng đã  đỡ đôi phần. Anh sống nghèo, không vi tính, tiểu thuyết viết bằng tay, điện thoại di động bạn mới cho. Năm ngoái anh mua được cái xe đạp điện 12 triệu đồng. Thế là tuần nào cũng vù ra Đông Hà, Thành cổ Quảng Trị. Có được vài trăm ngàn đồng là mua vé xe lang thang vô Đà Lạt, Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn... để "chơi với bạn bè".

Anh đam mê từng ngày rong chơi, từng trang viết như vậy nhưng anh lại yêu cuộc sống theo cách của mình: Yêu cuộc sống có nghĩa là ngay cả sau khi chết mình vẫn hiến mình cho sự sống sinh sôi. Sau khi ký Di chúc hiến xác, anh có thư cho Bộ môn giải phẫu, Trường Đại học Y dược Huế, cảm động:

"Nguyện vọng của tôi là sau khi nhà trường hết nghiên cứu phục vụ cho giảng dạy, tro thiêu xác tôi xin nhà trường đem rải đầu sông Vĩnh Định, tại cầu An Tiêm, làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lễ rải tro nếu có đại diện Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế thì càng tốt, cùng con cháu trong gia đình: Vợ chồng Hùng-Thủy cùng hai cháu nội Linh, Giao; vợ chồng Thịnh -Thảo và cháu ngoại Thiện Nhân.  Như tôi đã viết:

Khi ta chết nắm tro về xứ sở

Rải xuống dòng Vĩnh Định trường miên

Mảnh đất sinh ta thành thi sĩ

Con tạ ơn làng, làng hỡi An Tiêm

(Tập thơ Vú Đá, 2004)"

 Việc Nhất Lâm, nhà văn đầu tiên ký Di chúc hiến xác cho y học là việc làm có ý nghĩa xã hội lớn. Người  đời thường nói: "Nhà văn, nghệ sĩ là người của cộng đồng". Với nhà văn Nhất Lâm, ý nghĩa "người của cộng đồng" ở đây trọn vẹn cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Ngô Minh