Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đau đáu một nỗi niềm với Huế
(Cadn.com.vn) - Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn gần như chỉ viết về một thể loại đó là bút ký. Ngòi bút của ông đã từng viết về nhiều vùng đất song người đọc vẫn ấn tượng nhất là những trang viết của ông về Huế. Chảy suốt đời văn và đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ là dòng sông Hương nếu không có những trang viết của ông nó đã không long lanh như thế trong lòng bao nhiêu người đọc dù đã đến hay chưa đến Huế. Năm 1998 sau một cơn bạo bệnh tưởng chừng như không thể qua khỏi nhưng nghị lực sống đã thôi thúc ông gượng dậy để tiếp tục sống và tiếp tục viết. Tính đến nay nhà văn đã gửi đến bạn đọc 20 đầu sách trong đó có 16 cuốn là viết sau thời điểm lâm trọng bệnh. Tập bút ký có tên “Lời tạ từ gửi một dòng sông” theo xác nhận của chính ông là cuốn sách cuối cùng của một đời cầm bút.
Những bút ký về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nói đã trở thành “kinh điển”: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” “Sử thi buồn”, “Hoa trái quanh tôi”,… Bởi thế, cho dù trong những trang văn của ông, dấu chân lữ hành của ông đã lang thang qua sông Seine nước Pháp hay sông Volga nước Nga, đi suốt những dòng sông Việt từ sông Hồng, sông Đuống, sông Lô, đến dòng Hiền Lương, Thạch Hãn quê nhà hay yêu đến tận tụy dòng Thu Bồn xứ Quảng, sông Côn đất võ, những dòng sông phương Nam đầy nắng và phù sa… thì cuối cùng, với Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn là những yêu thương dành dụm cho lời tạ từ hôm nay: “Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô”. Đọc “ Lời tạ từ gửi một dòng sông” ta bất giác gặp lại những hình ảnh của thành phố Huế bên bờ con sông Hương nhỏ nhắn, đầy chất thơ cứ dần hiện lên qua những câu chuyện, những hoài niệm đầy tình cảm nhớ thương của tác giả. Qua những trang viết của ông người đọc cảm thấy một chút gì nhớ nhung của một thời đã qua, những gì không thể giữ lại được trong cuộc sống hôm nay và lòng như chùng lại khi những kỷ niệm của quá khứ bỗng nhiên ùa về đầy ăm ắp. Đọc “Lời tạ từ gửi một dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường người ta thấy man mác một Thạch Lam với “Hà Nội ba sáu phố phường” nhưng ở đây Huế vấn vương và xót xa hơn của một thời quá vãng. Phải yêu Huế lắm, gắn bó với Huế lắm tác giả mới dẫn người đọc vào đó cùng với mình, để thấy lòng lắng lại, đánh thức người đọc hoài niệm về những tình cảm trong trắng thiêng liêng mà hầu hết mọi người đã lãng quên trong cuộc sống vội vã của hiện tại. Có người từng cho rằng nếu mai kia Hoàng Cầm từ giã cuộc chơi thì sau lưng ông vẫn có dòng sông Đuống đưa tiễn và cũng nói theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường, rằng “Mai kia tôi về ngủ trên đồi…”, hẳn ông sẽ có dòng sông Hương đưa tiễn với tất cả tấm tình hào hoa đam mê mà ông đã dành cả đời văn của mình dâng hiến cho linh giang xứ Huế. Tập bút ký cuối cùng này được ông đặt tên là “Lời tạ từ gửi một dòng sông” nhưng tôi cũng như bao nhiêu người đọc yêu mến những trang văn của ông đều nghĩ sẽ không có một cuộc tạ từ nào cả. Nếu một mai phải rời bỏ cuộc chơi ở trần thế thì dòng sông Hương vẫn lưu bóng của ông như dòng sông Châu Hóa thuở nào đã lưu bóng hình ảnh của nàng công chúa Huyền Trân lúc qua đây với một nỗi niềm: Nước non ngàn dặm ra đi…
Chân dung nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tập sách “Lời tạ từ gửi một dòng sông” |
Vâng, thế hệ những người đến Huế sau này nếu đọc được câu: “Thuở Huyền Trân công chúa qua đây, chắc sông cũng xanh như vậy? Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi là người thư sinh đất Thăng Long theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, giẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy. Sáu, bảy trăm năm trôi qua, mỗi tấc đất khát bỏng này đã uống biết bao nhiêu mồ hôi và máu. Tôi nhìn ra ở nơi mỗi con người quanh tôi trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo hạt”. Chắc rằng sẽ mãi ngắm dòng sông và mang dòng sông vào tâm tưởng của mình giống tôi ngày trước dù tôi không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng đã từng sống ở đây mấy năm, giờ cũng xa Huế đã mấy năm nhưng khi gặp lại những trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đau đáu một nỗi niềm với Huế như chính tác giả vậy.
Văn Xưa